Ảnh minh họa.
Theo nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, chùm ngây là loại cây có nhiều giá trị dinh dưỡng, đồng thời là cây thuốc tốt cho sức khỏe.
Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… sử dụng chùm ngây làm thuốc. Một số nơi còn dùng chùm ngây để bổ sung dinh dưỡng, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.
Trước đây, cây chùm ngây mọc hoang ở Việt Nam nhưng hiện nay, cây đã được trồng ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam và Nam Trung Bộ.
Lương y Sáng cho biết trong cây chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng, do vậy rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng để làm thức ăn, chế biến thành thuốc. Do đó, trên thế giới gọi cây chùm ngây là "cây vạn năng".
Đặc biệt, trong y học cổ truyền, các bộ phận như rễ (củ) và toàn cây (lá, hoa, quả, hạt, vỏ cây) đều được dùng làm thuốc. Rễ chùm ngây có tính kích thích, hoạt huyết, thông phủ khí (gây trung tiện), làm dễ tiêu hóa, trợ tim và ích lợi cho hệ tuần hoàn, có tác dụng tốt với hệ thần kinh. Quả, hạt có tác dụng làm giảm đau. Hoa kích thích, tăng ham muốn tình dục. Dịch từ thân cây chảy ra màu trắng, cũng có tác dụng giảm đau nhức. Vỏ cây có tính kháng khuẩn, lợi niệu nên được dùng trong điều trị bệnh lậu.
Ông Sáng gợi ý: Với những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, chùm ngây có thể được dùng ăn sống. Người dân cũng thường dùng lá chùm ngây để nấu canh với thịt bò, canh nấm hương giúp bồi bổ sức khỏe, kích thích ngon miệng.
Trong những ngày nắng, xay lá chùm ngây làm sinh tố uống giúp giải nhiệt, bổ sung thêm các chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư… Cách làm sinh tố như sau: lá chùm ngây 20g, 2 thìa cà phê, sữa vừa đủ; xay thành sinh tố uống.
Cách dùng chùm ngây làm thuốc
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết chùm ngây có thể dùng để điều trị nhiều bệnh như thiếu máu, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, còi xương, tiểu đường, tim mạch, kinh phong, viêm nhiễm, sưng tấy, mỡ máu, đau dạ dày, bệnh can tỳ vị, đau khớp, yếu liệt, hoa liễu, ung cục, bất lực... Tuy nhiên, những tác dụng kể trên của chùm ngây vẫn cần có thêm các công trình nghiên cứu tiếp theo để chứng minh.
Theo ông Sáng, trong chùm ngây có một hợp chất quý là zeatin - có tác dụng chống lão hóa mạnh mẽ cao gấp vài nghìn lần so với các loại cây khác. Trong chùm ngây còn có 2 loại hợp chất giúp phòng chống ung thư.
Một số bài thuốc từ cây chùm ngây được lương y Sáng giới thiệu là:
- Trị cảm sốt, ban sởi, ho suyễn, tiểu nhắt, viêm đường tiết niệu: Lá chùm ngây 20g, dây mảnh bát 20g, cỏ mần trầu 20g, cỏ nhọ nồi 20g. Sắc uống 01 thang/ngày.
- Trị u xơ tiền liệt tuyến: Bài thuốc 1, rễ chùm ngây khô 30g, trinh nữ hoàng cung 10g, nước 2 lít. Nấu còn 0,5 lít, chia uống 03 lần/ngày;
Bài 2: Vỏ cây chùm ngây 50g, dây sống chua 50g. Sắc, chia uống 03 lần/ngày uống. Liệu trình 1-2 tháng.
- Trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, bảo vệ gan: Lá chùm ngây tươi 150g, mật ong 2 thìa, nước soi để nguội 300ml. Giã (xay), lọc lấy nước pha mật ong, chia 03 lần uống trong ngày.
- Trị cholesterol, lipid máu, triglyxerid, axit uric cao, ngăn ngừa sỏi oxalate: Rễ chùm ngây tươi 100g nếu dùng khô 30g, nước sạch 1 lít. Sắc trong 15 phút chia uống trong ngày.
- Tăng cường sinh lý: Hoa, quả chùm ngây 100g. Sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
- Phụ nữ sau sinh đau dạ con: Rễ chùm ngây sao vàng 100g, nước 250ml. Sắc còn 150ml, chia uống trong ngày. Thời gian dùng: 05 ngày.
- Dưỡng da, trị mụn, nám: Lá chùm ngây tươi 20g, dầu hạt chùm ngây vừa đủ. Rửa sạch, giã nhuyễn trộn dầu, đắp 02 lần/ngày, mỗi lần không được quá 10 phút. Trong 01 tuần là có hiệu nghiệm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.