Một nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) chỉ ra rằng, khi cha mẹ sử dụng phương pháp lắng nghe tích cực, thanh thiếu niên sẽ cảm thấy sẵn sàng cởi mở và nói chuyện hơn.
Cải thiện cảm giác hạnh phúc ở trẻ
Khả năng lắng nghe của cha mẹ cũng được chứng minh là giúp cải thiện cảm giác hạnh phúc chung của thanh thiếu niên, bao gồm cả lòng tự trọng ở trẻ. Song, chính xác thì điều gì tạo nên khả năng lắng nghe “tốt”? Đối với thanh thiếu niên, điều quan trọng là phụ huynh cần thử nhìn mọi thứ từ góc độ của trẻ.
Lắng nghe để hiểu, đánh giá cao sự sẵn lòng chia sẻ của trẻ. Đồng thời, trả lời bằng những câu hỏi mở, giúp trẻ giải quyết vấn đề. Song, cha mẹ không nên đưa ra lời khuyên trừ khi được yêu cầu.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học từ Trường Đại học Reading đã cho hơn 1.000 đứa trẻ từ 13 - 16 tuổi xem các bản ghi về tương tác giữa cha mẹ và thanh thiếu niên. Tổng cộng có bốn bản ghi được chiếu cho người tham gia. Các bản ghi có hai kịch bản riêng biệt, với hai cách phản ứng khác nhau của phụ huynh. Phản hồi của phụ huynh tập trung vào kỹ năng lắng nghe, chứ không phải vào kết quả cuối cùng của việc chia sẻ từ thanh thiếu niên.
Một tình huống cho thấy, thanh thiếu niên chia sẻ rằng họ đã thử dùng thuốc lá điện tử. Trong một tình huống khác, thanh thiếu niên tiết lộ cảm giác bị tổn thương và bị bạn bè từ chối do không sử dụng thuốc lá điện tử. Đối với mỗi tình huống, một bản ghi cho thấy kỹ năng lắng nghe của phụ huynh “tốt”. Một bản ghi khác thể hiện kỹ năng nghe “vừa phải”. Kỹ năng nghe “tệ” không được đưa vào nghiên cứu.
Sau khi xem bản ghi, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi về cảm giác và phản ứng của họ trong những tình huống tương tự, dựa trên kỹ năng lắng nghe của cha mẹ trong bản ghi.
Kết quả chỉ ra rằng, thanh thiếu niên sẵn sàng cởi mở một cách trung thực và tình cảm hơn về các hoạt động của mình khi họ có thể đoán trước được cha mẹ sẽ tích cực lắng nghe. Thanh thiếu niên cũng cho biết, điều đó sẽ cải thiện lòng tự trọng và sức khỏe tổng thể của họ nếu cha mẹ là người biết lắng nghe.
Thế nào là kỹ năng lắng nghe “tốt”?
Tiến sĩ Netta Weinstein - nhà tâm lý học và tác giả nghiên cứu chính cho biết, lắng nghe tốt không chỉ là việc cha mẹ im lặng trong khi trẻ nói. Lắng nghe tốt là hành động có chiều sâu hơn nhiều. Để dễ hiểu hơn, bà Weinstein chia kỹ năng này thành ba phần cơ bản.
Phần đầu tiên là chú ý. Hầu hết chúng ta đều biết về tầm quan trọng của khả năng chú ý ở nơi làm việc. Điều đó nên được áp dụng với trẻ tương tự như cách phụ huynh chú ý vào công việc, đồng nghiệp.
Cụ thể, khi trẻ chia sẻ, cha mẹ không nên có hành động gây gián đoạn. Hãy dành không gian và sự im lặng để trẻ nói chuyện. Bên cạnh đó, hãy duy trì giao tiếp bằng mắt, tránh bị phân tâm. Phụ huynh cần cất điện thoại và cố gắng nói chuyện khi có thể và chỉ tập trung vào con mình.
Yếu tố cần thiết thứ hai là sự tích cực. Những bước này rất quan trọng để xây dựng niềm tin với trẻ. Do đó, cha mẹ hãy nói bằng giọng điệu ấm áp và yêu thương, ngay cả khi trả lời đơn giản như “ừ”. Đồng thời, cần giữ nét mặt và ngôn ngữ cơ thể cởi mở, nhẹ nhàng và chấp nhận. Thừa nhận sự sẵn lòng chia sẻ của trẻ bằng những nhận xét như: “Cảm ơn con đã chia sẻ điều đó với mẹ”; “Điều đó chắc hẳn rất khó để con chia sẻ” hoặc “Mẹ rất vui được nói về điều này với con”.
Tiến sĩ Weinstein giải thích: “Lắng nghe tốt cũng bao gồm việc truyền tải sự ấm áp cũng như thể hiện rằng, cha mẹ đánh giá cao đứa trẻ cũng như sự sẵn sàng chia sẻ của con. Phụ huynh hãy cho thấy, mình đang lắng nghe để hiểu và tìm hiểu về con, thay vì thu thập dữ liệu nhằm đưa ra phán xét hoặc quyết định hình phạt”.
Một điều cần có khác để trở thành người lắng nghe tốt là bao quát. Điều đó có nghĩa là cho thấy cha mẹ hiểu những gì con đang nói (ngay cả khi không thực sự đồng ý với quan điểm của trẻ). Mặc dù khả năng hiểu không được xem xét cụ thể trong nghiên cứu này, nhưng Tiến sĩ Weinstein cho biết, đây là một phần rất quan trọng trong các cuộc trò chuyện. Chuyên gia này đã đưa ra một số lời khuyên.
Trước hết, phụ huynh cần kiểm tra mức độ hiểu biết chính xác của mình với con bằng một câu như: “Mẹ có hiểu đúng về điều đó không?”. Đồng thời, hãy thể hiện giá trị và tình cảm của mình đối với con. Cha mẹ nên cảm ơn trẻ vì đã tin tưởng cung cấp thông tin cho phụ huynh. Hãy cho trẻ biết rằng, cha mẹ yêu con, ngay cả trong lúc cảm thấy tức giận.
Điều quan trọng khác là tránh đưa ra những phán xét khắc nghiệt. Cha mẹ nên tránh những nhận xét như: “Con thật ngớ ngẩn khi làm điều đó” hoặc “Mẹ thậm chí không thể nhìn con lúc này”. Thay vào đó, hãy nhìn tình huống từ góc độ của trẻ và sử dụng câu trả lời như: “Mẹ có thể thấy rằng, con đã cố gắng/cảm nhận/suy nghĩ…”.
Lý do phản ứng của cha mẹ đóng vai trò quan trọng
Hãy nhớ rằng, hầu hết thanh thiếu niên học được bài học cuộc sống thông qua những sai lầm của mình. Trẻ cần người hỗ trợ để nói ra những bài học này, chứ không phải lời phán xét gay gắt. “Đây là thời điểm thanh thiếu niên đang cân bằng sự độc lập mới có được với việc tiếp tục phụ thuộc vào cha mẹ. Trẻ có thể cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc đáng sợ khi chia sẻ”, Tiến sĩ Weinstein nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Andrew Barnes - bác sĩ nhi khoa về phát triển và hành vi khuyên rằng, cha mẹ nên phản ứng theo cách không phán xét, bình tĩnh, kiên nhẫn và thể hiện hứng thú. Điều này sẽ cho trẻ thấy rằng, cha mẹ đang lắng nghe. Khi đó, trẻ có nhiều khả năng cởi mở hơn với phụ huynh và sẽ sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, sai lầm cũng như kinh nghiệm.
Hơn nữa, việc cha mẹ lắng nghe có thể giúp nâng cao lòng tự trọng và cảm giác hạnh phúc của trẻ.
Tiến sĩ Weinstein cho biết thêm, việc lắng nghe nhất quán có thể giúp thanh thiếu niên biết những gì mong đợi từ cha mẹ khi chúng bộc lộ bản thân. Trẻ có thể cảm thấy tương đối an toàn và vẫn được yêu thương. Song, điều đó không có nghĩa là sẽ dễ dàng cho cha mẹ. Khi trẻ đưa ra một lời thú nhận, việc phụ huynh giữ bình tĩnh có thể trở nên cực kỳ khó khăn. Tiến sĩ Barnes gợi ý rằng, nếu không biết cách trả lời, cha mẹ hãy bắt đầu bằng một câu hỏi mở.
“Đưa ra những câu hỏi mở để đánh giá kỳ vọng trẻ, chẳng hạn như: ‘Mẹ không biết là con nghĩ mẹ sẽ phản ứng thế nào?’ hoặc ‘Con nghĩ người lớn tích cực khác như huấn luyện viên, giáo viên hoặc phụ huynh sẽ phản ứng thế nào nếu ai đó ở tuổi của con nói với họ điều gì đó như thế này?’”, Tiến sĩ Barnes gợi ý.
Song, phụ huynh không nên dừng lại những câu hỏi ở đó. Hãy cho trẻ tham gia tìm giải pháp. Điều này giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. Một câu hỏi phù hợp có thể là: “Con đã có ý tưởng gì về việc cần thực hiện tiếp theo để giải quyết vấn đề này?”.
Tiến sĩ Barnes cho biết, trước khi đưa ra bất kỳ lời khuyên nào, cha mẹ hãy ngỏ ý và chờ đợi sự chấp thuận từ trẻ. Cha mẹ có thể ngạc nhiên về mức độ thường xuyên mà thanh thiếu niên muốn nghe lời khuyên của mình. Tuy nhiên, việc đưa ra lời khuyên đó trước khi con sẵn sàng có thể khiến trẻ muốn bỏ qua đề xuất từ phụ huynh.
Theo Tiến sĩ Barnes, tất cả chúng ta đều là con người và do đó, đều mắc sai lầm. Nếu mất bình tĩnh hoặc phản ứng gay gắt, phụ huynh nên xin lỗi trẻ. “Một lời xin lỗi chân thành sẽ có ý nghĩa rất lớn, như: ‘Mẹ đã sai khi mắng con về điều đó. Mẹ ước mình đã giữ bình tĩnh và lắng nghe quan điểm của con’. Tránh dùng từ ‘nhưng’ trong lời xin lỗi. Tránh đổ lỗi cho thanh thiếu niên về sự sơ suất. Bởi, điều đó làm mất đi cơ hội sửa đổi thực sự và kết nối lại với nhau”, chuyên gia nhấn mạnh.
Khi cảm thấy bình tĩnh và sẵn sàng, cha mẹ có thể cho trẻ biết rằng, phụ huynh muốn lắng nghe quan điểm của con. Tiến sĩ Barnes gợi ý, đối với thanh thiếu niên, điều này có thể được thực hiện tốt nhất thông qua tin nhắn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể cảm thấy cực kỳ khó để giữ được vẻ ngoài bình tĩnh trong trường hợp trẻ chia sẻ những thông tin bất ngờ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, thanh thiếu niên cũng rất khó cởi mở và thừa nhận những thử thách, nỗi sợ hãi và sai lầm của mình.
Việc cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của trẻ có thể giúp duy trì sự tin tưởng và giao tiếp cởi mở. Nếu trẻ không nói chuyện với bất kỳ ai và muốn thu mình lại, cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu trầm cảm hoặc lo lắng. Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia nếu lo lắng về sức khỏe tâm thần của con mình.
Theo Very well family
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.