Liên tiếp các vụ bé gái sinh con: Cần có những quy định về trách nhiệm của cha mẹ

(lamchame.vn) - Những đứa trẻ đáng ra vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, vẫn vô tư vui đùa cùng chúng bạn, giờ phải bỏ ngang việc học để nuôi con. Chuyên gia giáo dục cho rằng, để những bé gái sinh con ngoài ý muốn cần phải xem xét trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ.

Nông Văn Minh (thứ 2 từ phải sang), đối tượng khiến nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang sinh con

Sự quan tâm dành cho con dường như bằng 0

Một nữ sinh lớp 7 tại Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm. Điều đáng nói là suốt thời gian mang bầu, bé gái này vẫn đi học bình thường, vẫn tham gia môn thể dục và thầy cô, bạn bè đều không phát hiện ra sự thay đổi của em. Mẹ nữ sinh cũng thừa nhận, không hề biết việc này cho đến khi con mình sinh con.

Tại Phú Thọ, một nữ sinh khác mới học xong lớp 5 (11 tuổi) cũng mang bầu ngoài ý muốn và sinh con. Việc mang bầu của bé chỉ được phát hiện khi đã mang bầu ở tháng thứ 7. Thời điểm đó, mẹ của bé gái thấy con "béo lên bất thường" nên mới đưa đi khám và tá hỏa khi con mình sắp phải làm mẹ.

TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, để xảy ra những vụ việc đáng buồn nêu trên, việc đầu tiên cần phải xem xét trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ. TS. Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ sẽ không tự mình làm hại mình nếu chúng có đủ kiến thức. Những kiến thức đó bao gồm việc hiểu về cơ thể của chính mình, hiểu những vấn đề về dậy thì, hiểu về những hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm… Khi nói về hậu quả đối với trẻ em gái, nhiều người sẽ nói về vấn đề sức khỏe nhưng cần phải tập trung vào một số vấn đề khác. Cụ thể, không chỉ là sức khỏe mà còn là những điều phải đối mặt khi sinh con ở độ tuổi 11, 13, trẻ sẽ phải đánh đổi những gì, mất đi những gì? Liệu chúng có sẵn sàng làm được điều đó hay không?

"Phải xây dựng một kịch bản cụ thể về những điều sẽ xảy ra khi sinh con ở độ tuổi đó chứ không nên nói chung chung. Nếu để con hiểu được rằng những điều tồi tệ như thế nào sẽ xảy ra thì chắc chắn chúng sẽ thấy "thật điên rồ" để sinh một em bé ở độ tuổi như vậy. Còn đối với con trai, cha mẹ cũng phải giáo dục cho con biết về hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm, đặc biệt là quan hệ tình dục với bạn nữ dưới 16 tuổi thì sẽ vi phạm pháp luật, thậm chí phải ngồi tù nhiều năm", bà Hương nói.

Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, nhiều cha mẹ thường cấm con yêu đương, nhưng không nói rõ nguyên nhân vì sao lại cấm yêu, không nói rõ việc quan hệ tình dục sẽ gây ra những hậu quả như thế nào. "Tôi dạy về giáo dục giới tính 15 năm nay, với số lượng hàng chục nghìn học viên ở lứa tuổi từ 13 đến 19, nhưng rất nhiều học viên không biết rằng, việc quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi sẽ bị đi tù. Có những học sinh khi được nghe về điều này còn hỏi ngược lại: Tại sao pháp luật không quan tâm đến cảm xúc của người khác?", bà Hương cho hay.

TS. Vũ Thu Hương cũng đặt câu hỏi, một đứa trẻ chưa dậy thì hết tại sao khi mang thai tới tận lúc sinh mà những người xung quanh không ai phát hiện ra? Điều này chứng tỏ sự quan tâm dành cho đứa trẻ dường như là bằng 0.

Trách nhiệm giáo dục trẻ em bị xem nhẹ

"Để con xảy ra những vấn đề như vậy thì những người làm cha mẹ cần phải bị xem xét xử lý. Cha mẹ đã sinh ra con thì phải có trách nhiệm với con, không quan tâm con tới mức như vậy thì cần phải bị lên án và xử lý", TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Bà Hương cho rằng, bố mẹ có trách nhiệm với con thì sẽ tìm cách để hướng dẫn, giáo dục con từ sớm, đầy đủ chứ không thể trông chờ vào nhà trường. Nếu bố mẹ không đủ kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn con thì vẫn có thể tìm hiểu những nguồn thông tin chính thống qua sách, báo, internet để dạy con. Hoặc họ có thể tìm mua những sách giáo dục giới tính về cho con tìm hiểu. Khi muốn, họ sẽ tìm được nhiều cách, còn không nhận thấy trách nhiệm của mình người trong cuộc sẽ có xu hướng đổ lỗi "do mưu sinh" nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con cái.

"Chúng ta đã có quy định rõ rằng, cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ con cái. Nhưng dường như chưa có một chế tài nào để xử lý nếu cha mẹ không hoàn thành trách nhiệm này, dù họ có khả năng thực hiện. Rõ ràng, trách nhiệm giáo dục trẻ em, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cha mẹ đang bị xem nhẹ", vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.

TS. Vũ Thu Hương lấy ví dụ ở Đức, khi đứa trẻ có biểu hiện bất thường như bị bạo hành hoặc không được giáo dục, chăm sóc đầy đủ thì cha mẹ của đứa trẻ đó lập tức bị đưa vào trại vì không hoàn thành trách nhiệm chăm sóc con. Còn đứa trẻ sẽ được giao cho Nhà nước chăm sóc. "Tôi cho rằng, pháp luật cần phải có những quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm của cha mẹ với các trường hợp trẻ gặp phải hậu quả nghiêm trọng", nữ chuyên gia bày tỏ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang