Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có phải điều chỉnh?

Nếu lịch thi tốt nghiệp THPT không thay đổi, thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM dự kiến sẽ diễn ra tháng 6, tại Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 5

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, trong kế hoạch năm học, các trường đều có 2 tuần dự phòng để tổ chức ôn tập cho học sinh (HS). Vì vậy, dù thời gian qua, HS phải chuyển sang học trực tuyến cũng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch, thời gian năm học. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT không thay đổi thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dự kiến diễn ra vào tháng 6.

Ưu tiên ôn tập cho học sinh lớp 9

Cũng theo sở này, quan điểm của sở là bảo đảm ổn định kỳ thi tuyển sinh lớp 10 bao gồm cả thời gian, cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức. Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP HCM, về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 sẽ giữ ổn định như các năm trước đây. Cụ thể, để dự thi vào lớp 10, HS sẽ dự thi 3 môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Những HS muốn dự thi vào trường chuyên hoặc trường có lớp chuyên sẽ dự thi thêm môn chuyên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian 2 tuần, HS TP HCM tạm thời chuyển sang học trực tuyến do ảnh hưởng dịch, các trường THCS đều ưu tiên tổ chức ôn tập cho HS lớp 9, đặc biệt ở 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điểm đặc biệt của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là ở môn tiếng Anh sẽ tăng từ 36 câu lên 40 câu. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TP HCM, dù tăng số lượng câu hỏi nhưng mức độ kiến thức, cấu trúc đề thi vẫn ổn định, không phải tăng độ khó mà bao quát hơn việc học của HS.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có phải điều chỉnh? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM năm 2020 Ảnh: TẤN THẠNH

Tại buổi tập huấn về tuyển sinh lớp 10 mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng khẳng định rằng đề thi tuyển sinh lớp 10 tiếp tục sẽ có những câu hỏi mang tính thực tế, đòi hỏi khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống để giải quyết vấn đề của HS. Ở môn ngữ văn, vẫn giữ ổn định cấu trúc đề thi gồm 3 phần là đọc - hiểu, nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Theo các giáo viên (GV) môn ngữ văn, ở thời điểm này, song song với việc học tập kiến thức trên lớp, để ôn tập vào lớp 10, HS cần đọc lại các bài đã học, đọc thêm các sách tham khảo, tham khảo cấu trúc đề tuyển sinh 3 năm gần đây và thử giải các đề này.

GV cũng lưu ý HS không học theo kiểu đoán đề hoặc lựa chọn các đề bài quá khó để giải. Hãy rèn luyện các kỹ năng và tích lũy kiến thức trước. Trong khi đó, ở môn toán và tiếng Anh, theo các GV, HS cần chú ý các câu hỏi vận dụng từ thực tế. Ở môn toán, cấu trúc đề thi không thay đổi, khi ôn tập, HS cần chú ý làm cho thuần thục để tránh mất điểm. Về dạng toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức HS đã học. Còn ở môn tiếng Anh, HS cần chú ý từ vựng, ngữ nghĩa câu, ứng dụng trong các tình huống và thực tiễn cuộc sống; đồng thời phải biết phân tích để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau.

Phụ huynh phản ứng vì tuyển sinh theo hộ khẩu

Năm học 2020-2021 Hà Nội có 110.759 HS tốt nghiệp THCS, tăng 6.220 HS so với năm học trước. Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10, khoảng 62% trong số này sẽ được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào các trường ngoài công lập và trường công lập tự chủ tài chính, 8% tuyển vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và 8% tham gia học nghề. Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT năm nay là 90.730, bằng với năm học 2020-2021. Trong đó, các trường THPT công lập tuyển 68.670 HS, năm học trước là 66.492 HS.

Theo quy định mới của Hà Nội, mỗi HS sẽ được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV 1, NV 2 và NV 3. Trong đó, NV 1 và NV 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (NV tuyển sinh được xác định dựa vào hộ khẩu thường trú của HS hoặc cha mẹ HS). Trường hợp HS chỉ đăng ký 1 NV thì NV đó có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào. Trường hợp HS đăng ký 2 NV thì cả 2 NV có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc NV thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định còn NV thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (HS sẽ trúng tuyển NV thứ hai nếu không trúng tuyển NV thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1,0 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Khi hạ điểm chuẩn, Sở GD-ĐT cho phép các trường nhận HS có NV 2, NV 3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Nói về quy định HS đăng ký NV dự tuyển theo hộ khẩu thường trú khiến nhiều phụ huynh phản ứng, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng việc này nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường học của TP, giảm bớt áp lực, đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Ông Phạm Văn Đại nói thêm nếu HS có học lực tốt, HS còn rất nhiều lựa chọn khác, không hạn chế về khu vực tuyển sinh như đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên, trường THPT có lớp chuyên thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội hoặc các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường THPT chất lượng cao, trường THPT ngoài công lập... Ngoài ra, HS còn có thể đăng ký NV dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT thuộc các cơ sở giáo dục ĐH đóng trên địa bàn TP. 

Chuẩn bị các tình huống thực tế

Theo ông Phạm Văn Đại, Hà Nội dự kiến tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả trường THPT công lập không chuyên vào các ngày 29 và 30-5 với 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3. Tuy nhiên, sở cũng chuẩn bị sẵn các phương án tuyển sinh tùy thuộc vào tình huống, diễn biến thực tế của dịch bệnh trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho HS.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang