Kinh nguyệt hàng tháng tương đối đều đặn, thời gian chính xác và lượng máu kinh bình thường là biểu hiện cơ thể tương đối khỏe mạnh. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là 21~35 ngày. Thời gian có hành kinh từ 3~7 ngày.
Nếu bạn thấy kinh ra ít, chỉ có 2 ngày là hết mà lượng máu kinh cũng không nhiều thì hãy xem xét các nguyên nhân dưới đây, không loại trừ vướng phải một số bệnh lý nguy hiểm.
1. Thiếu dinh dưỡng do giảm cân quá đà
Giảm cân là chủ đề được nhiều chị em bàn tán. Thực tế có nhiều người không béo nhưng lại vẫn muốn giảm cân bằng cách nhịn ăn, ăn kiêng, uống thuốc… trong thời gian dài. Hiệu quả trong thời gian ngắn thì rất tốt, cảm thấy cân nặng giảm. Nhưng nếu thực hiện giảm cân kiểu này trong thời gian dài thì cân nặng giảm, nhưng dinh dưỡng cũng giảm theo.
Cân nặng quá thấp, thiếu dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể khiến cơ thể không đủ chất, kéo theo khí huyết không đủ. Hạn chế calo khiến cơ thể bị căng thẳng, mất cân bằng hormone gây nên kinh nguyệt bất bình thường.
2. Viêm nhiễm phụ khoa
Kinh nguyệt ra ít và hết nhanh có thể là triệu chứng xảy ra khi nữ giới bị mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Viêm phụ khoa có thể kể đến như viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm âm đạo…
Trong các bệnh thì viêm nội mạc tử cung dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra ít và nhanh hết có khả năng cao nhất. Bởi vì kinh nguyệt được hình thành do sự bong tróc theo chu kỳ của nội mạc tử cung. Cho nên khi nội mạc tử cung có vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt, gây ra các triệu chứng như lượng máu kinh ít, màu máu kinh bất thường, thậm chí có thể gây vô kinh sớm.
3. Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Một trong những triệu chứng của bệnh là kinh nguyệt ra ít. Nếu triệu chứng trên kèm các dấu hiệu khác như mệt mỏi, đi tiểu nhiều, hay lo lắng thì nên đi khám càng sớm càng tốt.
4. Buồng trứng đa nang
Khi bị buồng trứng đa nang, nội tiết sẽ thay đổi, kinh nguyệt sẽ bị ảnh hưởng, có thể là chậm kinh, rong kinh, kinh nguyệt ra ít, thậm chí mất kinh. Một số dấu hiệu khác khi bị bệnh là: da nhờn, nổi nhiều mụn, mọc nhiều lông, tăng cân bất thường…
5. Estrogen tiết không đủ
Estrogen nữ có thể kích thích tăng sản nội mạc tử cung. Nhưng nếu estrogen tiết không đủ, nội mạc tử cung sẽ không thể tăng sinh, từ đó dẫn đến lượng kinh nguyệt giảm, thời gian hành kinh cũng ít đi.
Ngoài ra, thường xuyên thức khuya, lo lắng và căng thẳng quá mức… có thể dẫn đến tình trạng tiết estrogen bất thường, gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng xấu đến kinh nguyệt.
6. Thiếu khí huyết
Khí huyết rất quan trọng đối với phụ nữ. Hầu hết những người thiếu khí huyết trong người đều có nước da xỉn màu, thậm chí nhợt nhạt, cơ thể suy nhược. Trong kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh sẽ càng ngày càng ít, chỉ sau 2 ngày là hết sạch. Lúc này, chị em nên bổ sung các loại thực phẩm tăng cường khí huyết cho cơ thể, bảo vệ tử cung như táo đỏ, mộc nhĩ trắng, hắc kỷ tử…
7. Ảnh hưởng bởi các biện pháp tránh thai
Rất nhiều bạn ra ít kinh nguyệt là do sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết như uống thuốc, dùng vòng tránh thai nội tiết… Thậm chí nhiều trường hợp máu kinh bị tối sẫm, thậm chí mất kinh.
Do đó, khi sử dụng các biện pháp tránh thai, chị em cần chú ý lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để không làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
Nguồn: Sohu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec. Ảnh: Pinterest
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.