Đau đầu dữ dội, huyết áp giảm mạnh, cô gái trẻ được đưa đi cấp cứu mà không hề biết mình đã bị đột quỵ
Freya Ayub bị đột quỵ vào tháng 6 năm 2019 trong tình trạng huyết áp giảm mạnh. Thời điểm này, cô gái trẻ phải chịu đựng sự hành hạ của một loạt các cơn đau đầu dữ dội, tới mức Ayub không thể ra khỏi nhà.
Chân dài 22 tuổi đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và trải qua 5 tuần nằm bất động tại chỗ. Sau đó, Ayub cũng không thể đi lại nổi nếu không có người trợ giúp. Nguyên nhân là bởi cô gặp các vấn đề về đầu gối - hậu quả của quãng thời gian nằm liệt giường do đột quỵ.
Freya Ayub, cố vấn khách hàng đồng thời là sinh viên đại học ở Rotherham, South Yorks giải thích rằng, cô đã bị những cơn đau đầu tồi tệ trong vòng 2 năm qua, trong đó, có một đợt đau cực kỳ dữ dội diễn ra hồi tháng 4 năm nay.
Freya Ayub trải qua 5 tuần khủng khiếp nhất đời sau một cơn đột quỵ nguy hiểm tính mạng. Ảnh: Mercury Press
"Tôi không thể rời khỏi ghế sofa để ăn hoặc thậm chí đi vệ sinh. Rồi một ngày, huyết áp của tôi xuống thấp đến mức phải gọi xe cứu thương và các bác sĩ cho biết, tôi bị đột quỵ. Lúc ở bệnh viện, tôi không hề nhận ra rằng mình đang nói năng lộn xộn. Nhưng bạn bè và gia đình thông báo, tôi đã thốt lên những từ ngẫu nhiên. Tôi đã bật khóc khi nghe điều đó. Tôi đã rất sợ hãi vì tôi thực sự không biết mình bị như vậy", Ayub kể.
Ở giai đoạn này, Ayub có rất ít thông tin về nguyên nhân gây đột quỵ của mình, ngoài điều bác sĩ tiết lộ: Đó là một dạng đột quỵ rất hiếm gặp. Ayub phải ở lại bệnh viện 2 tuần và bị chậm nói trong 2 ngày sau đột quỵ.
Các bác sĩ vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân đột quỵ của Ayub và yêu cầu cô tới viện để khám định kỳ 3 tháng/lần.
Cô sinh viên chuyên ngành nghiên cứu về sinh học con người, cho biết thêm, sự cố sức khỏe nghiêm trọng này làm cho cô "thực sự chấn động", nhất là khi Ayub thuộc tuýp người khỏe mạnh, tích cực tham gia nhiều môn thể thao.
Chân dài 22 tuổi cũng không gặp bất kỳ dấu hiệu đột quỵ nào như khuôn mặt chảy xệ hay lời nói trở nên lắp bắp: "Tôi không hề có dấu hiệu nào cho thấy cơn đột quỵ sẽ xảy ra với mình. Tôi cũng không nghĩ mình có thể bị đột quỵ khi còn trẻ như vậy. Thú thực, tôi không hề muốn nghĩ về nguyên nhân bởi nó chỉ làm tôi càng thêm lo lắng mà thôi".
Quyết định tham gia cuộc thi sắc đẹp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ
Giờ đây, khi đang trên hành trình hồi phục sức khỏe và lấy lại được khả năng đi lại, Ayub đặt mục tiêu giành danh hiệu Hoa hậu Anh, một cuộc thi sắc đẹp mà cô đã đăng ký tham gia hồi tháng 11.
Freya Ayub, người không có kinh nghiệm làm người mẫu hoặc tham gia cuộc thi sắc đẹp nào trước đó. Tuy nhiên, Ayub muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ ở những người trẻ tuổi và quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy, mình vẫn có thể sải bước trên sàn catwalk của cuộc thi hoa hậu dù đang trong quá trình hồi phục các vấn đề ở đầu gối do đột quỵ gây ra.
Ayub tâm sự: "Tôi đã tìm hiểu về cuộc thi Hoa hậu Anh sau khi tình cờ gặp người chiến thắng năm nay và tôi nghĩ đó sẽ là một cách tuyệt vời để chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi đã đăng ký tham gia cuộc thi năm sau như một cách để tăng sự tự tin sau cơn đột quỵ. Lý do quan trọng nhất là giúp nhiều người ngoài kia ý thức hơn về đột quỵ ở người trẻ bởi thực tế là không có nhiều người hiểu rõ tình trạng này".
Cứ mỗi 6 người có 1 người bị đột quỵ
Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 33% ca tử vong. Ước tính ở Việt Nam có gần 20 triệu người trên 25 tuổi đang bị tăng huyết áp. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Đột quỵ não là bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu, chỉ sau ung thư và tim mạch. Người bệnh cũng có thể gặp phải các di chứng sau đột quỵ nặng nề như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý hoặc tàn tật suốt đời…
Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao. Thời gian vàng để cấp cứu người đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.
Cách kiểm tra một người có đúng là bị đột quỵ không
Có thể tự kiểm tra cho mình hoặc cho người khác bằng những việc sau:
- Cười: Hãy yêu cầu người đó mỉm cười, nếu bị đột quỵ thì nụ cười của họ không thể đối xứng, một góc miệng sẽ không di chuyển.
- Kiểm tra tay: Yêu cầu người đó nhấc hai tay lên và giữ chúng trong 5 giây ở góc 90 độ. Trong trường hợp đột quỵ, 1 tay sẽ bị rơi xuống.
- Nói: Yêu cầu người đó phát âm một cụm từ đơn giản hoặc nói tên. Cả hai trường hợp nói chậm và không có câu trả lời đều là dấu hiệu của đột quỵ.
Nếu thấy bệnh nhân có các biểu hiện trên thì hãy nhanh chóng gọi xe cấp cứu vì nếu người bệnh đột quỵ được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao.
Link báo gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/lien-tuc-bi-dau-dau-co-gai-tre-22-tuoi-bat-ngo-phai-nam-liet-giuong-5-tuan-vi-can-benh-cu-6-nguoi-thi-co-1-nguoi-mac-phai-222019261220915424.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.