Chia sẻ về công cuộc chăm con của mình, chị Vân cho biết trước đây khi sinh bé thứ nhất, vì thiếu kinh nghiệm nên chị cũng từng stress vì việc ăn dặm của con. Khi đó sinh con lần đầu nên chị Vân nuôi con hoàn toàn theo bản năng. Khi bé được 5,5 tháng thì chị bắt đầu cho con ăn dặm bằng bột dinh dưỡng giống như bao bà mẹ khác. Thời gian đầu lạ miệng nên bé Chip ăn rất ngon miệng và thích thú. Sau đó, chị Vân có tìm hiểu về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật nhưng vì tìm hiểu chưa thông nên chị áp dụng sai cách. Chị cũng cho con ăn cháo rây nhuyễn nhưng bé không ăn. Sợ con thiếu chất chị cố ép mà càng ép con lại càng không ăn.
Chị Vân tự nhận đã từng thất bại trong công cuộc ăn dặm của bé đầu tiên
Cũng từ đó chị Vân rơi vào vòng luẩn quẩn, con không ăn thì mẹ ép ăn, con khóc, mẹ stress căng thẳng, con còi cọc, không tăng cân và ốm yếu. Sau đó, chị tiếp tục đi vào vết xe đổ của nhiều bà mẹ khác với hành trình cho con ăn rong và phải đến gần đây chị mới có thể rèn lại được cho bé Chíp thói quen ăn uống tốt.
Sau lần đầu nuôi con quá vất vả, chị quyết tâm tìm hiểu thật kỹ trước khi cho bé Subeo (bé thứ hai) ăn dặm. Sau những buổi học về cách cho con ăn dặm, chị Vân thay đổi hoàn toàn tư duy về việc nuôi con. Bước đầu chị đã chuẩn bị được kiến thức và cả tâm lý để cho Subeo ăn dặm. Ban đầu chị định cho con ăn dặm kiểu Nhật kết hợp ăn dặm bé chỉ huy BLW. Nhưng vì không mua được máy Braun nên chị cho Subeo ăn dặm BLW trước. Không ngờ rằng Subeo rất hợp tác, bé ăn ngon miệng và thích thú vô cùng nên chi quyết định bỏ qua ăn dặm kiểu Nhật vào cho con ăn BLW hoàn toàn.
Bé Subeo ăn vô cùng ngon miệng và rất hợp tác với mẹ
Theo chia sẻ của chị Vân, trước khi cho con ăn dặm cần chú ý những dấu hiệu chứng tỏ bé đã sẵn sàng bước sang giai đoạn mới. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Bé đã có thể ngồi vững mà không cần hoặc cần ít sự trợ giúp của người lớn. Bé có thể giữ thẳng đầu khi ngồi. Nếu bé không ngồi vững thì các mom hãy đợi con ngồi vững thẳng đầu đã nhé để tránh trường hợp con ngồi ăn mà cứ ngả nghiêng nguy cơ hóc cao.
- Khi bé gặm đồ chơi, bé có vẻ đang nhai chúng. Lúc Subeo được 4 tháng hơn chị Vân đã nhận thấy con cứ thích gặm đồ linh tinh, có vẻ ngứa lợi. Vậy là chị mua ít đồ cho con chơi, cho con gặm đồ chơi thoải mái, cũng là một cách tập cơ hàm cho bé.
- Bé với tay chộp lấy đồ ăn và đưa vào miệng chính xác. Hoặc đơn giản là con cầm đồ vật đưa chính xác vào miệng là cũng chứng tỏ bé đã sẵn sàng.
Chị Vân cũng bật mí rằng: Có giai đoạn 3 - 4 tháng con bắt đầu thích mút tay. Hành động đó thể hiện con đang cố gắng khám phá những thứ xung quanh mình. Nhiều người quan niệm mút tay vậy sẽ mòm tay con và đeo bao tay không cho con gặm tay. Nhưng chị Vân cho rằng nên để con tự do khám phá và phát triển, không nên kìm hãm sự thích thú của bé. Nên nếu con có mút tay các mẹ cứ để con tự nhiên nhé. Nó giúp ích cho việc ăn dặm BLW của con sau này. Miễn sao mẹ luôn chú ý giữ cho bàn tay con và đồ chơi luôn được sạch sẽ.
Khi bé đã có những dấu hiệu sẵn sàng thì mẹ có thể chuyển cho con sang ăn dặm. Bé Subeo được mẹ cho ăn dặm lúc 5,5 tháng. Theo chị Vân khi cho con ăn dặm theo phương pháp BLW mẹ cần ghi nhớ các nguyên tắc:
“Thứ nhất là về vấn đề sợ con hóc ọe. Khi Vân cho biết mỗi khi chị đăng hình con ăn theo phương pháp này thì nhiều người hỏi rằng “Chị ơi ăn như thế kia không sợ hóc à?” Bản thân mình lúc đầu cũng rất hoang mang. Nhưng khi đọc kỹ sách hướng dẫn và học xử lý hóc ọe và qua quá trình ăn của con thì mình thấy yên tâm hơn. Thực tế việc hóc ọe vẫn có thể xảy ra nên mẹ hãy tìm hiểu trước một số phương pháp xử lý nếu không may con bị hóc ọe và tập trước với con. Mẹ nhớ rủ bố cùng làm nhé. Khi đã nắm vững cách xử lý, tự khắc mẹ sẽ thấy yên tâm hơn.
Thứ hai là hãy nói chuyện với ông bà hoặc chồng của các bạn để thống nhất phương pháp ăn dặm BLW nhé. Mình thì đưa cả chồng đi học, sau đó về nói chuyện với ông nội về phương pháp này. Ông nội Subeo rất hiểu vấn đề này, khi thấy Subeo ăn ngoan thì ông bảo “Ăn được 2 miếng rau như kia thì hơn cả thìa rau ở ngoài quán cháo dinh dưỡng ấy chứ, nhìn 1 - 2 thìa rau nhưng chẳng được bao nhiêu.” Ông nội rất ủng hộ vợ chồng mình áp dụng phương pháp này. Cả nhà ai cũng nhàn chỉ nhờ tôn trọng bữa ăn của con. Còn nếu ông bà không đồng ý thì các mẹ có thể kết hợp cả ăn dặm truyền thống và ăn theo BLW.
Những bữa ăn của bé Subeo
Thứ ba, khi cho con ăn cần để bé ngồi đúng tư thế sao cho thoải mái nhất. Không để bé ngồi một mình với thức ăn. Khi tập ăn BLW thì các mẹ cần chuẩn bị ghế ăn cho con nhé. Trước đó thì hãy cho con tham gia bữa ăn cùng gia đình để bé cảm thấy thích thú với bữa ăn, đặt con ngồi vào lòng và giới thiệu cho con về các món ăn trên bàn. Đây là bước tập chuẩn bị cho con làm quen. Các mẹ lưu ý rằng không đút đồ ăn vào miệng của con nhé mà để con tự chỉ huy.
Khi mới bắt đầu nên áp dụng ăn cùng loại thực phẩm trong 2 ngày liền để thử phản ứng của bé xem con có bị dị ứng với thứ gì không.
Cho con ăn đa dạng thức ăn, khi chế biến có thể hấp luộc gian đoạn đầu và dùng dao cắt thanh dài hoăc răng cưa để con dễ cầm. Khi cho con ăn đừng cố nịnh nọt hay thúc giục con, cũng không múa hát, ti vi, điện thoại. Mình thường nói với con: “Subeo ơi bây giờ là đến bữa ăn, mẹ sẽ lau tay, đeo yếm giúp Subeo nhé”. Mình cũng thường khen con: “À Subeo làm tốt lắm” khi con đưa miếng ăn vào đúng miệng – cái này áp dụng khi lúc đầu con còn bỡ ngỡ trong việc tập bốc. Nếu con không cầm được đồ ăn con sẽ khóc, lúc này các mẹ có thể hỗ trợ con đưa đồ ăn lên để con tự cầm và đưa vào miệng. Lần sau hãy nói: “Con tự cầm đồ ăn đưa lên miệng nhé, mẹ chỉ giúp con đến đây thôi.” Đừng quá vội vàng hãy kiên trì các mẹ nhé.
Thức ăn cho con không nên hấp quá cứng. Khi cho con ăn thì để từng thứ lên bàn ăn của con, không để quá nhiều lên bàn sẽ khiến con hoang mang không biết ăn đồ gì. Mỗi bữa nên chuẩn bị 3 -4 món ăn chủ yếu là các loại rau củ quả, tinh bột cơm thì chưa nên ăn vội. Các loại quả trơn nhỏ tròn có hạt cũng chưa nên cho ăn kẻo con bị hóc
Giai đoạn đầu con mới tập bốc, kỹ năng nhai còn yếu nên con có thể nuối được hoặc chưa biết nuốt nên dễ bị óe hoặc trớ sữa. Các mẹ nên chuẩn bị sẵn tinh thần để không bị hoảng. Bé thường bốc đồ ăn bằng cả bàn tay và còn lóng ngóng. Đôi lúc bé sẽ nghịch ngợm ném hoặc bóp nát thức ăn, thậm chí bé đưa thức ăn vào miệng nhưng không chính xác. Mẹ chỉ cần kiên trì cho bé tập như vậy trong 1, 2 tuần bé sẽ quen dần và thao tác chính xác hơn.”
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.