Tháng 9 năm ngoái, một vụ cướp nhà băng vô cùng kì cục đã xảy ra tại thành phố Kansas, Missouri, Mỹ. Thủ phạm là một ông lão 71 tuổi tên Lawrence Ripple, ông đến ngân hàng và đưa cho nhân viên giao dịch tại đó một mảnh giấy ghi lời đe dọa: “Tôi có súng, hãy đưa tôi tiền!”. Đáng kinh ngạc hơn là sau khi cướp được gần 3000 đô la Mỹ, ông lão này không hề có một chút nao núng bỏ chạy mà lại ngồi điềm tĩnh ngay tại sảnh ngân hàng để đợi cảnh sát tới bắt.
Khi cảnh sát bao vây, ông đã dõng dạc tuyên bố với cảnh sát: “Tôi chính là người mà các anh đang tìm”. Trong lời khai của mình sau đó, Lawrence khai nhận trước khi đi cướp đã viết tờ giấy hăm dọa này ngay trước mặt vợ và nói: "Thà đi ở tù còn đỡ hơn phải sống ở nhà!"
Quan tòa đã khá nhức đầu với trường hợp của Lawrence. Được biết, trước vụ cướp ngân hàng, ông ấy là một công dân rất tuân thủ pháp luật, không hề có bất cứ tiền án tiền sự nào, cuộc hôn nhân của ông cũng rất yên bình, ông là người bố mẫu mực với 4 đứa con riêng của vợ. Từ sau khi trải qua 4 cuộc phẫu thuật tim vào năm 2015, ông bắt đầu có những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên căn bệnh trầm cảm của ông không được chẩn đoán cũng như không có nhiều biểu hiện rõ rệt nên ông đã không đi khám bác sĩ.
Lawrence và vợ từng rất mặn nồng trước biến cố phẫu thuật tim (Ảnh: Internet)
Luật sư bào chữa cho Lawrence cho rằng hành động đi cướp của ông chính là một lời cầu cứu. Sau khi bị bắt và được điều trị tâm lý, Lawrence đã lấy lại trạng thái cân bằng, nhận thức được hành vi của mình là hoàn toàn sai trái. Với tội danh cướp ngân hàng, Lawrence phải đối mặt với mức án lên đến 37 tháng tù giam. Luật sư bào chữa và cả công tố viên đều hy vọng thẩm phán có thể khoan dung cho trường hợp của Lawrence. Thậm chí giám đốc và nhân viên giao dịch ngân hàng bị cướp cũng đề nghị miễn tội cho ông ấy.
Cuối cùng, Tòa án quận Hoa Kỳ kết án Lawrence 6 tháng tù và 3 năm quản chế với 50 giờ phục vụ công ích. Đồng thời ông cũng phải trả cho ngân hàng 227,27 USD tiền bồi thường thiệt hại, tượng trưng cho số giờ làm mà các nhân viên phải nghỉ do vụ cướp, và 100 USD tiền quỹ dành cho các nạn nhân.
Lawrence và gia đình cũng đã công khai xin lỗi ngân hàng và đặc biệt là người nhân viên đã bị ông đe dọa. Ông nói: “Tôi thật tình không nghĩ mình làm cô ấy hoảng sợ đến thế”. Sau khi được điều trị tâm lý cũng như nhận bản án của mình, ông cho biết: “Tôi cảm thấy như được trở về với chính mình vậy”.
Thế mới biết được căn bệnh trầm cảm rất đáng sợ, cần phải được phát hiện và chữa trị kịp thời bởi căn bệnh này có thể làm người ta mất tri giác, không biết được hành động mình đang làm có thể gây hậu quả thế nào. Đây cũng là một mức án rất nhân đạo, vừa mang tính răn đe nhưng cũng tạo cơ hội khoan hồng cho ông lão vì một phút bấn loạn không điều khiển được cảm xúc mà gây nên tội.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.