Thực đơn ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đến sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Mỗi giai đoạn, trẻ cần được cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng, bao gồm: thức ăn, trái cây, rau, ngũ cốc... Việc nghiên cứu và lựa chọn đồ ăn cho bé trong thời điểm này cần đảm bảo giá trị dinh dưỡng đồng thời giúp con ăn ngon miệng hơn, cảm thấy hứng thú với các món ăn.
Vào mùa hè, trẻ cần được bổ sung nhiều nước, trái cây, rau củ. Và một trong những loại trái cây có rất nhiều công dụng mà không phải bố mẹ nào cũng biết chính là trái kiwi. Hàm lượng chất có trong kiwi không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà còn tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật và cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể. Bố mẹ hãy tìm hiểu cách sử dụng của quả kiwi dưới đây nhé.
Kiwi có lợi ích gì với trẻ nhỏ?
Cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho bé, đặc biệt là vitamin C
Kiwi là loại trái cây chứa nhiều vitamin C, A, kali, chất xơ, folate, chất chống oxy hóa, canxi, sắt, crom, đồng, kali, magie và kẽm... Đây đều là những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Vậy nên, việc bổ sung kiwi vào trong thực đơn ăn hàng ngày của bé là một điều hết sức cần thiết.
Trung bình 2 quả kiwi có thể chứa tới khoảng 230% lượng vitamin C cần có trong cơ thể mỗi ngày. Điều này sẽ rất tốt cho cơ thể bé bởi vitamin C có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, đề kháng, khiến cho trẻ khỏe mạnh, hấp thụ tốt sắt để hệ xương và răng luôn chắc khỏe.
Giúp ngừa táo bón ở trẻ em
Một trái kiwi sẽ cung cấp tới 16% lượng chất xơ cần thiết hàng ngày. Chính nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào đó mà kiwi sẽ là thực phẩm hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, ngăn ngừa chứng táo bón và nhiều chứng bệnh tiêu hóa khác.
Cung cấp năng lượng, bảo vệ tim mạch cho bé
Với hàm lượng calo cao, kiwi là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời để trẻ luôn khỏe mạnh. Hàm lượng kali cùng vitamin E trong kiwi thúc đẩy tuần hoàn và bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách tốt hơn.
Tăng cường thị lực cho bé
Hai loại chất dinh dưỡng là Lutein và zeaxanthin trong kiwi giúp hỗ trợ và bảo vệ đôi mắt trẻ. Lutein có tác dụng thanh lọc ánh sáng xanh nguy hiểm, ngăn ngừa tình trạng thoái hóa võng mạc khi lớn tuổi. Đặc biệt chất này còn ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp cũng như bệnh đục nhân mắt. Trong khí đó, Zeaxanthin kết hợp cùng với lutein, giúp đôi mắt luôn khỏe mạnh.
Tăng cường trí nhớ, khả năng học tập của bé
Trong kiwi có chứa hàm lượng cao serotonin tốt cho não bộ, giúp bé nhớ lâu, học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, serotonin còn có thể giúp bé ngủ ngon hơn. Điều này sẽ giúp giờ giấc sinh hoạt của bé được đảm bảo, nhờ vậy khả năng tiếp thu trong học tập của trẻ được nâng cao. Ở lứa tuổi càng nhỏ, cha mẹ càng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc và bổ sung dưỡng chất để trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Khi nào có thể cho bé ăn kiwi?
Vì kiwi có tính chua nên tốt nhất là cho bé ăn trong khoảng từ 8 đến 10 tháng tuổi. Nếu em bé đã có biểu hiện dị ứng thức ăn hoặc phát ban tã trước đó, hãy cân nhắc cho bé ăn trái cây từ 10 đến 12 tháng.
Trong trường hợp gia đình bạn có tiền sử dị ứng thức ăn với kiwi, hãy tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi cho bé ăn kiwi.
Những trường hợp nên tránh cho trẻ ăn kiwi
Một số em bé bị dị ứng với kiwi sẽ xuất hiện tình trạng đau miệng, sưng môi, lưỡi, mặt hoặc nôn mửa. Các phản ứng nghiêm trọng bao gồm khó thở và thở khò khè. Các triệu chứng có thể xuất hiện khoảng 2 giờ sau khi ăn. Để kiểm tra cách em bé phản ứng với kiwi, hãy cho trẻ ăn bất kỳ loại thức ăn mới nào trong bữa ăn trước và không trộn chúng với một số thức ăn mới khác. Đầu tiên chỉ cho ăn một lượng nhỏ, chỉ tiếp tục nếu em bé không có bất kỳ biểu hiện dị ứng nào liên quan.
Một số món ăn cho trẻ với kiwi
- Kiwi xay: Gọt vỏ kiwi sau đó xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
- Kiwi nghiền hỗn hợp, ví dụ như táo, kiwi và lê.
- Salad kiwi: Gọt vỏ và cắt hạt lựu kiwi, dâu, nho hoặc bất cứ loại quả nào bạn thích. Cho tất cả trái cây vào bát và thêm mầm lúa mì hoặc ngũ cốc nghiền. Bạn cũng có thể trộn tất cả chúng lại với nhau trong máy xay để tạo thành bột nhuyễn và thêm sữa chua lên trên.
- Kem kiwi: Trộn đều những thứ sau: 1 quả kiwi nhỏ, gọt vỏ và cắt hạt lựu, 1/2 cốc sữa chua, 1 giọt chiết xuất vani. Sau đó, xay nhuyễn hỗn hợp hoặc nghiền kỹ thành dạng sệt sệt như kem. Có thể cho vào khuôn rồi bỏ vào tủ đá nếu muốn.
- Kiwi yến mạch nhiệt đới: Chuẩn bị: 1/2 chén yến mạch; 1 trái kiwi chín, gọt vỏ và cắt hạt lựu; 1 quả chuối nghiền; 3/4 cốc nước; 1/4 cốc nước ép táo. Cách làm: Trộn nước và nước táo trong chảo và đun sôi; Cho kiwi và yến mạch vào chảo, đảo đều; Đun sôi một lần nữa và giảm lửa; Nấu cho đến khi hỗn hợp đặc lại hoặc nấu trong mười phút; Cho chuối nghiền vào xào cùng; Ăn lúc còn ấm.
(Tổng hợp)
https://afamily.vn/kiwi-giup-tang-cuong-suc-de-khang-va-bo-sung-chat-xo-cho-be-tuy-nhien-can-chu-y-dieu-nay-khi-cho-tre-an-20220614124023557.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.