Lũ chưa qua bão số 9 lại chuẩn bị kéo vào, ngậm ngùi nỗi lòng người Quảng Bình: "Không còn chi để mà giữ nữa"

Nước lũ rút vừa hết, khi còn đang lo đói, lo dọn dẹp lại nhà cửa người dân Quảng Bình lại chuẩn bị đón liên tiếp hai cơn bão chuẩn bị đổ bộ vào. Thấy vậy có người ngậm ngùi: 'Không còn chi để mà giữ nữa'.

Tại huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình những ngày qua sau khi nước lũ rút cũng là lúc người dân bận rộn với công việc dọn dẹp lại nhà cửa, đem xe máy cùng các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đi sửa chữa với mong muốn vớt vát được một ít tài sản trong cơn đại hồng thủy vừa qua.

Nỗi lòng người dân Quảng Bình khi nghe tin bão vào:

Huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình những ngày qua sau khi nước lũ rút cũng là lúc người dân bận rộn với công việc dọn dẹp lại nhà cửa. Chỉ còn một số thôn nước vẫn ngập tới đầu gối.

Còn đang trong cơn khủng khoảng, người dân nơi đây lại phải tiếp tục hứng chịu thiên tai khi hai cơn bão liên tiếp đang hình thành trên biển hướng về miền Trung những ngày sắp tới.

Nghe tin bão, một số gia đình vừa đi nhận đồ cứu trợ vừa vội vã về nhà dọn dẹp, chuẩn bị tránh bão.

"Chiếc xe máy này đã có 3 ngày ngâm trong nước lũ, đây là thứ đã theo tôi đi làm hơn 7 năm qua, lần này đi sửa rất ít hy vọng xe có thể hoạt động lại được, ngâm trong nước lâu thế này người cũng chết chứ nói gì đến xe.

Lũ lụt năm nay đáng sợ thật, cũng may thời điểm lũ dâng, tôi đã kịp thu dọn những giấy tờ quan trọng, đưa vợ con sang trú bên nhà nội. Nhìn nhiều vật dụng trong nhà cứ trôi lềnh bềnh trong lũ thì xót thật, nhưng giữ được người là yên tâm rồi, tài sản sau này có thể làm lại được", anh Nguyễn Văn Tấn người dân xã An Thuỷ cho biết.

Nỗi lòng người dân Quảng Bình khi nghe tin bão vào:
 

Chị Lê Thị Lệ Thuỷ (34 tuổi), thôn Thạch Bàn, xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình cho biết sau khi nước bắt đầu rút lại nghe tin có bão gia đình chị đã nhanh chóng mua bao nilon để bảo vệ mái tôn khỏi bị tốc mái.

"Nhà tôi nhà kiên cố nên chỉ lo phần mái tôn. Sau khi nghe tin bão gia đình tôi chuẩn bị mua bao nilong từ mấy ngày trước để khi có bão vào thì bơm nước vào đó để bảo vệ mái tôn khỏi bị tốc mái.

Mấy ngày lũ vừa rồi nhà tôi cao nên cũng cho hơn 20 bà con ở nhờ để tránh lũ. Mấy ngày đó nấu cơm ăn chung cảm thấy vui lắm. Đợt này chuẩn bị có bão tôi mua thêm hai bao gạo, để nếu nước lũ dâng cao còn nấu cơm cho hàng xóm đến trú nhờ ăn", chị Thuỷ cho biết.

Nỗi lòng người dân Quảng Bình khi nghe tin bão vào:

Gia đình ông Nguyễn Văn Nồng (78 tuổi, xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) tan hoang sau trận lũ lịch sử.

Ngôi nhà ông Phạm Hải Vui sau trận lũ bị sóng vỗ làm sập một vách tường sau và bị bay mái ngói trước, ông cho biết giờ có bão vào ông cũng đành kệ.

"Không còn chi để mà giữ nữa, thả tay thôi. Đồ đạc trong nhà hư hỏng hết rồi, quần áo, chăn màn giăng mắc khắp nhà. Tôi hong cho mau khô để bão vào, vợ chồng còn đưa con dâu, cháu nội di tản đến xin trú nhờ nhà kiên cố trong thôn", ông Vui cho biết.

Liên quan đến công tác phòng, chống bão lũ sắp tới, chiều 25/10 ông Đặng Đại Tình, chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình cho biết địa phương đang song song thực hiện hai nhiệm vụ vừa gấp rút khắc phục hậu quả sau lũ và chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão sắp tới.

"Chính quyền đã huy động toàn bộ các đơn vị cùng chung tay với người dân khắc phục hậu quả nặng nề sau lũ. Ưu tiên số 1 là bảo đảm tính mạng cho người dân do đó chúng tôi đã ra công điện chỉ đạo các xã vận động di rời người dân ở những nơi nguy hiểm, những nhà bị sập, những nhà có nguy cơ bị sập tới khu vực an toàn hơn.

Nỗi lòng người dân Quảng Bình khi nghe tin bão vào:

Một số hộ dân đã bắt tay vào gia cố nhà cửa khi nghe tin bão sắp đổ bộ vào.

Những nơi có nguy cơ sạt lở chúng tôi đã thực hiện di rời các hộ dân tới nơi an toàn, kêu gọi 1000 tàu thuyền trên địa bàn huyện neo đậu ở nơi an toàn, không để tàu thuyền nào ra khơi. Tuyên truyền bà con vừa khắc phục hậu quả của đợt lũ lụt vừa chằng, chống nhà cửa.

Đối với các đơn vị trường học những nơi có nguy cơ bị sập thì chưa cho học sinh đến trường cho đến khi chúng tôi kiểm tra mức độ an toàn tuyệt đối khi đó mới cho các em đến trường", ông Tình cho biết. 

Theo thông tin từ TTKTTVQG, vào hồi 10 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Đến 10 giờ ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Lào-Thái Lan.

Do ảnh hưởng của bão số 8, từ chiều tối và đêm nay, các tỉnh từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm.

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/lu-chua-qua-bao-so-9-lai-chuan-bi-keo-vao-ngam-ngui-noi-long-nguoi-quang-binh-khong-con-chi-de-ma-giu-nua-162202510190108421.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang