Ngoài Tăng Thanh Hà, Ninh Dương Lan Ngọc cũng là nữ nghệ sĩ hiếm hoi được người hâm mộ ưu ái gọi với biệt danh "Ngọc nữ màn ảnh Việt" vì thân hình mảnh mai và nhan sắc tươi trẻ.
Trên trang cá nhân, Lan Ngọc từng gây sốt khi khoe thân hình thon gọn của mình, cô còn nhấn mạnh mình đã tiêu diệt hết mỡ bụng, sở hữu vòng eo 54 nhờ bí quyết riêng.
Trước sự thắc mắc của khán giả, Lan Ngọc cho biết cô không hề ăn kiêng cũng không ăn nhiều rau xanh như mọi người mà chỉ chia nhỏ các bữa ăn, tăng cường ăn các loại củ. Ngoài ra, nữ diễn viên cũng dùng thêm một số loại thực phẩm chức năng và uống vitamin để bổ sung dinh dưỡng.
Đặc biệt, 2 buổi/tuần Lan Ngọc còn áp dụng một cách tập luyện mới lạ mang tên EMS. Đây là công nghệ sử dụng xung điện để kích thích tất cả nhóm cơ cùng một lúc. Với 25 phút tập, mỹ nhân sinh năm 1990 cho biết có thể đốt cháy được tới 1200 calo. Đó là lý do vì sao cô có thể thoải mái ăn uống mà không lo tích trữ mỡ bụng.
Phương pháp tập luyện thần thánh của Lan Ngọc thật sự là gì?
EMS là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Electrical Muscle Stimulation, có nghĩa là “kích thích cơ bắp bằng điện”. Khi tập, bạn sẽ được mặc một thiết bị kết nối với máy EMS. Thiết bị này là những miếng đệm, chứa bộ đồ điện cực, có dây đai khóa.
Trong quá trình tập luyện, các xung điện tần số thấp sẽ kích thích những cơ bắp, buổi tập kéo dài khoảng 20 phút. Bạn cần thực hiện 5 lần một tuần, dưới sự giám sát của huấn luyện viên để thấy được hiệu quả.
Theo tờ Currentbody, thiết bị EMS khuyến khích cơ thể bạn đi vào trạng thái trao đổi chất cao, giúp bạn săn chắc và tạo hình cơ thể, ngay cả những vùng cứng đầu xung quanh eo, hông và đùi. Khi thiết bị hoạt động, bạn sẽ nhận thấy sức mạnh và độ bền của cơ bắp cũng được cải thiện.
Liệu EMS có hiệu quả như lời đồn không?
Theo Hiệp hội Sinh lý Thần kinh Lâm sàng và Hình ảnh Chức năng Đức (DGKN) hiện vẫn chưa có kết luận liệu phương pháp tập luyện EMS có hiệu quả hay không.
"Nếu sử dụng không đúng cách, EMS có thể gây tổn thương cơ. Khi điều này xảy ra, các hạt cơ nhỏ được giải phóng sẽ đi vào mạch máu và có thể gây hại cho thận", Tiến sĩ Stefan Knecht, người phát ngôn của DGKN cho hay.
Tổn thương cơ gây ra khi luyện tập cường độ cao làm tăng mức độ creatine kinase (CK), một loại enzym thường cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Những người bị đau, hồi hộp hoặc suy nhược sau khi huấn luyện EMS nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức, DGKN khuyến cáo.
Để đảm bảo an toàn, khi tập EMS bạn nên có nhà vật lý trị liệu hay các bác sĩ được đào tạo đặc biệt giám sát. Theo Tiến sĩ Stefan Knecht, hầu hết các huấn luyện viên phòng tập thiếu kiến thức hoặc kỹ năng để làm công việc này.
Vị tiến sĩ khuyến cáo nếu không có chuyên gia y tế giám sát, mọi người không nên tự ý thực hiện.
Những ai không nên tập EMS?
Theo Tiến sĩ Stefan Knecht cho biết: "Nếu bạn tập EMS một cách điều độ, có chuyên gia y tế giám sát thì phương pháp tập này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên trước khi tập, bạn nên đảm bảo chức năng gan của mình ổn, bản thân không bị rối loạn cơ bắp, sau khi tập bạn nên uống thật nhiều nước".
Ngoài ra, những đối tượng đeo máy trợ tim cũng không nên tập EMS vì các xung điện có thể có tác động tiêu cực đến máy. Hình thức tập luyện này cũng không phù hợp cho phụ nữ có thai, với người đang ốm sốt, cảm lạnh.
Nếu đang mắc ung thư, bệnh thần kinh, tiểu đường, động kinh, tim mạch... bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có thực hiện hay không.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/lan-ngoc-co-vong-eo-54-ma-khong-can-an-kieng-nho-cach-ky-la-nay-dot-1200-calo-25-phut-nhung-lieu-co-an-toan-va-nhung-ai-nhat-dinh-khong-duoc-ap-dung-222021231823263.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.