Loạn luân là như thế nào? Khái niệm chung của loạn luân là các hành vi quan hệ cận huyết giữa 2 con người có quan hệ huyết thống với nhau, như cha mẹ - con cái, cô chú - cháu, anh chị em ruột... Và với rất nhiều nền văn hóa trong lịch sử, loạn luân là một điều không tốt, thậm chí là cấm kỵ cả về mặt đạo đức lẫn khoa học.
Dĩ nhiên, có những lý do cho chuyện đó.
Từ khoa học: Rủi ro quá lớn từ loạn luân
Thuở hồng hoang, quan hệ cận huyết không phải chuyện hiếm gặp. Như trong Thần thoại Hy Lạp, các vị thần thường xuyên có quan hệ cận huyết. Xã hội phong kiến xưa kia cũng chẳng hiếm chuyện loạn luân trong triều đình, với lý do để "bảo vệ huyết thống hoàng tộc". Như câu chuyện của Gia tộc Habsburg của châu Âu, sở hữu rất nhiều vị vua và nữ hoàng của Áo và Tây Ban Nha là thành viên của họ. Và để bảo vệ huyết thống, họ loạn luân suốt 200 năm.
Loạn luân là điều khá thường gặp trong Thần thoại Hy Lạp (Ảnh minh họa)
Về mặt lý thuyết di truyền, quan hệ cận huyết dường như là một chiến lược hoàn hảo, khi đứa trẻ ra đời sẽ mang ít nhất 75% bộ gene với thế hệ trước, thay vì chỉ 50% nếu phối ngẫu với người ngoài gia tộc. Nếu việc quan hệ cận huyết kéo dài qua nhiều thế hệ, những đứa trẻ sinh ra gần như sẽ mang một bộ gene tương đồng đến đáng kinh ngạc.
Nhưng khi khoa học phát triển, việc bộ gene quá giống nhau cũng trở thành vấn đề. Đầu tiên, nó sẽ tăng khả năng 2 gene gây hại (là gene lặn và hiếm gặp) chạm mặt nhau và thể hiện ra tính trạng bên ngoài. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đứa trẻ, khi mắc phải các khiếm khuyết hay dị tật cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó cũng là những gì xảy ra với gia tộc Habsburg, khi các thành viên mắc phải hội chứng "hàm bạnh" Habsburg cực kỳ đặc trưng qua nhiều thế hệ.
Philip IV (trái) và Charles II (phải) từ gia tộc Habsburg với chứng hàm bạnh đặc trưng
Một lý do khác đến từ "Giả thuyết Nữ hoàng Đỏ" - một giả thuyết trong tiến hóa học, nói về việc các loài phải liên tục thích nghi và tiến hóa để truyền gene cho thế hệ tiếp theo và cũng để tránh bị tuyệt chủng khi các loài khác trong mối quan hệ cộng sinh đang phát triển.
Về cơ bản, giả thuyết này xuất phát từ khả năng tiếp cận và khai thác vật chủ của các loài ký sinh trùng. Khi con người trải qua 1 thế hệ, một con vi khuẩn có thể trải qua hàng ngàn rồi. Nếu như đứa trẻ sinh ra mang bộ gene tương đồng với vật chủ cũ, ký sinh trùng hiển nhiên sẽ được tiếp cận một môi trường hoàn hảo hơn, giúp chúng khai thác vật chủ tốt hơn và làm giảm tuổi thọ của vật chủ.
Nói cách khác, việc đa dạng hóa bộ gene sẽ giúp con người sinh tồn ổn định hơn, trong bối cảnh các loài ký sinh liên tục tiến hóa.
Bị phản đối trong mọi nền văn hóa
Trong một nghiên cứu do nhà tâm lý học Debra Lieberman và Adam Smith từ ĐH Miami thực hiện, con người sở hữu cơ chế xã hội và tâm lý để ngăn chặn loạn luân. Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, đa số những cuộc hôn nhân giữa anh chị em hay cha mẹ - con cái đều là điều cấm kỵ trong các nền văn hóa. Nhà tâm lý học Jonathan Haidt cũng xác định gần như tất cả mọi người trong nghiên cứu của ông đều chối bỏ chuyện quan hệ giữa anh chị em, kể cả khi được giả định mối quan hệ ấy sẽ không dẫn đến mang thai.
Các nhà sinh học cho rằng những sinh vật sống thường có cơ chế tránh quan hệ cận huyết. Để giải quyết câu chuyện này, hãy đến với nghiên cứu "tránh loạn luân" nổi tiếng nhất ở người: Hiệu ứng Westermarck. Nghiên cứu này cho rằng con người có xu hướng mất hứng thú tình dục với những người họ đã tiếp xúc suốt cả đời.
Ý tưởng của hiệu ứng này như sau: Người mẹ dành rất nhiều thời gian cho con của mình, trong đó có nguyên một khoảng thời gian dài cho bú. Vì người mẹ chắc chắn là có huyết thống, và cũng ở gần con nhất, chúng ta sẽ có "chỉ số họ hàng" tỉ lệ thuận với sự mất hứng thú tình dục.
Trong một thí nghiệm khác của nhà tâm lý học Israeli Kibbutz, ông đã theo dõi 3000 đứa trẻ được nuôi lớn cùng nhau. Nghiên cứu dài hơi ấy cho kết quả chỉ 14 trường hợp kết hôn với người cùng nhóm, và đa số đều là những đứa trẻ được đưa vào nhóm sau 6 tuổi, thay vì từ lúc sơ sinh.
Tiến sĩ Leda Cosmides từ ĐH California Santa Barbara cũng thực hiện một thử nghiệm trên 600 ứng viên, hỏi họ nhiều câu hỏi được cài cắm để chẳng ai biết ý định của nghiên cứu là gì. Trong đó có những câu hỏi về quan hệ với họ hàng, và tồn tại một số ứng viên chưa từng sống chung nhà với anh chị em của mình, hoặc xa cách từ 10 - 20 năm.
Kết quả, thái độ với câu chuyện loạn luân phụ thuộc vào yếu tố thời gian người anh/chị lớn tuổi hơn trông nom em, hoặc thời gian cả hai dành cho nhau trong nhà.
"Nếu như cả hai ở với nhau từ nhỏ (dù không có quan hệ huyết thống), họ sẽ đối xử với nhau như anh chị em ruột. Họ sẽ tự điều chỉnh thái độ của mình với đứa trẻ, và sẽ cảm thấy ghê tởm việc quan hệ với đứa trẻ đó khi trưởng thành," - Cosmides nhận xét.
Cũng có ý kiến trái ngược, cho rằng các thái độ kỳ thị về loạn luân về bản chất đến từ yếu tố văn hóa và xã hội. Như giả thuyết của nhà tâm lý học Sigmund Freud, với ý kiến anh chị em ruột và con cái với cha mẹ luôn có sự hấp dẫn nhau, nhưng yếu tố văn hóa và xã hội khiến tất cả mặc định điều đó là sai trái.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/loan-luan-tu-truyen-thong-benh-hoan-cua-nhieu-tang-lop-vua-chua-den-dieu-cam-ky-cua-moi-nen-van-hoa-tai-sao-vay-162220701160202295.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.