Các nước Bắc Âu có hẳn một danh từ riêng để gọi tên phong cách sống của mình: Hygge (phát âm là hoo-ga). Trong ngôn ngữ các đất nước này, 'hygge' được mô tả với nghĩa ‘cảm giác ấm áp và thỏa mãn’, hay ‘tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống cùng với những người tốt xung quanh bạn’.
Đối với y học, hygge cũng được chứng minh là tăng cường sức khỏe và giúp cuộc sống con người thêm hạnh phúc. Còn đối với mỗi người dân Bắc Âu, khi nhắc tới hygge, họ nhớ tới một triết lý, một đức tin cao đẹp mà họ vẫn đang áp dụng hàng ngày.
Vậy, là không sai khi nói phong cách sống “hygge” chính là bí quyết giúp người Bắc Âu trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới. Dưới đây là những bí quyết sẽ giúp cuộc sống của bạn có thêm nhiều màu "hygge", giống như những người Bắc Âu.
1. Hòa mình vào thiên nhiên là điều đầu tiên
Cuốn sách của Signe Johansen mang tên “Phương pháp sống hygge” viết rằng, tình yêu thiên nhiên của người Bắc Âu là chìa khóa để sống hygge. Cuốn sách nhấn mạnh rằng ‘ngoài trời là nơi hoàn hảo để tập vận động, trải nghiệm'
Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người tập thể dục ngoài trời nhiều sẽ có xu hướng tuân thủ theo lịch trình tập luyện nhất quán hơn. Ngay cả đi bộ ngoài trời so với đi bộ trên máy chạy bộ tự động thì lượng calo bị đốt cháy cũng nhiều hơn đến 10%.
Vậy, 'hòa mình vào thiên nhiên' chính là chìa khóa đầu tiên.
2. Thú vui để thanh lọc đầu óc rất quan trọng
Săn bắn là một trò tiêu khiển phổ biến ở Bắc Âu: bạn phải chờ đợi cả ngày khi ngồi một mình trong rừng mà không hề nhìn thấy một con vật nào, trong khi vẫn phải tập trung. Đây là một phong cách rất hygge: cảm giác thoải mái, hòa mình vào tự nhiên nhưng vẫn giữ được sự tập trung.
Tất nhiên, bạn có thể chọn những môn khác, chứ không chỉ riêng săn bắn. Đó có thể là câu cá, hoặc đi bộ leo núi chẳng hạn.
3. Luyện tập thể thao: Đừng thấy khó, khổ, hãy coi đó là niềm vui
Phong cách sống hygge xem việc luyện tập thân thể, tập thể dục là một việc thú vị, chứ không phải là một cực hình, hay việc vặt vãnh, buồn tẻ.
Tác giả cuốn “Phương pháp để sống hygge” chỉ ra rằng hygge coi thể thao, tương tự như hoạt động nhóm, giống như niềm vui. Tác giả cho biết rằng theo nhiều nghiên cứu gần đây thì một lối sống ít vận động sẽ gia tăng rất nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta, như béo phì hay nghiện hút thuốc.
Và kết quả của một quan niệm tập luyện rất 'hygge' này: Đàn ông Thụy Điển có tuổi thọ trung bình là 80,7, đứng vị trí thứ tư thế giới, trong khi phụ nữ Thụy Điển có tuổi thọ trung bình tới 84.
4. Đừng coi thường bữa cơm gia đình
Ăn cùng gia đình chính là ăn theo phong cách hygge. Đó là khi “mối quan hệ thân thích được tạo ra". Điều này thực sự quan trọng, và người Bắc Âu thường cố gắng hết mình để có những bữa tối với gia đình mỗi ngày trong tuần chứ không chỉ là vào ngày chủ nhật.
Thống kê cho thấy chỉ 1% người lao động ở Thụy Điển làm thêm giờ. Họ dành hết thời gian sau giờ làm việc dành cho gia đình. Trong gia đình, người chồng sẽ sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con. Điều đầu tiên sau khi tan làm trở về nhà mà họ làm là trò chuyện, vui đùa, nấu ăn cùng vợ, con mình.
Thế nhưng, năng suất của người Bắc Âu thì vẫn thuộc top đầu trên thế giới, theo như chỉ số Better Life của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)...
5. Xả stress bằng cà phê, ngồi quán xá với bạn bè
Thụy Điển là nước tiêu thụ lượng cà phê lớn nhất thế giới, tiếp theo là Phần Lan. Truyền thống hàng ngày của các nước này chính là: hãy ngồi xuống nghỉ ngơi, thưởng thức đồ uống nóng thường đi kèm với bánh ngọt hoặc bánh quế để xả stress.
Bà Johansen ca ngợi truyền thống này như là ‘bản chất của hygge’. Bà gọi đây là ‘một ví dụ điển hình của việc cân bằng, triết học Bắc Âu của cuộc sống’. Như kết quả, một cuộc khảo sát năm 2010 tại 36 quốc gia cho thấy: người Thụy Điển, tiếp đến là Đan Mạch và Phần Lan là những người ít stress nhất.
6. Hãy cứ ăn những gì mình thích…
Tinh thần ‘hygge’ nghĩa là tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà không cảm thấy tội lỗi, bao gồm cả việc thỏa mái ăn những thực phẩm làm bạn cảm thấy hạnh phúc: thịt xông khói, bia, bánh quế...
Không cấm trẻ ăn kẹo, người Bắc Âu có truyền thống “lordagsgodis” – “Kẹo hôm thứ 7”: cho phép trẻ em có một túi nhỏ kẹo tự chọn mỗi tuần một lần. Truyền thống này ăn sâu vào mỗi người Bắc Âu từ khi thơ ấu, kèm theo một triết lý: nếu bạn đối xử tốt với bản thân vào ngày thứ 7, thì sự dư dả sẽ theo bạn trong suốt cả tuần.
Mặc dù vậy, tỷ lệ người Thụy Điển béo phì chỉ là 14%. Trong số 34 nước OECD, các quốc gia vùng Scandinavia lần lượt chỉ đứng thứ 23 (Na Uy), 25 (Thụy Điển) và 26 (Đan Mạch).
7…. Nhưng vẫn phải điều độ
Điều trên không có nghĩa là người Bắc Âu ăn uống thiếu khoa học. Sự thật là “chế độ ăn uống Bắc Âu” vẫn rất thịnh hành trước khi hygge phổ biến khắp các quốc gia.
Cụ thể, chế độ này dựa trên các sản phẩm ẩm thực chủ yếu ở vùng Scandinavia. Đó là các loại ngũ cốc nguyên hạt như Ryvita, bánh Crispbread phong cách Ryvita, ăn cá 3 lần một tuần, rễ rau, hoa quả, nước có nguồn gốc từ trái cây như táo, mận và tránh các loại thức ăn có đường. Thực đơn này theo khoa học là đã giảm đáng kể lượng cholesterol.
8. Hát hò trong bữa ăn - sự lạc quan bình dị mà đáng quý
Trong bữa ăn tối, tất cả mọi người xung quanh bàn sẽ nâng những cốc rượu aquavit (một tinh dầu thực vật Bắc Âu, tương tự như rượu Gin, nhưng tốt hơn) và bắt đầu lớn tiếng hát bài hát ‘snapsvisa’ – một bài hát uống rượu.
Bà Johansen chỉ ra trong cuốn ‘phương pháp sống Hygge’ rằng, tinh thần lạc quan luôn tồn tại trong hygge và trong văn hóa Bắc Âu. Đối với người Scandis, uống rượu aquavit mà không ca hát sẽ giống như ăn thịt mà không có nước sốt.
Một nghiên cứu năm 2013 của các nhà khoa học tại Đại học Gothenburg cho thấy, đồng thanh hát có những lợi ích tương tự như yoga. Các nhà nghiên cứu thì phát hiện rằng nhịp tim và hơi thở của người hát hợp xướng sẽ được đồng bộ hóa, giúp phổi và tim khỏe mạnh.
Vậy, nhìn trên khía cạnh này thì rõ ràng người Bắc Âu đang làm những điều đơn giản nhưng đầy khoa học. Cuộc sống cứ thảnh thơi và chất lượng, họ nghiễm nhiên trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.