Lời kể ám ảnh của nhà báo Mỹ giữa 'địa ngục' Ấn Độ: "Không khí lúc này như thể có độc, ai cũng sợ hít thở", thi thể chất chồng mỗi ngày

Xung quanh đều có người bị nhiễm bệnh, nhà báo Mỹ chỉ còn biết ngồi chờ đến lượt mình bị 'gọi tên'.

Vào ngày 27/4, Jeffrey Gettleman, một nhà báo Mỹ nổi tiếng, đang làm Trưởng văn phòng đại diện New York Times ở Ấn Độ đã chia sẻ những câu chuyện chân thực xảy ra trong cuộc sống của anh giữa "địa ngục Covid-19". Sau đây là nội dung lược trích bài viết ám ảnh và đầy xúc động của Jeffrey Gettleman: 

Ngồi chờ tới lượt bị nhiễm bệnh

Những lò hỏa táng chồng chất các thi thể cứ như vừa có một cuộc chiến tranh khốc liệt mới xảy ra. Lửa cháy suốt ngày đêm. Nhiều nơi phải tổ chức hỏa táng tập thể, hàng chục thi thể cùng một lúc. Vào ban đêm, tại một số khu vực ở New Delhi, bầu trời vẫn rực sáng ánh lửa.

Đau ốm và chết chóc ở khắp mọi nơi.

Hàng chục ngôi nhà trong xóm tôi đều có người nhiễm bệnh.

Một trong những đồng nghiệp của tôi bị ốm.

Giáo viên của con trai tôi cũng nhiễm bệnh.

Người hàng xóm cách hai căn phía bên phải đang bị ốm.

Hai nhà bên trái: Ốm.

Lời kể ám ảnh của nhà báo Mỹ giữa 'địa ngục' Ấn Độ:

Lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm ở Ấn Độ.

Một người bạn của tôi đang nằm viện nói rằng: "Tôi chẳng biết vì sao mình lại nhiễm bệnh nữa". "Chỉ thở một hơi thôi là cậu cũng sẽ…", giọng cậu ấy nhỏ dần, không thể nói hết câu vì quá mệt. Cậu ấy gần như không có lấy một giường bệnh đúng nghĩa. Và loại thuốc mà bác sĩ chỉ định cho cậu ấy thì không có ở Ấn Độ. 

Tôi đang ngồi trong nhà để chờ đến lượt bị nhiễm bệnh. Đó là cảm giác hiện tại ở New Delhi, khi mà cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất thế giới đang diễn ra xung quanh chúng tôi. Nó ở ngoài kia, tôi ở trong này và tôi cảm thấy như thể việc tôi bị bệnh chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Ấn Độ hiện đang ghi nhận nhiều ca lây nhiễm tăng lên mỗi ngày, có khi lên tới 350.000 ca, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ khi đại dịch bắt đầu và đó chỉ là con số mà người ta đưa ra trong thông báo chính thức. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng con số thực tế còn cao hơn nữa.

Căn bệnh lây lan quá nhanh, đến nỗi các bệnh viện đã hoàn toàn ngập trong biển người bị ốm Hàng nghìn người bị quay lưng. Thuốc men cạn kiệt. Oxy để thở cũng vậy. Bệnh nhân bị mắc kẹt trong những hàng dài chằng chịt người ở cổng bệnh viện hoặc ở nhà. Họ thở hổn hển, theo đúng nghĩa đen.

Lời kể ám ảnh của nhà báo Mỹ giữa 'địa ngục' Ấn Độ:

Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục mỗi ngày.

Ai cũng sợ hít thở

Các chuyên gia luôn cảnh báo rằng Covid-19 có thể tàn phá Ấn Độ triệt để. Đất nước này rộng lớn với khoảng 1,4 tỷ người, mật độ dân cư đông đúc, và ở nhiều nơi, cư dân vẫn còn rất nghèo khó.

Thực tế hiện nay rất khác so với năm ngoái khi Ấn Độ đón làn sóng Covid-19 đầu tiên. Trước kia, đó là nỗi sợ hãi về những điều chúng tôi chưa biết, giờ đây khi đã biết tổng thể căn bệnh, quy mô và tốc độ, chúng tôi biết sự đáng sợ của làn sóng thứ hai này, nó sẽ tấn công mọi người cùng một lúc.

Những gì chúng tôi lo sợ trong làn sóng đầu tiên của năm ngoái giờ đây đang diễn ra trước mắt: Sự tan vỡ, sụp đổ và nhận thức rằng rất nhiều người sẽ chết.

Không có cách nào để biết liệu tôi, vợ và hai con có nằm trong số những người mắc bệnh nhẹ và sau đó phục hồi khỏe mạnh hay không, hay chúng tôi sẽ bị kiệt quệ.

Một biến chủng mới ở đây có mang "đột biến kép" có thể gây ra rất nhiều nguy hại. Các bác sĩ cũng khá sợ hãi. Tôi đã nói chuyện với vài người và họ nói rằng mình đã tiêm vaccine hai lần nhưng vẫn bị bệnh nặng.

Lời kể ám ảnh của nhà báo Mỹ giữa 'địa ngục' Ấn Độ:

Làn sóng Covid-19 lần 2 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn rất nhiều.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Riêng tôi, tôi luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tin rằng đó là một trong những chất tăng cường hệ miễn dịch tốt nhất. Thế nhưng, trên thực tế thì tôi thấy mình lờ đờ đi lại trong nhà, nấu ăn cho bọn trẻ trong trạng thái bơ phờ, cảm giác như cả tinh thần và cơ thể tôi đều nhão ra như bột ướt.

Tôi sợ kiểm tra điện thoại vì có thể sẽ phải nhận một tin nhắn báo bạn mình bị ốm nặng, hoặc tồi tệ hơn. Tôi chắc rằng hàng triệu người cũng cảm thấy như vậy.

Tôi bắt đầu hình dung ra các triệu chứng: Hình như mình bị đau họng? Cơn đau đầu đó là sao thế nhỉ? Tình trạng của mình hôm nay có tệ hơn so với hôm qua không nhỉ?

Một phần nơi tôi sống, South Delhi, giờ đã bị phong tỏa. Giống như nhiều nơi khác, chúng tôi đã có đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào năm ngoái. Thế nhưng bây giờ, các bác sĩ ở đây đang cảnh báo chúng tôi rằng virus này dễ lây lan hơn và chúng tôi có ít cơ hội nhận được sự giúp đỡ hơn rất nhiều so với đợt trước. 

Chính vì vậy, nhiều người trong chúng tôi sợ hãi khi bước ra ngoài, như thể có độc trong không khí và ai cũng sợ hít thở.

Lời kể ám ảnh của nhà báo Mỹ giữa 'địa ngục' Ấn Độ:

Người nhiễm bệnh có ở khắp nơi tại Ấn Độ khiến người dân cũng sợ phải hít thở.

"Thảm họa tàn khốc"

Một người bạn của tôi, có quan hệ rộng rãi, đã đi hỏi khắp nơi, những người cậu ấy quen biết để giúp bạn mình, một người mắc Covid-19 rất nặng. Bạn của cậu ấy sau đó đã chết. Không ai có thể giúp anh ấy vào viện. Bệnh nhân nằm la liệt khắp nơi.

"Tôi đã thử mọi cách để kiếm cho anh ấy một chiếc giường, nhưng chúng tôi không thể. Mọi thứ đều hỗn loạn", bạn tôi cho hay, cảm xúc của cậu ấy vẫn còn nguyên.

"Đây là thảm họa. Đây là giết người".

Lời kể ám ảnh của nhà báo Mỹ giữa 'địa ngục' Ấn Độ:

Người Ấn Độ đang phải gánh chịu thảm họa tàn khốc chưa từng thấy.

Mỗi ngày, tôi đành chấp nhận rủi ro khi mạo hiểm đi ra ngoài mua thức ăn vì không có ai giao tới. Tôi đeo hẳn hai chiếc khẩu trang và cách xa những người khác hết mức có thể.

Hầu hết mỗi ngày trôi qua, gia đình 4 người chúng tôi ai cũng như héo hon từ bên trong. Chúng tôi cố gắng chơi cùng nhau, cố gắng không nói về những người vừa bị ốm, hay những người đang chạy đua với thời gian quanh thành phố này để tìm kiếm sự giúp đỡ, và họ có thể mãi mãi sẽ không tìm thấy.

Đôi khi chúng tôi chỉ ngồi yên lặng trong phòng khách, nhìn ra đám cây sung ngọt và đám cọ. Qua khung cửa sổ đang mở, vào những buổi chiều dài tĩnh lặng và nóng nực, chúng tôi chỉ có thể nghe thấy hai thứ tiếng: Tiếng xe cấp cứu và tiếng chim.

Nguồn: New York Times

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/loi-ke-am-anh-cua-nha-bao-my-giua-dia-nguc-an-do-khong-khi-luc-nay-nhu-the-co-doc-ai-cung-so-hit-tho-thi-the-chat-chong-moi-ngay-222021304165355635.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

1 thỏi vàng bao nhiêu chỉ?

(lamchame.vn) - Thỏi vàng là vàng nguyên chất (hàm lượng vàng từ 99,5% trở lên) dạng khối hoặc thanh, thường dùng cho mục đích dự trữ hoặc giao dịch tiền...

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang