Lại thêm 1 vụ việc đau lòng liên quan đến học sinh, Tiến sĩ Giáo dục lên tiếng: Đừng GIÁO ĐIỀU NỮA, giờ phải XOA DỊU con trẻ

Xin lỗi không phải việc hạ thấp vị thế của cha mẹ, mà thực tế đã thể hiện tình yêu thương của chúng ta với con.

Ngày 1/4, câu chuyện nam sinh trường chuyên trèo qua ban công căn hộ tầng 28, tòa chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) rồi nhảy xuống khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ trước đó chưa đến một ngày, nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ tự vẫn. Hay mới 4 tháng trước thôi bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội cũng có hành động tương tự khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình.

Và mới đây nhất, ngày 6/4, tin từ UBND thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nam sinh lớp 9 tự tử bằng cách nhảy xuống hồ nước sâu thuộc địa bàn xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn) vào hôm qua (ngày 5/4).

Lại thêm 1 vụ việc đau lòng liên quan đến học sinh, Tiến sĩ Giáo dục lên tiếng: Đừng GIÁO ĐIỀU NỮA, giờ phải XOA DỊU con trẻ - Ảnh 1.

Loạt vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến học sinh.

Liên tiếp các vụ việc đau lòng xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, đau xót, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra lúc này? Phải chăng chúng ta đang tạo áp lực quá mức cho những đứa trẻ tuổi teen? Bố mẹ đã thực sự thấu hiểu con mình? Cần làm gì để ngăn chặn bi kịch?

Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành với trẻ, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ những suy nghĩ của mình xoay quanh loạt sự việc đau lòng gần đây.

Trẻ SAI, bố mẹ bắt xin lỗi nhưng khi bố mẹ sai thì lại LƠ đi

Dạo một vòng quanh các trang mạng xã hội, Tiến sĩ Vũ Thu Hương không khỏi lo lắng khi xuất hiện một số bài đăng "mang tính giáo điều", hoặc "đổ lỗi cho trẻ". Trên cương vị một chuyên gia giáo dục và trên hết là một người mẹ, Tiến sĩ Vũ Thu Hương tâm sự: "Tôi muốn gửi đôi điều đến các bạn teen. Trong quá trình làm cha mẹ, chắc chắn sẽ có những lúc chúng tôi phạm sai lầm, khiến các bạn bị tổn thương.

Thay mặt các bậc phụ huynh, tôi xin lỗi các bạn. Không phải biện minh, chúng tôi muốn giãi bày đôi điều. Khi các bạn xem phim nóng, chúng tôi sợ các bạn tổn thương tâm lý nên mới cấm đoán. Khi các bạn lười học, chúng tôi lo tương lai của các bạn sẽ ra sao? Có tìm được nghề nghiệp ổn định hay không? Liệu chúng tôi có tìm được cho các bạn một công việc tốt?

Vậy nên chúng tôi cảm thấy phải dồn ép các bạn phải học ngay để tốt cho tương lai. Khi các bạn có tính xấu, chúng tôi sợ khi ra ngoài đời, các bạn không được lòng xã hội. Khi quá lo lắng, sốt ruột, chúng tôi dễ mắc phải sai lầm khiến các bạn tổn thương. Nói ra là vì muốn các bạn hiểu hơn cho tấm lòng cha mẹ".

Lại thêm 1 vụ việc đau lòng liên quan đến học sinh, Tiến sĩ Giáo dục lên tiếng: Đừng GIÁO ĐIỀU NỮA, giờ phải XOA DỊU con trẻ - Ảnh 2.
 

Với những bậc làm cha mẹ, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng có nhiều điều muốn tâm tình. Với những ý kiến như "bố mẹ phải đi làm vất vả mà con không chịu hiểu", "con chỉ biết kêu gào, trách bố mẹ không nhẹ nhàng với con, không tâm lý, lắng nghe, dịu dàng, nhẫn nại...", hay "bố mẹ ra ngoài xã hội bao nhiêu áp lực, chuyện học của con chưa là gì, hãy thương và thông cảm cho bố mẹ hơn", nữ Tiến sĩ phân tích:

"Trước hết, chúng ta phải đặt ra câu hỏi "Nếu bố mẹ không sinh ra những đứa trẻ, bố mẹ có đi làm không? Rõ ràng, việc đi làm kiếm ăn là để nuôi sống cả bố mẹ, đó là điều đầu tiên. Kể cả có con hay không, chúng ta vẫn đi làm, kiếm được khoản tiền như thế và thậm chí nhiều hơn. Việc bố mẹ đi làm không liên quan đến đứa trẻ. Việc bắt trẻ phải thấu hiểu, yêu thương và biết ơn khi bố mẹ đi làm là điều phi lý.

Bên cạnh đó, áp lực học tập không phải thứ trẻ hoảng sợ, né tránh và kêu ca. Áp lực của trẻ không đến từ học hành mà đến từ những kỳ vọng của bố mẹ "Con phải đạt bằng này điểm, con phải đỗ vào trường này",... Áp lực của trẻ là phải giỏi hơn mặt bằng chung của bạn bè, làm đẹp mặt cho gia đình. Cái đó mới là áp lực, không phải ở việc đứa trẻ phải học và vượt qua lớp học nọ, học kia.

Chẳng hạn bây giờ thi cấp 3 không khó như trước, bởi xuất hiện nhiều trường tư thực. Thế nhưng khi con học trường tư, bố mẹ lại không vui vì học phí đắt hơn. Bố mẹ muốn con phải đỗ vào trường công, trường chuyên,... Nhiều bố mẹ bắt trẻ phải làm đẹp mặt cho gia đình, trong khi chính chúng ta chưa làm được điều đó. Thực tế đó càng khiến trẻ ức chế, áp lực hơn, khiến mọi thứ thành hỗn độn".

Nữ Tiến sĩ cho biết, trong cuộc sống ai cũng có lúc sai. Cả bố mẹ và con đều vậy. Nhưng khi con sai, con phải xin lỗi, nhận lỗi. Nhưng đổi ngược lại thì khác. Nhiều bố mẹ hầu như không bao giờ xin lỗi khi có thái độ không tốt với con. Vậy nên bố mẹ chê trách con không hiểu, không tâm lý với bố mẹ là vô lý. "Con sai, ta bắt con xin lỗi, nhưng khi ta sai, ta lơ đi", Tiến sĩ Hương nói.

Theo đó, xin lỗi không phải việc hạ thấp vị thế của cha mẹ, mà thực tế đã thể hiện tình yêu thương của chúng ta với con. Phải là người yêu con thế nào thì mới có thể sám hối! 

Đừng GIÁO ĐIỀU NỮA, giờ phải XOA DỊU con trẻ

Có ý kiến cho rằng, bố mẹ quá bận rộn với áp lực cuộc sống, đủ loại gánh nặng tài chính, áp lực... nên không có thời gian học cách làm bố, làm mẹ, Tiến sĩ Vũ Thu Hương phản đối. Chị chia sẻ: "Cho dù con sinh ra hay không thì bố mẹ vẫn phải đối diện với những điều này. Nên đừng lấy lý do không có thời gian để học cách làm bố mẹ.

Mua một cái bếp điện, một miếng thịt bò thì cũng phải học cách sử dụng, cách băm thái. Vậy tại sao sinh ra hẳn một đứa trẻ mà lại cho mình cái quyền không học cách làm bố làm mẹ? Bất kể một thứ gì xuất hiện trong cuộc đời, mình đều phải học cách thích nghi, sử dụng. Vậy mà xuất hiện hẳn một đứa trẻ lại không chịu học cách làm cha mẹ? Lý do này khó lòng chấp nhận được!".

Cũng theo nữ Tiến sĩ, nhiều bậc cha mẹ thường hay dọa con "Trên đời này chỉ bố mẹ mới yêu thương con, bước ra đời là không còn ai nữa". Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, đây mới chính là câu chí mạng đẩy trẻ vào đường cùng. Câu nói đó sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, người đang đánh mắng, đối xử bất công,... với mình là người yêu thương mình nhất. Mình không bao giờ được phản ứng, không được kể với ai những áp lực đang chịu, bởi sẽ bị nói là bất hiếu, tồi tệ. 

Không ai trên đời có thể hiểu được mình cả, bởi người yêu thương mình nhất là người vừa gây ra tổn thương cho mình. Như vậy, chính bố mẹ đã khiến trẻ không thể chia sẻ bức xúc với bất kỳ ai trên đời. Chúng ta đã đóng hết các cánh cửa của trẻ. Khi không trao đổi được với bố mẹ, trẻ chỉ có 1 con đường cùng. 

Nếu như cha mẹ nói "Con cảm thấy bố mẹ không chia sẻ được với con thì hãy tìm đến chuyên gia tâm lý, tìm đến bà ngoại, ông nội... " thì trẻ lúc gặp chuyện cũng không đến nỗi bế tắc". 

Nữ Tiến sĩ cũng phân tích, với những đứa trẻ lớp 11, lớp 12 (như vụ nam sinh trường chuyên), khi nghĩ quẩn, trẻ hoàn toàn nhận thức được kết cục sẽ ra sao, chứ không đơn thuần chỉ với mục đích dọa cha mẹ, để cha mẹ hối hận, hay chí ít yêu thương, chiều chuộng mình hơn. 

Hành động của trẻ giống như "cảm tử", "hy sinh bản thân" để cha mẹ đối xử tốt hơn với em mình, các bậc phụ huynh khác nhìn lại bản thân. Nếu trẻ bị trầm cảm thì có thể còn những suy nghĩ bất thường khác. Còn nếu không, trong trường hợp này là vậy.

"Người lớn khi ức chế với công việc, có thể xin nghỉ, tìm công việc khác. Nhưng những đứa trẻ thì sao?Trẻ không có bất kỳ con đường nào để "từ chối làm con của cha mẹ". Có nghĩa là trẻ đang trên một hành trình và không tìm được lối ra nào khác. Do vậy, ức chế của trẻ sẽ nhân lên rất nhiều".

Sau cùng, nữ Tiến sĩ cho rằng, trước một loạt vụ việc đau lòng xảy ra, thì giờ không phải lúc chúng ta oán trách con trẻ, không phải lúc lên mạng kể lể công trạng. Trẻ đang ở trong trạng thái vô cùng căng thẳng, giờ không phải lúc giáo điều, mà cần xoa dịu, vỗ yên trẻ!

"Đừng kéo căng sợi dây mâu thuẫn nữa mà hãy tháo chùng nó ra. Và cách duy nhất là những lời êm ái, thật cảm thông của người lớn, để trẻ nhận ra vẫn còn người yêu thương mình", Tiến sĩ Vũ Thu Hương kết luận. 

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/lai-them-1-vu-viec-dau-long-lien-quan-den-hoc-sinh-tien-si-giao-duc-len-tieng-dung-giao-dieu-nua-gio-phai-xoa-diu-con-tre-16222060421001454.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang