Luật sư: "Rạng Đông cố tình gian dối là không thể chấp nhận, cần sớm khởi tố vụ án hình sự"

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, nhà máy Rạng Đông đặt trong khu vực đông dân cư nên việc Công ty cố tình bưng bít, đưa ra thông tin gian dối về vụ việc là điều không thể chấp nhận được, cần sớm khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ trách nhiệm pháp nhân, các cá nhân liên quan.

Ngày 6/9 - gần 10 ngày sau sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua kiểm tra thực tế ngày 31/8 và quá trình đấu tranh với doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam). Lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường dự tính là 15,1kg đến 27,2kg.

Thế nhưng trước đó, Rạng Đông thông tin, "công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016".  Như vậy, Rạng Đông đã gian dối trong việc thông báo thủy ngân đã phát tán trong môi trường, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh hiện trường. 

Trước lo ngại của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất, không khí, nước, trầm tích đáy và tàn dư tro xỉ sau sự cố để đánh giá dư lượng hóa chất còn lại trong các thành phần môi trường để đề xuất các biện pháp xử lý.

Luật sư: Rạng Đông cố tình gian dối là không thể chấp nhận, cần sớm khởi tố vụ án hình sự - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy kho công ty Rạng Đông sáng 29/8.

Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, sự cố cháy nổ xảy ra tại Công ty Rạng Đông vừa qua gây hậu quả rất lớn, không chỉ đối với công ty mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh. 

Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong vụ việc này, cần làm rõ nguyên nhân - hậu quả. Theo đó, trường hợp vụ cháy được xác định do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. 

Luật sư: Rạng Đông cố tình gian dối là không thể chấp nhận, cần sớm khởi tố vụ án hình sự - Ảnh 2.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội - Đoàn luật sư Thành Phố Hà Nội.

Ngoài trường hợp này, hậu quả của vụ cháy gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo nguyên tắc tại Điều 585 Bộ luật này. Công ty có trách nhiệm bồi thường khi tài sản bị hư hỏng, đồng thời, phải bồi thường về sức khỏe cho người dân bị thiệt hại do vụ cháy. 

Về mặt trách nhiệm hình sự, khi cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh Công ty Rạng Đông vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ từ 61 % trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản trên 1.000.000.000 đồng thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường" theo Điều 237 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hình phạt cao nhất có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân. 

Luật sư: Rạng Đông cố tình gian dối là không thể chấp nhận, cần sớm khởi tố vụ án hình sự - Ảnh 3.

Chiều ngày 5/9, Bộ Tư lệnh Hóa học đã cử lực lượng chuyên trách xuống hiện trường lấy mẫu về phân tích nồng độ ô nhiễm hóa chất do cháy nhà kho của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Ảnh: Binh chủng Hóa học.

Trong trường hợp có căn cứ xác định về việc hỏa hoạn ở Rạng Đông do lỗi trong việc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án, tiếp tục điều tra xác minh làm rõ vai trò trách nhiệm của cá nhân để khởi tố bị can và xử lý theo quy định pháp luật. 

Trao đổi thêm, Luật sư Tiền cho rằng, môi trường hiện đang là vấn đề rất nóng, môi trường tại đô thị lại càng nóng hơn. Đặc biệt, nhà máy Rạng Đông đặt trong khu vực đông dân cư nên việc Công ty cố tình bưng bít, đưa ra thông tin gian dối về vụ việc là điều không thể chấp nhận được, cần sớm khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ trách nhiệm công ty, các cá nhân có liên quan. 

"Với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, được dư luận chú ý như vậy, việc cơ quan điều tra vào cuộc có tính chất mạnh mẽ, nghiêm minh, giúp sớm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc và bồi thường thiệt hại cho người dân" - luật sư Tiền nói. 

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Tổng cục môi trường nhận định khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Rạng Đông cần thực hiện các biện pháp như: phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở… Đối với người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ; đối với người người dân trong bán kính từ 200 m – 500 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.

 

Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường

1.207 Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;

b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000. 000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại 7.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000. 000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

 

 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang