"Làm đầy xô" - phương pháp giáo dục thần kỳ giúp con luôn suy nghĩ tích cực, gặp khó khăn nào cũng dũng cảm vượt qua

Phương pháp 'làm đầy xô' bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích. Nó giúp trẻ nhận thức về cảm xúc và biết cảm thông với mọi người xung quanh.

Với nhiều bậc cha mẹ, phương pháp "làm đầy xô" còn khá mới mẻ và lạ lẫm. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này đã có từ những năm 1960. Nó được lấy ý tưởng câu chuyện "The Dipper and the Bucket" (Tạm dịch: Gáo và Xô) do Tiến sĩ, nhà Tâm lý họ người Mỹ Donald O. Clifto viết nên.

Câu chuyện Gáo và Xô

Tâm trạng của mỗi người được so sánh ẩn dụ giống như một cái xô vô hình. Nó quyết định cách chúng ta cảm nhận về bản thân, về người khác và cách chúng ta hòa đồng với mọi người.

Nếu cái xô của bạn được làm đầy bằng những điều vui vẻ, tích cực, bạn sẽ cảm thấy tự tin, an nhiên, kiên nhẫn và thân thiện. Ngược lại, nếu xô của bạn trống rỗng, bạn không có hoặc có rất ít những suy nghĩ và cảm xúc tích cực. Điều này khiến bạn dễ trở nên buồn chán, bất an, tức giận, lo lắng, căng thẳng và sợ hãi.

Chính vì sự đơn giản trong ý tưởng, "làm đầy xô" đã trở thành phương pháp giáo dục rất phù hợp với những đứa trẻ. Nói cách khác, những chiếc xô cảm xúc vô hình của con có thể chứa đầy những niềm vui hoặc nỗi buồn. Những xô này đại diện cho tinh thần và cảm xúc của con. 

Con có thể là người "đổ xô" cho người khác bằng cách động viên, cổ vũ, nâng họ lên, nhưng con cũng có thể là "cái gáo", là những kẻ bắt nạt lấy đi hạnh phúc từ xô của người khác.

Vậy phải dạy con "làm đầy xô" như thế nào?

 

Vào những năm 1990, nhà giáo dục mầm non, bà Carol McCloud đã tìm hiểu về khái niệm này. Trong một dự án nghiên cứu, bà Carol đã thử áp dụng phương pháp "làm đầy xô" để dạy cho các em trong trại trẻ mồ côi ở Rumani.

Qua nhiều năm trao đổi với các cộng sự, bà Carol nhận ra đây sẽ là chủ đề hấp dẫn cho một cuốn sách thiếu nhi và viết nên cuốn: "Have you filled a bucket today?" (Tạm dịch: Hôm nay, con đã làm đầy xô chưa?). Nội dung cuốn sách khuyến khích trẻ quan tâm đến nhu cầu của người khác để có thể tự làm đầy xô của mình.​​​​​​​

Thực ra, "xô đầy" là một khái niệm đơn giản và thực tế đến mức ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể hiểu. Cha mẹ chỉ cần giải thích rằng bên trong chúng ta: Bố, mẹ, con và tất cả mọi người đều có một cái xô. Và cảm giác buồn bã, hạnh phúc, hài lòng hay tức giận của chúng ta sẽ phụ thuộc vào những gì chúng ta có trong cái xô đó. Điều tuyệt vời là tất cả chúng ta đều có thể giúp người khác lấp đầy xô của họ bằng sự tử tế, đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu.

Nhưng để mình trở thành một cái xô đầy hoặc một cái xô rỗng là tùy con chọn lựa. Bởi xô chỉ được lấp đầy bằng những điều tích cực hoặc sẽ trống rỗng nếu nó được tiếp xúc với những tương tác tiêu cực. Vì thế, nếu con muốn xô của mình đầy thì hãy góp nhặt những niềm vui, những điều tích cực ở xung quanh, còn nếu con muốn là người "đổ xô", con sẽ phải tìm cách cung cấp và hỗ trợ nâng đỡ những người ở bên cạnh bằng những điều sau:

1. Lòng biết ơn

Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng lòng biết ơn không phải là những lời có cánh, hay được thể hiện qua những hiện vật đắt tiền. Nó chỉ đơn giản là hành động ghi nhớ và đánh giá cao những gì mình đang có và những gì mình được nhận từ người khác. Nó cũng liên quan đến việc cảm tạ những người đã giúp đỡ con.

Cha mẹ có thể giúp con nuôi dưỡng lòng biết ơn bằng cách cả gia đình cùng nhau viết một cuốn nhật ký biết ơn - nơi mỗi tuần mỗi thành viên trong gia đình viết ra những điều mà mình trân trọng. Khi lớn lên, nhìn lại quãng thời gian thơ ấu, con sẽ có một kỷ vật vô giá.

Bên cạnh đó, lòng biết ơn không chỉ gói gọn trong gia đình mà còn phải lan ra toàn xã hội thông qua những công việc từ thiện. Cho đi rồi nhận lại cũng là cách giúp xô của con nhanh đầy.

2. Sự tử tế

Tử tế chính là sự thân thiện, hào phóng và quan tâm đến người khác. Cha mẹ có thể dạy con về sự tử tế bằng cách làm gương cho con như quan tâm hỏi han, giúp đỡ người đang gặp khó khăn,…

 

Bên cạnh đó, thay vì chỉ trích, cha mẹ nên để con được học hỏi từ những sai lầm. Đồng thời, cha mẹ cần xây dựng cho con thói quen khen ngợi và luôn chỉ nói đến những điểm tốt của người khác.​​​​​​​

3. Đồng cảm

Đồng cảm là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác. Nhưng để làm được điều này, trước tiên con cần phải có khả năng nhận ra và xử lý cảm xúc của chính mình.

Cha mẹ cần giúp con đọc vị được cảm xúc của bản thân bằng cách cung cấp cho con tên gọi chính xác của cảm giác mà con đang có. Từ đó, con mới có thể gọi đúng tên cảm xúc của người khác. Trong trường hợp, cảm xúc đang ở phía cực đoan, cha mẹ hãy dạy con ổn định lại tình thần và thảo luận về nó sau khi con đã bình tĩnh.

Nếu con còn nhỏ, ngôn ngữ vẫn hạn chế thì cha mẹ hãy dạy con xác nhận cảm xúc của mình qua biểu đồ màu sắc. Màu càng đậm thì con càng không ổn, và ngược lại. Song, điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải biết chia sẻ cảm xúc với con. Hãy chắc chắn không bao giờ dán nhãn con theo cách mà cha mẹ cảm nhận, nhưng hãy giải thích những gì mà bạn đang cảm thấy. Đây là một bước quan trọng giúp con xác định được cảm xúc của người khác, từ đó, phát triển sự đồng cảm.

 

Tuy biết rằng con nên là người "đổ xô" cho người khác khi xô con đã đầy, nhưng không có nghĩa là con không bao giờ bị người ta "múc" bớt những hạnh phúc mà con đang có bằng những lời chê bai, dè bỉu, hay miệt thị. Những lúc "xô rỗng", cha mẹ hãy dạy con tìm đến những người yêu thương con để được vỗ về.

Và mặc dù một người có xô rỗng thường có xu hướng làm trống xô của người khác để họ giống mình. Nhưng vì con là một đứa trẻ tử tế và tốt bụng, con sẽ không bao giờ làm điều đó. Con hãy cứ đổ đầy xô cho người khác, xô của con cũng sẽ tự đầy bằng những niềm vui do chính con mang lại.

Điều cuối cùng, cha mẹ đừng bao giờ quên hỏi con "Hôm nay, xô của con đã đầy chưa?". Nếu con vui vẻ nói rằng xô của con đã đầy ắp thì đừng quên chúc mừng con. Còn nếu con buồn bã và im lặng thì đã đến lúc cha mẹ san sẻ ấm áp từ xô của mình qua.

Cha mẹ cũng hãy dạy con cách quan tâm đến mọi người thông qua những câu hỏi, chẳng hạn như: "Xô của mẹ đã đầy chưa ạ?", "Xô của bạn đã đầy chưa?", "Mình giúp bạn làm đầy xô nhé?", "Xô của mình đang rỗng, bạn có thể giúp mình không?"… Bằng cách này, con sẽ trở thành một đứa trẻ có thể tự nhận thức được trạng thái tinh thần và cảm xúc của mình, đồng thời biết cảm thông, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người xung quanh.

Theo Trí Thức Trẻ

 
 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang