Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014 - Trần Ngọc Lan Khuê hạ sinh con trai đầu lòng vào ngày 23/11/2019. Kể từ ngày có con, cuộc sống của người đẹp thay đổi khá nhiều và cô thường chia sẻ những khoảnh khắc đáng yêu của con trai lên trang cá nhân.
Cho đến thời điểm hiện tại, bé Connor đã tròn 3 tháng tuổi. Sau 3 tháng chăm con, Lan Khuê đã đúc kết được 6 vấn đề hay gặp ở trẻ sơ sinh và cô cũng chia sẻ kinh nghiệm xử lý của mình để nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ khác có thể tham khảo:
Bé cũng cần dưỡng ẩm
Trong thời gian nằm trong bụng mẹ, cục cưng luôn được bao phủ bởi một lớp màng. Lớp phủ này được xem như một loại “màng chắn” bảo vệ bé cưng khỏi sự nóng, lạnh cũng như sự tấn công của các vi khuẩn. Tuy nhiên, khi bé chào đời, lớp bảo vệ này sẽ bong dần, từ đó dẫn đến da trẻ sơ sinh bị khô, bong tróc khi tiếp xúc với không khí, nước, quần áo…
Vì thế từ khi ra tháng các mẹ nên chú trọng việc dưỡng ẩm da mặt và cơ thể cho bé bằng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ dành cho bé sơ sinh.
Chàm sữa
Khi tình trạng khô da của bé không giảm và kèm theo đỏ da, ngứa thì bé bị chàm sữa rồi. Nguyên nhân cũng giống như bệnh khô da, cộng với việc bé dị ứng với nguồn thức ăn của mẹ cho bú, dị ứng với thời tiết, dị ứng mùi... Nên bác sĩ sẽ gọi chàm sữa là bệnh viêm da cơ địa dị ứng.
Các bé bị chàm sữa thì tốt nhất:
- Không tắm bé quá lâu.
- Tắm không để nước quá ấm.
- Sữa tắm cũng dùng loại không mùi cho da nhạy cảm.
- Khi tình trạng chàm bé nặng thì mẹ kiêng món dễ gây kích ứng bé. Khi đỡ hơn thì mình điều chỉnh lại việc ăn uống.
- Cho bé mang bao tay để đỡ gãi ngứa trầy mặt.
- Luôn giữ ẩm cho bé.
Nếu tình trạng không khá hơn thì cho bé gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
"Thả rông" để tránh hăm tã
Ban ngày mình đều cho bé "thả rông" mông, không mặc tã cho thoáng, chiều tối mới mặc lại. Khi mặc tã thì mình thường xuyên thay tã, lưu ý trước mỗi lần thay tã dùng khăn ướt (khăn dùng nước tinh khiết chứ không phải loại chứa mùi hương) để thấm kĩ nước tè của bé.
Lưu ý là thấm nha, chứ không phải lau để tránh kích ứng, đỏ da. Sau khi thấm bằng khăn ướt là mình dùng khăn mềm thấm khô rồi mới bôi kem hăm. Kem hăm khi bôi các mẹ nhớ là bôi hẳn 1 vệt dầy để ngăn nước tè dính vào da bé nhé, chứ bôi mỏng thì cũng như không.
Dùng dầu massage để loại bỏ cứt trâu trên đầu
Bé của mình trước khi tắm thì sẽ được massage. Khi massage cho bé, mình dùng dầu massage hoặc baby lotion bôi lên vùng đầu bị cứt trâu rồi nhẹ nhàng massage để vảy trên đầu bong ra. Đến khi tắm rửa lớp vảy sẽ trôi đi.
Massage mắt cho bé để ngăn ngừa tắc tuyến lệ
Có thể đây là dấu hiệu bé bị tắc tuyến lệ. Bên cạnh việc nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý thì ngày 2 lần các mẹ massage nhẹ vào tuyến lệ, dọc theo phần trên của mũi và dọc theo mí mắt dưới. Nếu trên 1 tuổi mà vẫn còn bị thì phải đưa bé tới gặp bác sĩ để khơi thông tuyến lệ.
Không chỉ "vùng kín", tai con cũng bị hăm
Không biết có mẹ nào giống mình, từng hết hồn vì bé có mùi hôi ở tai. Cứ sợ bé bị viêm tai giữa nhưng khi kiểm tra kĩ thì mùi đó nằm ở dái tai. Đó là do hăm, mồ hôi, nước còn đọng lại chỗ hăm nên có mùi. Các mẹ chỉ việc vệ sinh, thấm khô rồi bôi hăm là ok, còn nếu thật sự trong lỗ tai có mùi thì rất nguy hiểm phải gặp bác sĩ ngay.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.