Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc!

Từ Cậu Vàng tới hai phiên bản thảm họa 18+ của Kiều, chưa bao giờ làn sóng phim chuyển thể (lấy cảm hứng) từ tác phẩm văn học lại bị chỉ trích và khiến khán giả ngán ngẩm đến vậy.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 1.

Cách đây vài tháng, khi bước ra từ một cụm rạp phim tỉnh lẻ với vỏn vẹn ba khán giả xem một suất chiếu Cậu Vàng, người viết nghe được bình luận từ một khán giả đã ở tuổi trung niên: “có cốt truyện, có âm thanh, có hình ảnh mà còn không hay bằng vài trang giấy”. Vị khán giả kia hẳn là không biết đến câu chuyện sục sôi trên mạng về chú chó Shiba với chiếc đuôi cong tít sắm vai con chó cưng của ông lão nghèo khổ trước cách mạng tháng Tám. Cậu Vàng nhận được sự quan tâm lớn từ nguyên tác và từ việc vô tư để chó Nhật đóng vai (mà đại bộ phận khán giả luôn khẳng định là) chó cỏ, đáng ra đã tạo được hiệu ứng phòng vé nếu đó là một bộ phim hay.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 2.

Nhưng phép màu đã không xảy ra. Bộ phim chiếu rạp mang hơi hướm kịch sân khấu như những Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt hay Quan Âm Thị Kính từng được chiếu trên VTV1 vào hơn chục năm trước đã lặng lẽ rời khỏi phòng vé sau vài tuần với doanh thu ảm đạm. Cậu Vàng, với một vài điểm đáng khen đã trở thành thất bại đầu tiên trong số những bộ phim điện ảnh Việt được chuyển thể từ danh tác trong năm 2021 này.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 3.
Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 4.

Một điều may mắn cho Cậu Vàng đó là bộ phim này không đi một mình, thậm chí còn nhỉnh hơn khi ta liếc nhìn vào danh sách những tác phẩm điện ảnh hoặc lấy cảm hứng, hoặc là chuyển thể từ danh tác văn học trong 4 tháng đầu năm nay. Kiều @ Kiều, hai bộ phim lần lượt của Đỗ Thành An và Mai Thu Huyền trang trọng đặt lên poster dòng giới thiệu “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du” đã trở thành 2 thảm họa mới của điện ảnh Việt.

Kiều @ với điều duy nhất liên quan đến Kiều là màn bói Kiều ở đầu phim (và cũng chính là màn bói toán tạo ra vòng xoáy hương khói khá khó hiểu trên poster) thực chất là một bản làm lại từ vở cải lương kinh điển Nửa Đời Hương Phấn. Bị khán giả la ó ngay khi trailer đầu tiên được ra mắt, thậm chí còn có khán giả kêu trời rằng tại sao những bộ phim như thế này lại có thể qua cửa kiểm duyệt, Kiều @ vẫn ra rạp và chính thức khẳng định dự cảm không lành của khán giả khi xem trailer là không sai. “Kĩ thuật oneshot” của Kiều @ được thể hiện bằng những màn cắt cảnh hay cú lia máy giần giật, nội dung thiếu logic đến đáng ngại, kèm theo đó là loạt cảnh nóng vô tội vạ và cực kì thiếu thẩm mĩ. Kiều @ biến mất nhanh chóng để thay vào đó là Kiều - một bộ phim có poster đẹp hơn và được khán giả hi vọng nhiều hơn Kiều @ một chút.

Sở dĩ khán giả chỉ có thể “hi vọng một chút” vào Kiều là bởi vì nhiều yếu tố: Từ bức hoành phi viết tên thanh lâu bằng chữ quốc ngữ cho thấy tư duy khá ngô nghê và hời hợt của ê kíp, những bộ trang phục rất “văn nghệ” cho đến cái tên đạo diễn Mai Thu Huyền, người từng giữ vai trò sản xuất bộ phim điện ảnh Giấc Mơ Mỹ - một bộ phim thiếu logic đến mức khó tin. Gần đến ngày phát hành, bản nhạc phim do Bùi Lan Hương thể hiện vớt vát lại một chút thích thú cho khán giả nhưng đồng thời cũng mang lại phản hồi rằng… Bùi Lan Hương còn hợp với vai Kiều hơn là nữ chính. Bộ phim ra mắt khán giả ngày 7/4 vừa qua và nhận về cơn mưa lời chê bai nhiều hơn hẳn những lời khen ngợi.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 5.

Làm một bộ phim điện ảnh để được khen và xa hơn nữa là đảm bảo doanh thu là một điều rất khó khăn. Một bộ phim điện ảnh được xây dựng trên nguyên tác đã nổi tiếng sẵn, tưởng chừng như khiến nhà sản xuất nhẹ gánh hơn nhưng sau cùng vẫn có thể mang tới thất bại ê chề cả về mặt phê bình lẫn mặt kinh tế.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 6.
Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 7.

Năm 2015, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh ra mắt khán giả Việt và trở thành cú hit lớn của phòng vé phim Việt, ghi nhận doanh thu kỉ lục ở thời điểm bấy giờ. Với cốt truyện vốn có tiếng tăm nhưng dung dị, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh ăn điểm ở những thước phim có tính nghệ thuật cao. Khán giả xuýt xoa vì bối cảnh làng quê đẹp như một bức tranh, xuýt xoa cả vì những nét diễn từ lúc hồn nhiên cho đến khi thể hiện nỗi dằn vặt đầu đời của dàn diễn viên nhí ít tên tuổi. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong bối cảnh những bộ phim điện ảnh Việt có kịch bản gốc không quá nhiều đột phá, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh gần như là bộ phim vén màn cho phong trào đưa tác phẩm văn học Việt Nam lên màn ảnh rộng, đi song song với trào lưu làm lại những bộ phim đã nổi đình nổi đám tại nước ngoài.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 8.

6 năm kể từ Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là một cái tên hấp dẫn nhà sản xuất phim Việt. Với số lượng tác phẩm phong phú, bối cảnh gần gũi và quan trọng hơn cả là một thế hệ khán giả 8x - 9x đã lớn lên cùng với những câu chuyện của ông, chỉ riêng thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh đã có thể là “ngôi sao phòng vé” mà không cần bất cứ ngôi sao nào khác. Lần lượt Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (2017) và Mắt Biếc (2020) ra đời, và với thành công của bộ ba tác phẩm này, chắc hẳn độc giả hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ còn bắt gặp những nhân vật mình yêu thích “xé sách bước ra màn ảnh rộng” trong thời gian tới.

Mắt Biếc là ví dụ tiêu biểu nhất cho một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đạt được thành công rực rỡ. Khác với Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, câu chuyện trong Mắt Biếc mang nhiều nỗi trăn trở của người lớn, để lại nhiều hoài niệm cho một lượng lớn độc giả với phổ độ tuổi từ trung niên cho đến thanh thiếu niên.

Với nội dung gốc nổi tiếng, Mắt Biếc lại được sản xuất bởi đạo diễn Victor Vũ - cái tên bảo chứng cho chất lượng phim điện ảnh Việt trong suốt nhiều năm qua. Được công chiếu vào tháng 12/2019, tổng thể hình ảnh, nội dung cho đến nhạc phim đều được chăm chút kĩ lưỡng và khiến đại đa số khán giả hài lòng. Không cần đến những ngôi sao đình đám để PR hay là “cõng” doanh thu, Mắt Biếc mang đến một dàn diễn viên hoàn toàn mới với ngoại hình phù hợp và diễn xuất khá tròn vai.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 9.

Thành công của Mắt Biếc không chỉ dừng lại ở doanh thu hàng trăm tỉ mà thậm chí còn manh nha khiến nhiều người nghĩ đến việc biến cố đô Huế thành một phim trường lớn cho phim ảnh và nghệ thuật Việt Nam. Cũng giống như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh một thời khiến khán giả muốn ghé ngay về Phú Yên, những “tour du lịch Mắt Biếc” được không ít công ty du lịch đưa vào khai thác.

Có thể thấy ngay rằng cái lợi lớn nhất của việc làm phim chuyển thể đó là tiết kiệm được một khoản PR rất lớn. Những tác phẩm như Mắt Biếc, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hay xa hơn là Cánh Đồng Bất Tận (Nguyễn Ngọc Tư), bản thân nó đã có một đời sống riêng biệt trước khi được chuyển thể. Với danh tiếng có sẵn, những Mắt Biếc, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh… không cần đến dàn diễn viên có tên tuổi để khán giả quan tâm: Trước khi Mắt Biếc phát hành, Trần Nghĩa, Trúc Anh, Thảo Tâm… hoàn toàn là những cái tên xa lạ. Trên thực tế, bộ ba diễn viên nhí của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cũng không thể “cân” nổi doanh thu nếu được đặt vào trong một câu chuyện mới mẻ hoàn toàn. Khi mà quảng bá phim Việt vẫn là một câu chuyện nan giải, đặt những tên tuổi quen mặt với công chúng vào để kéo khách ra rạp thì chưa chắc nhân vật đã hợp vai, còn nếu chọn diễn viên kém tiếng thì không ít bộ phim có nội dung hay ngậm ngùi rời rạp sớm hoặc phải khiến đạo diễn lên tiếng “giải cứu”, thì làm phim chuyển thể là một lối tắt thông minh.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 10.

Còn điều gì tuyệt vời hơn sản xuất một bộ phim với cốt truyện vốn đã xuất sắc, không cần tốn nhiều chi phí PR, cũng không cần dàn diễn viên nổi tiếng mà khán giả lại quan tâm nhất cử nhất động của phim? Chính là những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm gốc có độ phổ biến mang tính toàn dân nhưng lại không hề tốn phí mua bản quyền! KiềuCậu Vàng rơi vào trường hợp đó.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 11.

Không cần phải nói thêm về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du hay là làng Vũ Đại rối ren trước cách mạng Tháng Tám mà nhà văn Nam Cao miêu tả. Kho tàng văn học Việt Nam từ cổ đại cho đến hiện đại đều có không ít tác phẩm với nội dung và hình thức đồ sộ, mang cả vẻ đẹp của ngôn từ và hơi thở thời đại rất rõ ràng. Trong thời lượng của một bộ phim điện ảnh, dĩ nhiên cần một biên kịch chắc tay mới có thể chọn những chi tiết đặc sắc nhất hay thêm vào một tuyến nhân vật đẩy cao trào của câu chuyện. Thế nhưng với chất liệu và độ phổ biến có sẵn, những danh tác như Truyện Kiều và tuyển tập Nam Cao đều là một miếng bánh ngon cho các ekip làm phim muốn thử sức mình, trong đó có không ít ekip làm phim non nớt về trình độ.

Nếu chỉ nhìn vào mặt sáng, về những danh tác mà chỉ nghe tên đã thấy hứng thú, về những chục tỉ, trăm tỉ của Mắt Biếc, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, những ngôi sao vụt sáng sau một đêm như “thầy Ngạn” Trần Nghĩa, “cô Hồng” Thảo Tâm…, chẳng ai lại muốn bỏ qua cơ hội thử sức làm phim chuyển thể từ danh tác. Nhưng liệu tất cả có đều “ngon ăn” như thế?

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 12.

Để tránh bị so sánh với nguyên tác và có thêm không gian sáng tạo, những nhà sản xuất như Mai Thu Huyền thường lên tiếng rằng bộ phim của mình chỉ là “phóng tác, lấy cảm hứng” chứ không phải là chuyển thể. Tuy nhiên, nhà sản xuất của những bộ phim dù là phóng tác, lấy cảm hứng hay chuyển thể cũng đều sẽ phải chấp nhận rằng nếu như mình làm ra một bộ phim dở, phản ứng của dư luận sẽ dữ dội hơn nhiều với một bộ phim với kịch bản gốc mới hoàn toàn.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 13.

Nói đến đời sống riêng của một danh tác văn học là nói đến một lượng độc giả hùng hậu, đã phát triển tư duy về nhân vật và có cảm quan rõ ràng về câu chuyện. Yêu cầu phim ảnh phải lột tả được những điều đó hoặc ít nhất là cho khán giả có cảm giác quen thuộc; chọn diễn viên hợp vai, mang hơi thở điện ảnh vào trong một tác phẩm văn học, biến tấu kịch bản sao cho duyên dáng mà vẫn giữ nguyên tinh thần nguyên tác… đều là những yêu cầu dù khó nhưng buộc ekip phải đáp ứng được khi đứng trước đề bài chuyển thể từ danh tác.

Số lượng tác phẩm chuyển thể ở Việt Nam chưa nhiều để đưa ra một cái nhìn tổng quan, nhưng nếu nhìn sang Trung Quốc, có thể thấy không ít những trận “gió tanh mưa máu” trên mạng xã hội khi một tác phẩm chuyển thể rục rịch công bố diễn viên và tạo hình. Lại nói về tạo hình, khi Kiều vừa hé lộ những hình ảnh đầu tiên về nhân vật, rất nhiều ý kiến cho rằng nàng Kiều bản điện ảnh quá hiền lành, ngây thơ so với cảm nhận của khán giả về một nàng Kiều “sắc sảo mặn mà” mà đại thi hào Nguyễn Du miêu tả. Nếu như nói ngoại hình ngây thơ, có phần “Mary Sue” của Thúy Kiều bản điện ảnh là để hợp với những cải biên của phim, thì phần cải biên này đã thoát hẳn ra khỏi tinh thần của tác phẩm gốc. Trong khi thiết lập nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khiến cho người đọc - dù đồng ý hay không - hiểu được câu chuyện vì sao lại thế, thì những “sáng tạo” của Kiều đã khiến logic của nguyên tác bị đánh đổ hoàn toàn.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 14.

Đây cũng là điểm khó cho người viết kịch bản chuyển thể: Làm thế nào để sáng tạo trong một cái khuôn có sẵn, mà khuôn khổ đó thường đã hoàn hảo nên mới có thể thuyết phục được nhiều thế hệ độc giả? Nhân vật cô Hồng trong Mắt Biếc xuất hiện như tấm gương soi chiếu của nhân vật Ngạn khi cả hai đều mang trong lòng một mối đơn phương là một điểm sáng tạo duyên dáng và hợp lý. Nhưng nhân vật Đạm Tiên với ma pháp cao cường và tư duy rối rắm kì lạ (!) lại không thể khiến khán giả hiểu được logic của người làm phim. Hình ảnh Thúc Sinh được hòa trộn giữa Thúc Sinh và Từ Hải (?) cũng khiến lỗ hổng logic lớn thêm một bậc.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 15.
Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 16.

Tạm chiến thắng trong khâu marketing nhờ vào tiếng tăm của danh tác, điều níu chân khán giả cuối cùng vẫn là chất lượng của bộ phim.

Truyện Kiều là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, nhưng phim Kiều thậm chí còn chưa chạm đến mức “xem được”. Cậu Vàng Kiều @ cũng vậy. Bỏ qua vấn đề sai lệch nguyên tác, cả 3 bộ phim nói trên vẫn không thể được gọi là phim điện ảnh hay. Tạo hình nhân vật thiếu chính xác, phạm phải sai lầm ngô nghê vì bỏ qua yếu tố thời đại. Nội dung sau khi cải biên thiếu logic trầm trọng, nhịp phim hoặc gãy vụn hoặc lê thê. Diễn viên có lối diễn xuất hoặc mang tính kịch sân khấu hoặc tệ hơn là… chưa hề có diễn xuất. Đem những lỗi lầm này gán vào bất cứ bộ phim nào thì cũng có thể cho thấy được một kết cục vắng khách ra rạp, đông lời chê bai.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 17.

Trên thực tế, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc… ngoài cái tên “ngôi sao” Nguyễn Nhật Ánh thì còn đó thương hiệu Victor Vũ là bảo chứng cho chất lượng. Phim của Victor Vũ luôn được khán giả tin tưởng, tâm huyết và kĩ năng của anh đã được chứng minh qua nhiều tác phẩm khác trước khi bắt tay đưa Thiều, Mận, và Ngạn, Hà Lan, Trà Long… lên màn ảnh rộng. Trường hợp của Cô Gái Đến Từ Hôm Qua cũng tương tự, Phan Xine cũng là cái tên có số có má trong làng phim ảnh, nhất là với Em Là Bà Nội Của Anh gây sốt một thời. Những khung hình được chăm chút đến nỗi biến một góc phố bình dị thành một địa điểm du lịch khi phim kết thúc, dàn diễn viên trẻ dù chưa hẳn tròn vai nhưng vẫn đủ khiến người xem thổn thức trong một vài phân đoạn cao trào.

Dĩ nhiên, những bộ phim chuyển thể của Victor Vũ và Phan Xine vẫn chưa thể làm hài lòng tất cả người xem. Vẫn có những chi tiết làm khác nguyên tác không được đánh giá cao, thậm chí với một tác phẩm mượt mà đầy chất thơ như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn cho rằng bộ phim “không thể nào truyền tải được hết nội dung của truyện”. Tuy không hoàn hảo, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Cô Gái Đến Từ Hôm QuaMắt Biếc chí ít đều là những bộ phim tử tế.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 18.
Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 19.

Nếu nói Kiều là một màn tập dượt ngô nghê trong lần đầu tiên Mai Thu Huyền đứng ở vai trò đạo diễn, có lẽ riêng những dư luận xôn xao xung quanh bộ phim này cũng đã là một thành công không nhỏ cho cô. Còn riêng với Truyện Kiều, đây đã là lần thứ ba nhà làm phim Việt Nam thất bại trong việc đưa danh tác này - dù là một lát cắt nhỏ - lên màn ảnh rộng. Và ta hãy khoan nói đến những câu từ đao to búa lớn như là “tri ân đại thi hào Nguyễn Du” hay là làm phim để “kỉ niệm 200 năm ngày mất của tác giả”. Nếu là để tri ân một tác phẩm có tầm quan trọng không thể thay thế trong nền thi ca Việt, cần một tác phẩm tử tế hơn những Kiều hay Kiều @ rất nhiều. Để làm được điều đó, Kiều, Kiều @ cần một đạo diễn giỏi, ekip chắc tay, kịch bản phát triển hợp lý, dàn diễn viên có diễn xuất tốt.

Mỗi một bộ phim tử tế (chưa nói đến phim hay) đều cần đến những yếu tố đó. Danh tác có thể giúp giải quyết vấn đề kịch bản gốc và vấn đề truyền thông, nhưng hoàn toàn không thể giải quyết được yếu tố quyết định - yếu tố con người.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 20.

Chừng nào vẫn còn tư tưởng “đứng trên vai người khổng lồ” để làm một bộ phim chuyển thể, lấy cảm hứng, phóng tác… nhưng không thể làm ra một bộ phim tử tế thì chừng đó, những Cậu Vàng, Kiều, Kiều @ tiếp theo vẫn sẽ là “tiếng kêu mới đứt ruột” của nền văn học và điện ảnh nước nhà.

Loạt thảm họa điện ảnh từ văn học: Tất cả là tại Mắt Biếc! - Ảnh 21.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

 

Theo kenh14.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang