Làm theo cách này, cha mẹ không lo trẻ mắc bệnh hô hấp

(lamchame.vn) - Sức khỏe của trẻ nhỏ là điều mà các bậc cha mẹ luôn quan tâm và lo lắng, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa.

Làm theo cách này, cha mẹ không lo trẻ mắc bệnh hô hấp - Ảnh 1.

Trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa. (Ảnh: ITN)

Theo bangkokhospital.com, vấn đề sức khỏe ở trẻ em không khác gì người lớn. Trẻ có thể mắc các bệnh tương tự như người lớn, nhưng mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy độ tuổi.

Lứa tuổi thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe nhất là lứa tuổi mầm non. Đây là lý do tại sao cha mẹ cần phải quan tâm con nhiều hơn ở độ tuổi này. Một số vấn đề phổ biến thường xảy ra xung quanh hệ hô hấp của trẻ.

Nếu cha mẹ sớm nhận ra các dấu hiệu cảnh báo thì có thể hữu ích cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ, chẳng hạn như sự tăng trưởng, phát triển phù hợp với lứa tuổi cũng như các đặc điểm tâm lý và hành vi.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Giảm mắc bệnh hô hấp không chỉ là mong muốn của trẻ nhỏ mà là nhu cầu của mọi người.

Tôi đã nghiên cứu bệnh hô hấp ở trẻ suốt 40 năm qua. Những người làm nghề như tôi đều mong giảm được tỉ lệ mắc bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ.

Chúng tôi đã làm mọi cách nhưng tình trạng bệnh hô hấp ở trẻ vẫn chưa giảm được, đây cũng là một điều khiến chúng tôi rất buồn.

Nguyên nhân là do bệnh hô hấp liên quan rất nhiều đến môi trường sống. Mà chúng ta đều biết, môi trường quanh chúng ta ngày càng bị hủy hoại.”

Theo mcanonline.org, việc thỉnh thoảng mắc bệnh là điều không thể tránh khỏi, nhưng người lớn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh và trên hết là ngăn ngừa những căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn.

Luôn cập nhật lịch tiêm chủng cho trẻ

Cha mẹ nên nên cập nhật lịch tiêm chủng cho trẻ thường xuyên để có thể tăng cường khả năng phòng vệ nhằm giảm nguy cơ mắc bất kỳ bệnh về đường hô hấp nào.

Cung cấp đủ dinh dưỡng

Làm theo cách này, cha mẹ không lo trẻ mắc bệnh hô hấp - Ảnh 2.

Cơ thể trẻ có được các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua việc tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh như trái cây và rau quả. (Ảnh: ITN)

Cũng như người lớn, cơ thể trẻ có được các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua việc tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh như trái cây và rau quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn chuyển mùa, trẻ nên ăn nhiều trái cây họ cam quýt giàu vitamin A và C để tránh cảm lạnh.

Rửa tay thường xuyên

Làm theo cách này, cha mẹ không lo trẻ mắc bệnh hô hấp - Ảnh 3.

Người lớn cần dạy trẻ luôn giữ tay sạch sẽ, vì tay thường xuyên tiếp xúc với mặt, miệng, mũi và mắt nên rất dễ mắc bệnh.

Trẻ thường chơi với đất và dùng chung đồ chơi với các trẻ khác, vì vậy cha mẹ cần cho trẻ làm quen với việc rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn.

Rửa tay thôi chưa đủ, trẻ phải được dạy cách thực hiện đúng để việc vệ sinh có thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, vi trùng và vi khuẩn.

Sử dụng gel sát trùng cũng có thể hữu ích trong những trường hợp không thể rửa tay theo cách thông thường.

Tránh dùng chung đồ chơi và đồ dùng cá nhân

Chúng ta hầu như không thể ngăn trẻ chia sẻ đồ chơi với nhau nhưng cần giải thích cho trẻ hiểu rằng chúng có nguy cơ mắc bệnh do nhiễm vi trùng và vi khuẩn khi thực hiện hành động này.

Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ không dùng chung các đồ dùng như bát, đĩa hoặc thìa với người khác. Và đảm bảo rằng chúng được rửa cẩn thận sau khi sử dụng.

Mặc quần áo và phụ kiện phù hợp

Khi trời trở lạnh, người lớn cần đảm bảo trẻ mặc quần áo phù hợp, bao gồm áo khoác, khăn quàng cổ, mũ và bất cứ thứ gì cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Luôn mang theo ô bên mình phòng trường hợp trời mưa bất chợt.

Những cách khác giúp phòng vệ từ xa

Môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề bởi bụi xây dựng, xăng dầu, hóa chất,... Vì vậy, cha mẹ cần đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài.

Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người vì trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh khi cơ thể chưa đủ sức đề kháng.

Giữ ấm cổ, ngực, bụng cho trẻ khi trời lạnh. Tránh để trẻ ở nơi có gió lùa. Ngoài ra, cha mẹ cần biết cách xì mũi cho trẻ và hướng dẫn trẻ cách xì mũi đúng cách để không đẩy mủ và vi trùng vào tai giữa hoặc các xoang.

Không nên hút quá nhiều hoặc xì mũi mạnh, nhất là với trẻ nhỏ, vì nếu thực hiện không đúng cách có thể vô tình đưa vi khuẩn vào tai, xoang.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, trung bình một trẻ Việt Nam mỗi năm ho, sổ mũi khoảng 6-8 lần, điều đó có nghĩa là có những bé tháng nào cũng bị. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý, nếu bé ho và sổ mũi thì liên hệ ngay bác sĩ để tránh lạm dụng kháng sinh cho bé.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang