Loại gen khiến nguy cơ mắc COVID-19 nặng gia tăng: Phổ biến hơn ở người gốc Nam Á

Nghiên cứu mới từ Đại học Oxford của Anh cho thấy nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng có thể cao hơn ở những người mang một phiên bản gen cụ thể.

Hầu hết những người mắc COVID-19 không phải nhập viện, nhưng một số nhóm dân số mắc bệnh ở thể rất nặng. Ngay từ những đợt dịch đầu tiên, rõ ràng là các nhóm dân tộc thiểu số ở Anh có nhiều nguy cơ tử vong vì COVID-19 hơn so với người da trắng.

Lý do một phần là các yếu tố kinh tế xã hội. Ví dụ, người dân tộc thiểu số ở Anh thường sống ở những khu vực đông đúc hơn so với người da trắng, và nhiều khả năng sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ, vì vậy, người cao tuổi có nhiều nguy cơ tiếp xúc với virus do con cháu mang về hơn.

Người dân tộc thiểu số ở Anh cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì họ có nhiều khả năng làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và dưỡng lão hơn, điều này làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với virus. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

Loại gen khiến nguy cơ mắc COVID-19 nặng gia tăng: Phổ biến hơn ở người gốc Nam Á - Ảnh 1.

Gen có thể đóng vai trò trong việc một người có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nặng cao hơn hay không. (Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 5 năm 2021 cho thấy nguy cơ nhập viện, nguy cơ nhập đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong vì COVID-19 ở người châu Á, người da màu và các nhóm dân tộc khác ở Vương quốc Anh cao hơn so với người da trắng. Nghiên cứu được thực hiện trong đợt dịch đầu tiên ở Vương quốc Anh (mùa xuân năm 2020).

Trong làn sóng thứ hai, nguy cơ này ở người da màu, người dân tộc giảm - nhưng đối với người Nam Á thì ngược lại. Đối với họ, nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì COVID-19 trong đợt dịch thứ hai cao hơn so với người da trắng và các nhóm dân tộc thiểu số khác.

Điều gì có thể giải thích cho sự khác biệt này? Có phải một số gen nhất định của một số nhóm dân tộc thiểu số khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng cao hơn không?

Hai câu hỏi cần được trả lời

Vào năm 2020, các nghiên cứu gen đầu tiên cho thấy thực sự có sự khác biệt về gen dẫn đến nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng cao hơn. Sau khi nghiên cứu gen ở hàng nghìn bệnh nhân COVID-19, các nhà nghiên cứu đã tìm ra hai ‘nghi phạm’: gen LZTFL1 và gen SLC6A20.

Những câu hỏi cần được trả lời là: gen nào trong hai gen này làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng? Và gen này làm điều đó như thế nào?

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Genetics đã tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi trên.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford, Anh, phát hiện ra gen LZTFL1 có liên quan đến bệnh COVID-19 mức độ nặng hơn - không phải gen SLC6A20.

Về mức độ phổ biến của gen này, các nhà khoa học cho biết 60% số người gốc Nam Á ở Anh mang phiên bản gen này. Trong khi đó, 15 % người da trắng và 2% người gốc Phi hoặc gốc Phi-Caribê mang gen này.

Không chỉ vậy, gen này còn hoạt động rất tích cực trong biểu mô của đường thở và phổi. Biểu mô giúp làm ấm và làm sạch không khí trước khi vào phổi, nơi oxy được hấp thụ vào máu. Nó hoạt động như một rào cản giữa không khí đi vào hệ hô hấp và các mô bên trong của cơ thể và rất cần thiết để thở đúng cách.

Nghiên cứu chỉ ra rằng phiên bản gen LZTFL1 làm giảm khả năng hồi phục mô bị tổn thương và thay thế các tế bào bị mất trong phổi, điều có thể cần thiết để vượt qua bệnh COVID-19 nặng.

Phiên bản gen này cũng làm tế bào có nhiều bản sao của hai protein ACE2 và TMPRSS2 hơn, cho phép virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào và lây nhiễm chúng. Điều đó có nghĩa là những người mang gen này có khả năng có nhiều tế bào bị nhiễm virus hơn, ít khả năng chữa lành hơn và do đó nhiễm bệnh nặng hơn.

Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh chúng ta vẫn chưa biết rõ gen này đóng vai trò như thế nào trong tác động không cân xứng của COVID-19 với người gốc Nam Á ở Anh. Và những phát hiện này không có nghĩa là các yếu tố kinh tế xã hội không đóng vai trò quan trọng.

Các nhà khoa học cũng chưa có dữ liệu về vai trò của gen này ở các quốc gia Nam Á, nơi có nhiều người mang gen này hơn. 

Nhưng kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng vì nó cho chúng ta biết rằng một phần nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn ở một số nhóm dân tộc (như người gốc Nam Á) là do sinh học.

Mặc dù hiện nay đã có vaccine COVID-19 và thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19, nhưng nghiên cứu mới gợi ý một ý tưởng để phát triển các phương pháp điều trị mới nhắm vào phổi chứ không phải hệ miễn dịch - vốn vẫn là trọng tâm cho đến nay. Điều đó có thể đặc biệt hữu ích cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng.

(Nguồn: The Conversation)

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang