Chị V.H.G. trú tại TP HCM mang thai 30 tuần. Chị phát hiện dương tính với Covid-19 khi đi khám tại Bệnh viện Hùng Vương. Khi đó, chị G. đã có triệu chứng nhẹ như ho, sốt nhẹ.
Sau đó, chị G. được đưa sang Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 thuộc Đại học Y Dược TP HCM để được theo dõi.
Chị G. tâm sự, khi nghe nói mình bị Covid-19, chị G. cũng nghĩ các triệu chứng của mình cũng nhẹ nhưng trong thời gian theo dõi, các chỉ số của chị G. suy giảm. Khi vào viện, chị G, đang mang thai được 29 tuần. Các y bác sĩ nỗ lực chăm sóc bệnh nhân để kéo dài thời gian an toàn cho thai nhi.
Tuy nhiên, khi thai nhi được 30 tuần thì sức khoẻ chị G. giảm sút. Bác sĩ cho rằng nếu không mổ lấy thai thì sẽ nguy hiểm cho cả hai mẹ con. Lúc đó, chị G. vẫn chưa nghĩ rằng tình trạng của mình nặng như vậy. Bác sĩ báo mổ lấy thai, theo bản năng chị xin bác sĩ đừng mổ vì thai nhi còn bé. Nhưng khi bác sĩ giải thích đó là cách tốt nhất cho hai mẹ con mình, chị G. đã tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ.
Sau khi mổ lấy thai, chị G. rơi vào hôn mê do sử dụng thuốc giãn cơ, an thần. Chị chỉ nhớ lúc tỉnh lại nghe được bác sĩ nói chị đã sinh con rồi. Cảm giác đầu tiên đó là chị G. thấy nhớ nhà. Nhà chỉ cách bệnh viện có 10 phút nhưng cũng chẳng thể bay về nhà được. Chị G. được bác sĩ cho nói chuyện với chồng. Qua nói chuyện với gia đình, chị mới biết đã có lúc gia đình được thông báo chuẩn bị tình huống xấu nhất. Chị G. như vừa đi về từ cửa tử.
Chị G. nghe bác sĩ Trung dặn dò khi xuất viện trở về.
Những ngày gần bình phục, mỗi lần đọc báo thấy hàng nghìn đứa trẻ ở Sài Gòn mồ côi cha mẹ vì Covid-19, chị G. thấy mình thật may mắn vì chị vẫn còn sống, con của chị không trở thành trẻ mồ côi. Bé vẫn theo dõi ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và sẽ được ra viện về với ba mẹ. Dù sinh con ra không được nghe tiếng con khóc, không được ẵm con nhưng với chị G. chị vẫn may mắn so với hàng nghìn gia đình khác ở tâm dịch TP.HCM.
Chồng chị G. cũng chia sẻ khi nghe tin vợ phải đặt nội khí quản, nguy kịch, cả nhà như ngồi trên đống lửa. Những tin nhắn thông báo tình hình sức khoẻ của vợ được bệnh viện gửi về. Cả nhà vỡ oà hạnh phúc khi nhận được thông báo chị G. đã rút ống nội khí quản.
Nhớ về cơn bão Covid-19, gia đình chị G. thấy mình thật vẫn còn may mắn, mang ơn các y bác sĩ đã giúp chị G. vượt qua cửa tử.
BS Hoàng Quốc Trung – Trung tâm Hồi sức Covid-19 BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết chị G. từ khi vào viện tới lúc được ra viện như một phép màu. Khi chị vào viện triệu chứng nhẹ thoáng qua nhưng tải lượng virus rất cao, diễn tiến lại rất nhanh. Bệnh nhân sốt cao liên tục, có các cơn bão miễn dịch. Các bác sĩ cũng cân não tìm các giải pháp như thế nào cho cả hai mẹ con chị an toàn.
Nếu mổ sớm thì thai nhi còn non cũng khó chăm sóc nên cố gắng kéo dài thêm thời gian nhưng chỉ cố được 9 ngày. Bệnh nhân được thở HFNC nhưng vẫn giảm oxy máu. Đây là dấu hiệu tụt oxy thường gặp ở sản phụ.
Diễn tiến quá nhanh khiến bác sĩ quyết định các phương án như nào cũng rất khó khăn cho bác sĩ. Bác sĩ phải chọn lựa các biện pháp như sinh non, nguy cơ biến chứng sinh non của trẻ sơ sinh cũng như nguy cơ của bà mẹ khi chưa mổ lấy thai. Bác sĩ phải chấp nhận đặt nội khí quản cho mẹ để đảm bảo an toàn. Các bác sĩ phải hội chẩn liên chuyên khoa, đưa bệnh nhân về trung tâm Đại học Y Dược để đặt nội khí quản và mổ lấy thai.
Sau khi chấm dứt thai kỳ, con chị G. cũng phải đặt nội khí quản thở máy tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Chị G. cũng phải thở máy, thậm chí bác sĩ còn lên phương án phải ECMO cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tình trạng sản phụ dần tiến triển tốt lên. Cuối cùng, chị G. đã cai được máy thở. Ngày chị G. ra viện, các y bác sĩ ai cũng vui mừng. Có lúc họ thất vọng tràn trề tưởng chừng không giữ được bệnh nhân của mình nhưng bằng nỗ lực cùng với sự phán đoán tình trạng của bệnh nhân. Điều kỳ diệu của chị G. đã đến như 1 kỳ tích.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.