1. Nguyên nhân gây bệnh cảm mạo
Mỗi chúng ta chắc chắn ai cũng đã từng mắc cảm mạo một vài lần trong cuộc đời. Triệu chứng của cảm mạo giống như triệu chứng của bệnh cúm trong Tây y.
Nước ta là nước nhiệt đới gió mùa ẩm nên chúng ta chịu các trận gió mùa nhiều hơn các nước khác trong khu vực nên người Việt Nam dễ bị cảm mạo. Hơn nữa bờ biển kéo dài dọc đất nước khiến việc bị bệnh dễ xảy ra hơn.
Hắt hơi, sổ mũi là triệu chứng thường gặp khi bị cảm mạo.
Theo y học cổ truyền, chứng cảm mạo là do ngoại tà xâm nhập bao gồm các loại như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Nhân khi cơ thể suy yếu thì các tà khí này thừa cơ xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể.
Tính chất bệnh nặng nhẹ tùy thuộc vào mỗi người, có người rất nặng, có người chỉ bị sơ sơ rồi khỏi.
2. Những điểm cần lưu ý khi chữa cảm mạo
Dân gian thường dùng các bài thuốc lá nam đun uống hoặc xông để trị bệnh. Điều này rất tốt và nhanh khỏi. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại lá cũng cần phải đúng vì nếu không sẽ gây tác dụng không tốt cho người bệnh.
Theo y học cổ truyền các loại tà khí sau khi xâm nhập vào cơ thể người thông thường đi qua các kinh lạc, mạch lạc từ nông vào sâu, và truyền kinh theo vòng tuần hành kinh lạc khí huyết. Vì vậy việc điều trị cảm mạo bằng các bài thuốc cũng dựa vào yếu tố này, vào các chứng trạng hiện tại của bệnh nhân mà tùy ứng đối dược.
Thuốc xông thực sự chỉ có tác dụng và tốt khi bệnh còn ở biểu (da), nếu bệnh đã vào vùng giữa bán biểu, bán lý thì phải dùng thuốc để hòa giải nó… Do đó mặc dù phương pháp xông chữa cảm mạo rất tốt, nhưng chỉ phù hợp đối với các chứng cảm mạo khi bệnh còn ở biểu, mới chớm bị.
Còn khi bệnh đã vào sâu bên trong cơ thể, không còn ở ngoài biểu thì phương pháp xông chữa cảm mạo lúc này không còn tác dụng, thậm chí nếu cứ lạm dụng xông còn có thể khiến bệnh cảm mạo nặng lên.
Bệnh khi vào bán biểu, bán lý mà lại sử dụng các bài thuốc xông cho thoát tà ra ngoài thì không những cơ thể không đẩy được tà ra ngoài mà còn làm cho nó nặng lên, tà khí chạy vào sâu bên trong gây ảnh hưởng tới các tạng phủ.
Hơn nữa quá trình xông làm cho cơ thể mất tân dịch và mất khí huyết khiến người bệnh càng yếu mỏi.
Do vậy khi bệnh còn đang ở ngoài cơ biểu thì xông và uống phát tán bệnh sẽ lui rất nhanh như đang dập cháy rừng mà gặp mưa rào. Nhưng khi bệnh đã vào sâu bên trong cơ thể thì lại không nên áp dụng phương pháp chữa trị này nữa.
Ngoài ra, dùng thuốc trị cảm mạo cũng cần có thời gian nhất định, không sử dụng kéo dài, không sử dụng khi bệnh đã di chuyển kinh. Do đó, người bệnh cần có sự thăm khám của bác sĩ y học cổ truyền trước khi sử dụng thuốc trị cảm mạo.
Khi bị cảm mạo cần điều trị sớm và sử dụng đúng các phương pháp trị bệnh, không dùng lâu dài, không sử dụng tùy tiện, không nên áp dụng các phương pháp trị cảm mạo dân gian khi không biết rõ bệnh tình của mình.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.