Lời khuyên của chuyên gia giáo dục: Cha mẹ nên làm gì với trẻ ở nhà trong mùa dịch Corona?

Thời gian nghỉ học kéo dài bất thường nhưng không ai biết được đến khi nào gây nhiều xáo trộn trong tâm lý và cả sinh lý của trẻ em. Cha mẹ có thể làm những việc cụ thể gì để cùng con vượt qua tình trạng này?

Trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam-Phần Lan (TP.HCM): Cha mẹ nên làm gì với trẻ ở nhà trong mùa dịch Corona?

Tối thứ 6 tuần trước, khi thông báo nghỉ học thêm hai tuần của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố được công bố rộng rãi, một chị bạn có con học lớp 2 nhắn cho tôi: "Con gái chị òa khóc nức nở khi biết tuần tới vẫn chưa được đi học".

Một phụ huynh người nước ngoài gửi email đến tất cả phụ huynh trong lớp và nhà trường, kể con gái cô (lớp 3) đang vô cùng buồn bã vì không được gặp thầy cô và bạn bè. Người mẹ này không tới nỗi giữ rịt con ở nhà nhưng cô vẫn không thể bù đắp được việc con gái đang nhớ bạn, nhớ thầy cô và trường học.

Sáng thứ 7, tôi về quê thăm gia đình. Đứa cháu trai lớp 7 và đứa cháu gái lớp 4 không ngừng rên rỉ: "Chán quá, chán quá, con muốn đi học lại".

Dịch do virus Corona gây ra không chỉ là cơn ác mộng với người lớn, mà cả với trẻ em - những người chưa thể hiểu chính xác virus là gì. Một kỳ nghỉ dài, bất ngờ và bất thường với tràn ngập sự lo lắng của cha mẹ, cộng đồng đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của trẻ. Trên góc độ giáo dục, liệu có giải pháp nào giảm thiểu sự ảnh hưởng này?

Lời khuyên của chuyên gia giáo dục: Cha mẹ nên làm gì với trẻ ở nhà trong mùa dịch Corona? - Ảnh 1.

Nghỉ phòng dịch khiến trẻ dễ bị "cuồng chân tay" vì không được ra ngoài chơi. (Ảnh minh họa)

Những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ trong kỳ nghỉ dài ngày

Ngay tuần nghỉ đầu tiên, trường của tôi áp dụng ngay dạy học online. Việc sử dụng Google Classroom và Google Hangouts (lớp học ảo trên nền Google) cho phép giáo viên kiểm tra được học sinh nào đã vào lớp. Nhà trường phát hiện ra rất nhiều học sinh không tham gia vì… ngủ dậy muộn dù giờ gặp mặt qua mạng của giáo viên là 9h sáng.

Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên của kỳ nghỉ dài, khi phụ huynh không nghiêm khắc giám sát là việc thay đổi thói quen sinh hoạt đúng giờ, đặc biệt là giờ ngủ của trẻ.

Việc ngủ trễ, ngủ không đủ ảnh hưởng trực tiếp đến độ tỉnh táo và tốc độ xử lý thông tin trong não bộ của trẻ, dễ khiến trẻ uể oải và vật vờ trong ngày.

Nhiều người cho rằng đây là một kỳ nghỉ hè sớm cho trẻ. Điều này không thỏa đáng.Trong kỳ nghỉ hè thông thường, trẻ được giải phóng khỏi việc học theo lịch trình với hàm lượng học thuật cao nhưng vẫn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi thỏa thích. Còn trong thời gian dịch, trẻ hầu như được giữ trong nhà với cha mẹ, ông bà hoặc người giúp việc. Trẻ sống ở chung cư cao cấp thì may mắn có không gian vui chơi ngoài trời, vài gia đình "can đảm" có thể mang con ra đạp xe, chơi xích đu. Còn lại, gần như hơn hai tuần qua, trẻ chỉ ở trong nhà. Trẻ đối diện với nguy cơ thiếu hụt hoạt động thể chất. Một số trẻ chỉ ăn, ngủ và quanh quẩn trong nhà xem TV, thiết bị điện tử thì tăng cân rõ rệt.

Nói cách khác, ảnh hưởng tiêu cực thứ hai là sự phát triển thể chất thiếu cân đối khiến năng lực vận động thô lẫn sức khỏe nói chung của trẻ có thể giảm sút.

Cũng từ việc trẻ hầu như được cách ly tại nhà với hoạt động đa phần là tĩnh trong khi sở thích phần lớn của trẻ mầm non, tiểu học là vận động nên trẻ dễ "cuồng chân, cuồng tay". Tối qua, tôi gọi video cho người em ngoài Hà Nội, hơn 9h tối mà con trai hơn 2 tuổi của cậu vẫn không ngừng nhào lộn trên giường vì năng lượng chưa giải phóng hết.

Các vấn đề về hành vi của trẻ trong gia đình bắt đầu phát sinh khiến phụ huynh đau đầu hơn như chạy nhảy, la hét, đá bóng trong nhà và làm trái yêu cầu người lớn, dễ khóc lóc và ăn vạ.

Việc thiếu hụt hoạt động phù hợp với lứa tuổi, hạn chế giao tiếp xã hội với bạn đồng tuổi làm nảy sinh các vấn đề cảm xúc mà nếu tiếp tục kéo dài, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người lớn trong gia đình không thể thay thế được bạn cùng độ tuổi với trẻ. Do đó, kỳ nghỉ dài trong nhà khiến trẻ có thể thấy buồn bã và đơn độc.

Chưa kể, việc cha mẹ cũng đang rất căng thẳng trong những ngày gần đây vì vừa phải đi làm, vừa phải lo lắng chăm sóc và bảo vệ con khiến bầu không khí trong gia đình có thể thiếu tích cực và sự ấm áp, các cơn giận dữ vô cớ dễ bùng nổ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của trẻ.

Lời khuyên của chuyên gia giáo dục: Cha mẹ nên làm gì với trẻ ở nhà trong mùa dịch Corona? - Ảnh 3.

Khi ở bên con, cha mẹ nên gác lại công việc, tập trung tâm trí để chơi và học cùng con.

Cha mẹ nên làm gì?

Xin đưa ra một số lời khuyên mà cha mẹ có thể cân nhắc để áp dụng với con để cùng con đi qua mùa dịch Corona mà ảnh hưởng tiêu cực của nó trên trẻ ở mức tối thiểu.

1. Duy trì lịch sinh hoạt ổn định, tương đương với thời gian trẻ phải đi học ở trường, đặc biệt là giờ ăn và giờ ngủ. Cha mẹ luôn nhớ rằng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não và năng lực học tập của trẻ, cũng như hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể trẻ.

2. Dành thời gian cho con nhiều nhất có thể. 

Hiện nhiều tổ chức, cơ quan đã tạo điều kiện cho cha mẹ có con nhỏ được có thời gian làm việc linh hoạt hơn để đảm bảo việc trông giữ con ở nhà trong khi trường học đóng cửa. 

Khi ở bên con, cha mẹ nên gác lại công việc, tập trung tâm trí để chơi và học cùng con. Xin lưu ý, thời gian chất lượng thì quan trọng hơn số lượng. Do đó, dù chỉ dành 1-2 giờ mỗi ngày cho con thì thời gian đó nhất định phải toàn tâm toàn ý cho con. Sự quan tâm, bầu không khí yêu thương, ấm áp có thể xoa dịu các cảm xúc tiêu cực đang tích luỹ mỗi ngày ở trẻ.

3. Cùng con xây dựng lịch trình trong ngày và động viên, hướng dẫn con cam kết thực hiện.

Lịch trình những ngày này nên bao gồm giờ thức giấc, giờ ăn, giờ ngủ, giờ vận động cơ thể và giờ học (ôn tập bài cũ hoặc học bài mới nếu trường cung cấp chương trình online), tránh việc con ngồi triền miên trước máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác.

Lời khuyên của chuyên gia giáo dục: Cha mẹ nên làm gì với trẻ ở nhà trong mùa dịch Corona? - Ảnh 4.
 

4. Can đảm dắt con ra ngoài sân chơi, nơi công cộng như nhà sách, công viên sau khi hướng dẫn con đầy đủ các biện pháp an toàn như mang khẩu trang, không sờ tay lên mắt, mũi, miệng, khẩu trang, rửa tay ngay khi về nhà, giữ khoảng cách nhất định khi giao tiếp với người khác.

Dịch bệnh đến nằm ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Việc sợ hãi, căng thẳng không làm tình hình tốt hơn và có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ, nhất là khi chúng ta không biết tình trạng đóng cửa trường học và hạn chế hoạt động sẽ kéo dài bao lâu. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm đó là thay đổi một số hoạt động cùng con để thích ứng với giai đoạn này.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Tiến sĩ giáo dục học, Phó hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (TP. HCM)

Link bài gốc

 
 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang