Có một cảnh tượng thế này ở Starbucks: Một người mẹ gọi cho con gái một ly cà phê và một món tráng miệng, còn mình thì chỉ xin một cốc nước đá miễn phí.
Người mẹ miệng nói không thích ăn uống, nhưng không nhịn được mà than thở: "Chỉ có một chút thế này thôi, nhưng đã tốn nửa ngày lương của mẹ rồi".
Ý của người mẹ có lẽ chỉ là muốn dạy con, nhấn mạnh sự hy sinh của mình. Nhưng cô bé rõ ràng không còn muốn ăn tiếp nữa, gương mặt tràn đầy sự hối lỗi và áy náy không thể che giấu.
Có một ý kiến như sau: "Trong nhiều gia đình hiện nay, cảm giác hy sinh rất nặng nề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Điều cơ bản nhất là: Miếng sườn ngon để dành cho con ăn, còn cha mẹ chỉ gặm xương; phần cá ngon nhất dành cho con, cha mẹ ăn cái đuôi đầy xương. Nhưng rõ ràng con cá rất lớn, tại sao nhất định phải chọn phần dở nhất, rồi cứ lặp đi lặp lại về sự hy sinh của mình?".
Đúng vậy, nhiều khi sự hy sinh và cho đi của cha mẹ vốn dĩ là để thể hiện tình yêu thương.
Nhưng khi sự "cho đi" này trở thành "hy sinh", nó trở nên quá nặng nề, biến thành một sự ràng buộc và áp lực.
01
Cảm giác hy sinh không phải là tình yêu, mà là sự kiểm soát dưới danh nghĩa tình yêu.
Trên mạng xã hội từng có một chủ đề hot: "Con cái có biết ơn cha mẹ hy sinh vì mình không?". Một người dùng mạng xã hội trả lời: "Không, thậm chí còn muốn trốn tránh".
Một cô gái ở Trung Quốc kể, ở nhà, cha mẹ luôn nhường phần tốt nhất cho cô ấy, còn mình thì ăn đồ thừa, dùng đồ cũ.
Khi đi mua sắm, quần áo trên 100 tệ, cha mẹ không bao giờ mua cho mình, nhưng sẽ mua cho cô một chiếc áo khoác lông vũ giá 1.000 tệ.
Và sự hy sinh này giống như một cái cân, họ cho đi càng nhiều, họ càng đòi hỏi nhiều sự đền đáp. Nếu cô ấy hơi lơ là việc học, cha mẹ sẽ tức giận và hỏi: "Con không học hành, vậy mẹ đi làm vất vả kiếm tiền để làm gì?".
Khi cô ấy thi không tốt, cha mẹ sẽ chỉ trích: "Con chỉ được điểm thế này thôi à? Con có xứng đáng với chúng ta không?".
Cô ấy chỉ cần nói không đúng giọng, cha mẹ sẽ lập tức răn dạy: "Bố mẹ dành điều tốt nhất cho con, vậy mà con lại đối xử với chúng ta như thế?".
Cô ấy từng cảm thấy áp lực rất lớn, gần như sụp đổ.
Trong tâm lý học, kiểu đòi hỏi con cái phải nhượng bộ bằng cách sử dụng "cảm giác hy sinh" này thực chất là: "Tống tiền" về mặt cảm xúc.
Nghĩa là một bên không ngừng cho đi tình cảm, khiến bên kia mất đi dũng khí và tư thế đạo đức để bảo vệ quyền lợi của mình, từ đó kiểm soát họ.
Cảm giác hy sinh của cha mẹ, về bản chất, chính là một kiểu kiểm soát tinh thần.
Trong bộ phim Đài Loan Ngày Cuối Cùng Của Mộc Lê, mẹ của Lâm Mộc Lê là một thạc sĩ tốt nghiệp từ Mỹ. Sau khi kết hôn, bà đã từ bỏ cơ hội thăng tiến lên chức giáo sư để chăm lo cho gia đình.
Nhưng trong lòng bà vẫn không cam lòng, vì vậy bà biến sự hy sinh trong sự nghiệp của mình thành sự ràng buộc với con cái. Bà yêu cầu rất cao ở Mộc Lê, mong đợi rất nhiều. Một khi Mộc Lê tỏ ra không hài lòng, bà sẽ không ngừng nhấn mạnh sự hy sinh của mình cho gia đình:
"Vì con mà mẹ đã từ bỏ tiền đồ rộng mở, vậy mà con lại không ra gì. Nếu không phải vì con, mẹ đâu có muốn vậy?". Lời trách móc và than phiền không ngừng này khiến Mộc Lê ngộp thở.
Một bên là cố gắng trở thành đứa con xuất sắc trong mắt mẹ, nỗ lực học tập; bên còn lại là ước mơ của mình: Viết tiểu thuyết và đi theo con đường văn học.
Trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, Mộc Lê muốn trốn chạy nhưng không thể, vừa yêu mẹ vừa oán giận mẹ. Sự giằng co cảm xúc kéo dài này khiến Mộc Lê mắc bệnh tâm lý, chịu đựng không nổi, cuối cùng trèo lên cửa sổ và nhảy xuống.
Một nhà tâm lý học từng nói: "Một cơ thể chỉ có thể chứa đựng một linh hồn. Nếu cha mẹ kiểm soát quá chặt, con cái thực chất đã chết về mặt tinh thần".
Bởi vì, cảm giác "hy sinh" của cha mẹ không mang lại cho con cái sự ấm áp trong tâm hồn mà là sự hối lỗi đau đớn và cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt. Dùng cảm giác "hy sinh" để ràng buộc con cái dưới danh nghĩa tình yêu là sự tàn nhẫn lớn nhất của cha mẹ.
Bởi vì đằng sau sự vâng lời của đứa trẻ là sự áp bức đến ngột ngạt, là sự tuyệt vọng sâu sắc.
02
Cảm giác hy sinh của cha mẹ càng mạnh, gánh nặng tâm lý của con cái càng nặng nề.
Một cô kể, cô từng có lần cãi nhau to với mẹ. Bởi vì sau khi mẹ nghỉ hưu, bà ngày ngày ở nhà, cuộc sống của bà chỉ xoay quanh con cái. Sau đó, bà luôn miệng nói những câu như "Mẹ làm tất cả những điều này vì con".
Cô hiểu rằng mẹ đang nhấn mạnh sự hy sinh của mình để cô cố gắng học tập và làm việc. Nhưng với tư cách là con, sau khi nghe những lời đó, cảm xúc trong cô không phải là sự cảm động, mà chỉ là cảm giác tội lỗi.
"Cảm giác như những phần tồi tệ trong cuộc sống của cha mẹ đều là do mình gây ra".
Cảm giác hy sinh của cha mẹ quá lớn, con cái nhất định sẽ nảy sinh cảm giác "mắc nợ".
Bởi vì cha mẹ dùng cảm giác hy sinh để biểu đạt tình yêu, không những không khiến con cái cảm thấy hạnh phúc, mà còn khiến con phải gánh vác một cái ách tâm lý nặng nề, nghĩ rằng: Mình nợ cha mẹ.
Một bệnh nhân trầm cảm từng chia sẻ trải nghiệm của mình.
Từ nhỏ, mẹ thường xuyên nói với cô: "Mẹ nuôi con một mình rất vất vả, con phải ngoan ngoãn, phải học giỏi".
Nhìn mẹ ngày ngày đi làm hai công việc, dậy sớm về muộn, cô từng cảm thấy sự ra đời của mình chính là một món nợ, coi mình là gánh nặng. Đặc biệt là mỗi khi tiêu tiền, câu nói của mẹ: "Vì con, mẹ bán nhà cũng không sao", càng khiến cô cảm thấy tội lỗi đè nặng lên tâm trí.
Vì vậy, cô không bao giờ dám đòi hỏi, không dám làm nũng, không dám gây rắc rối. Thậm chí, khi người khác đang vô tư vui chơi, cô mỗi ngày chỉ nghĩ cách cắt giảm chi tiêu, nghĩ xem có thể nhặt thêm chai nhựa ở đâu để bán kiếm tiền, giúp mẹ giảm bớt gánh nặng.
Cô nói, dù hai mẹ con nương tựa nhau mà sống, nhưng giữa mẹ con lại không có sự thân thiết, chỉ có áp lực trả nợ. Môi trường trưởng thành như vậy cũng khiến cô trở nên nhạy cảm và tự ti, chỉ cần một ánh mắt của người khác cũng khiến cô suy nghĩ mãi không thôi.
Tội lỗi là năng lượng tiêu cực lớn nhất. Nhiều lúc, cha mẹ nhắc đến sự hy sinh của mình, có lẽ chỉ là một câu than phiền. Nhưng với con cái, đó lại là món nợ không trả nổi, món ân tình không đền đáp hết.
Để trái tim non nớt của trẻ sớm phải gánh chịu những khổ đau và bất hạnh trong cuộc đời của cha mẹ. Áp lực đó từng chút từng chút in hằn lên tâm hồn trẻ, trở thành gánh nặng khó gánh trong cuộc đời.
03
Điều con cái thực sự cần là cảm giác giá trị từ cha mẹ.
Nuôi dạy con cái chưa bao giờ thành công nhờ sự hy sinh hay ép buộc. Giờ nhìn lại câu nói của người mẹ trong câu chuyện đầu tiên: "Chỉ có một chút thế này thôi mà đã tốn nửa ngày làm việc vất vả của mẹ rồi". Những câu tương tự, ắt hẳn nhiều người cũng đã nghe qua.
Tuy nhiên một cư dân mạng kể, năm anh 8 tuổi, mẹ không cãi được anh, nên đưa anh đi ăn McDonald’s mà anh hằng mong ước.
Lúc thanh toán, mẹ có chút tiếc tiền, rồi buột miệng than thở: "Chỉ có chút đồ ăn thế này mà cũng đủ chi phí cho cả nhà ta ăn mấy ngày". Điều khác biệt là, mẹ nói thêm một câu:
"Nhưng thỉnh thoảng bỏ tiền ra để thưởng thức những điều tốt đẹp cũng rất xứng đáng. Con thích thì phải cố gắng lên nhé, sau này dựa vào chính sức mình, muốn ăn là ăn".
Câu nói đó đã khích lệ tôi suốt nhiều năm.
Và khiến tôi luôn tin rằng: Tôi xứng đáng với mọi điều tốt đẹp, chỉ cần tôi nỗ lực.
Quá trình trưởng thành của trẻ thực ra cần sức mạnh. Cảm giác hy sinh, thường là thứ bóp nghẹt cảm giác sức mạnh nhanh nhất; còn cảm giác giá trị, mới thực sự nuôi dưỡng được trẻ.
Mà để mang đến cảm giác giá trị cho con cũng không khó, cha mẹ hãy sống đúng với chính mình, sống vui vẻ và làm tấm gương là đủ.
Một tạp chí ở Trung Quốc từng đưa tin về một cặp mẹ con. Người mẹ, Hồ Vĩnh Bình, nói: "Làm mẹ cần phải cho đi, nhưng không được hy sinh". Bà luôn tuân thủ một nguyên tắc: Đầu tiên là sống cho mình, sau đó mới làm mẹ.
Bà không vì con gái mà thỏa hiệp với cuộc sống, cũng không nhún nhường. Việc nuôi dạy con gái của bà cũng rất tự nhiên: Bà không chăm chút từng li từng tí cho con trong sinh hoạt.
Con gái tốt nghiệp trung học, chuẩn bị đi du học Anh, con nói không cần tiễn, bà cũng thật sự đi leo núi với bạn bè. Giữa mẹ con không có sự hy sinh hay cống hiến, cũng không có sự kiểm soát hay ràng buộc.
Nhưng dưới sự ảnh hưởng của mẹ, cô gái ấy trưởng thành rất độc lập và quyết đoán. Cô nói rằng chính mẹ đã giúp cô hiểu rằng, phải dám theo đuổi điều mình muốn làm, không để bị xã hội ràng buộc.
Đặt bản thân lên hàng đầu, nuôi dưỡng chính mình, cha mẹ nội tâm giàu có mới có thể thúc đẩy sự trưởng thành của con cái. Đó chính là sống đúng với bản thân.
Mạc Ngôn, nhà văn đoạt giải Nobel của Trung Quốc hồi nhỏ gia đình rất khó khăn. Đặc biệt là mẹ, không chỉ là người đói nhiều nhất mà còn là người làm việc nhiều nhất trong nhà.
Ông luôn nghĩ mẹ vừa làm việc vừa khóc. Nhưng người mẹ luôn cau có của ông, khi làm việc vất vả lại cất giọng hát một bài hát nhỏ!
Sự lạc quan và phóng khoáng của mẹ đã dạy cho Mạc Ngôn rằng khi đối mặt với nghịch cảnh và khó khăn, không than phiền, không oán thán, mà lạc quan đối diện, tích cực xử lý.
Thay vì nói về sự hy sinh và gian khổ, hãy đối diện với nó bằng nụ cười và truyền cho con năng lượng tích cực.
Đó chính là sống vui vẻ.
Thay vì ràng buộc sự trưởng thành của con, hãy đóng miệng lại, bước chân lên, đi tốt con đường của mình để làm tấm gương cho con.
Đó chính là sống thành hình mẫu.
04
Tình yêu của cha mẹ sâu như biển cả, nhưng có sự khác biệt về chất lượng. Thứ quyết định sự khác biệt này không phải là học vấn, thu nhập hay địa vị của cha mẹ, mà là cách họ xử lý các chi tiết.
Vì con tốt là bản năng của cha mẹ, nhưng làm thế nào để tránh biến tình yêu đó thành gánh nặng cho con là một bài học quan trọng mà mỗi bậc cha mẹ đều phải trau dồi.
Mong rằng các bậc cha mẹ đều hiểu: Tình yêu không phải là gông cùm, cũng không phải là hy sinh, mà là sự hoàn thiện lẫn nhau.
Cha mẹ sống đúng với chính mình, con cái mới có thêm sức mạnh.
Cha mẹ sống hạnh phúc, con cái mới có thể sống trọn vẹn hạnh phúc.
Cha mẹ sống làm tấm gương, con cái mới có thể bay cao, bay xa hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.