Những năm gần đây, chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo dần được cải thiện, thế nhưng nếu so sánh với mặt bằng của nhiều ngành nghề khác, thì lương nhà giáo vẫn ở mức thấp. Thực tế, nhiều giáo viên phải làm thêm để có thể… nuôi nghề.
Lương quá thấp, không làm thêm không đủ sống
Sau những giờ dạy trên bục giảng, mỗi thầy cô đều phải đối mặt với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhiều giáo viên phải lựa chọn nhiều công việc làm thêm.
Cô Nguyễn Thị Hương, một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cho biết, 22 năm qua là giáo viên hợp đồng, đến giờ mức lương của cô nhận được cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống, ngoài việc dạy chuyên môn, cô Hương lại trở về làm thêm công việc may quần áo với chồng ở nhà để có thêm thu nhập.
Cô Hương chia sẻ, trong 22 năm đi dạy nhưng đời cô chưa có may mắn được thành giáo viên chính thức: “Tôi đã từng rất buồn khi cầm lương giáo viên hơn 120 nghìn từ ngày đầu ra trường. Hiện mức lương lên đến hơn 4 triệu như bây giờ thì vẫn không đủ để chi tiêu trong gia đình. Việc làm giáo viên hợp đồng bấp bênh khiến tôi luôn chán. Nhưng bỏ nghề dạy thì phải làm gì?”- cô Hương băn khoăn.
Cô Nguyễn Thị Dương (Phú Xuyên, Hà Nội) là một giáo viên có 10 năm trong nghề. Cô Dương chia sẻ, khi tốt nghiệp THPT, với mơ ước được đứng trên bục giảng cùng với lòng yêu trẻ, ngày đầu ra trường, được làm giáo viên bậc THCS. Nhưng vài năm trôi qua không có chỉ tiêu vào dạy bậc này, cô đành chấp nhận trở thành giáo viên tiểu học. Mức lương nhận được thời điểm đó cũng chỉ tương đương với bằng Trung cấp.
Đến giờ khi cộng cả tiền lương, tính cả phụ cấp sau hơn 10 năm đi làm, hiện tại lương của cô giáo Nguyễn Thị Dương cũng chỉ được 6 triệu đồng/tháng.
“Với mức lương này, nếu không xoay xở thêm công việc khác sẽ rất khó để đảm bảo cuộc sống. Sau giờ dạy, tôi vừa đi bán hàng thuê ở một cửa hàng gần nhà, có khi đi xuống xưởng may làm thêm, miễn là có thêm vài triệu thu nhập để nuôi con.
Một hiệu trưởng của trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, nếu giáo viên chỉ dựa vào đồng lương quả thực sẽ rất chật vật. Để duy trì cuộc sống, nhiều thầy cô phải tìm cách tăng thu nhập thông qua dạy thêm tại nhà, tại trung tâm, thậm chí làm trái nghề là đi bán hàng online, nhận thêm việc làm thêm ở nhà,…
“Thực tế, hiện nay mức lương của nhà giáo cũng giống như bao công chức, viên chức khác, muốn tăng lên cũng đâu có dễ. Câu chuyện tăng lương cho giáo viên bao năm qua xới đi xới lại nhưng vẫn chưa có sự thay đổi nhiều”- vị hiệu trưởng này nói.
Dạy thêm: Vì đâu nên nỗi?
Trao đổi về vấn đề giáo viên dạy thêm, bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, mặt bằng lương giáo viên ở mình thấp nhưng có một số vị trí không bị thấp.
Theo bà Hương, thực tế lương giáo viên tiểu học có cao trong mặt bằng chung so với lương giáo viên ở các cấp học khác. Thấp nhất là lương giáo viên mầm non, tiếp đến là giáo viên hệ trung học phổ thông.
“Ngoài lương giáo viên tiểu học còn có tiền dạy buổi chiều, tiền trông trưa nhưng lương giáo viên mầm non thì thấp hơn. Nhiều giáo viên mầm non mới ra trường giờ thu nhập 5 triệu đã phải hài lòng rồi”- bà Hương nêu quan điểm.
Bà Hương cho rằng, giáo viên hệ tiểu học, mầm non rất vất vả nhưng lương lại thấp. Vì thế, cần đẩy lương giáo viên mầm non công lập lên cao gấp 3-4 lần như bây giờ.
“Đi đôi với lương tăng thì cũng cần yêu cầu tay nghề của giáo viên tăng lên. Họ cần trau dồi về giáo dục học và kĩ năng nghề. Có thực tế giáo viên mầm non các trường tư thục trả lên đến mức 20-30 triệu đồng/tháng nhưng làm việc căng thẳng”- bà Hương nhấn mạnh.
Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, vấn đề học thêm lại một lần nữa được đưa ra bàn luận sôi nổi trên nghị trường.Vì đâu giáo viên phải dạy thêm?
Có ý kiến cho rằng cần cấm học thêm, nhưng cũng có đại biểu nêu quan điểm cần nhìn nhận gốc rễ căn nguyên vấn đề.
"Có đại biểu ví von tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà y tế không cấm bác sĩ làm thêm ở ngoài. Vậy tôi đặt vấn đề lại là tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được. Tôi cảm giác là khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn rõ được căn nguyên câu chuyện", một đại biểu quốc hội nói.
Cũng theo một đại biểu quốc hội bày tỏ, vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng là lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. Qua hai năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng cần cứu trợ.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích, trước đây, Bộ GD&ĐT có thông tư quy định việc dạy thêm và học thêm, nhưng nếu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì mới điều tiết được. Năm 2016, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên nhiều điều trong thông tư không còn hiệu lực.
Bộ Giáo dục đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "Còn nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh, bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt thì đây là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cần phải cấm. Dạy trực tuyến đã căng thẳng, nếu giáo viên dạy thêm theo cách này thì mới là điều cần lên án", Bộ trưởng Sơn nói.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.
Trả lời báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đang nghiên cứu sửa các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo hướng có lợi nhất cho giáo viên.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.