Lý giải khoa học cho sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu: Tình trạng ấm lên toàn cầu đã ở mức "nước sôi lửa bỏng"

Sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa toàn nhân loại.

Những ngày gần đây, hàng trăm triệu cư dân châu Âu đang hứng chịu "hỏa ngục" theo nghĩa đen, khi nhiều vùng lần đầu ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C, cháy rừng và hỏa hoạn tiếp tục xâm lăng các thành phố.

Những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất là Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Croatia. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên và có lẽ cũng chẳng là lần cuối cùng nhân loại phải chứng kiến những dạng thời tiết cực đoan như vậy.

Lý giải khoa học cho sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu: Tình trạng nóng lên toàn cầu đã ở mức "nước sôi lửa bỏng" - Ảnh 1.

Một nhánh kiệt khô của hồ chứa Dowry tại Anh.

Tất cả đều chứng minh hậu quả của ấm lên toàn cầu là có thật, và nó sẽ không chừa bất cứ một ai trên địa cầu. 

Biến đổi khí hậu và sóng nhiệt có mối tương quan như thế nào?

Nhiệt độ trung bình của hành tinh đã tăng khoảng 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp hóa, phần lớn là vì lượng khí nhà kính khổng lồ mà con người đã thải ra môi trường. CO2 là tác nhân lớn nhất với hiện tượng ấm lên toàn cầu, và nồng độ của nó trong khí quyển đã tăng thêm tới 48% từ năm 1750 đến nay.

Lý giải khoa học cho sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu: Tình trạng nóng lên toàn cầu đã ở mức "nước sôi lửa bỏng" - Ảnh 2.

Hai người đàn ông đang tránh nóng trong bóng râm ở London.

CO2, metan, N2O và nhiều loại khí khác tạo hiệu ứng nhà kính vì chúng "khóa" nhiệt năng của mặt trời trong bầu khí quyển và mặt đất, thay vì cho phép lượng nhiệt đó phản xạ lại vào không gian.

Chỉ cần tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 dộ C, hàng loạt quốc gia sẽ đối mặt thảm họa kinh hoàng. Các hiện tượng thời tiết ở phía "cực nóng" sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn và kéo dài hơn hiện nay.

Theo một nghiên cứu gần đây, nếu một đợt sóng nhiệt có khả năng xảy ra 10% vào thời kỳ tiền công nghiệp thì con số đó hiện tại đã tăng lên 30% và nóng hơn 1,2 độ C. Nếu tỷ lệ là 2%, con số đó sẽ tăng lên 10%.

Lý giải khoa học cho sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu: Tình trạng nóng lên toàn cầu đã ở mức "nước sôi lửa bỏng" - Ảnh 3.

Bãi biển đông nghịt ở phía Nam nước Anh hôm 17/7.

Tiến sĩ Friederike Otto, giảng viên cao cấp bộ môn khoa học khí hậu tại Viện Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham, Anh Quốc xác nhận mối tương quan: "Tôi nghĩ chúng ta có thể rất tự tin nói rằng mọi đợt sóng nhiệt diễn ra hiện nay đã trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu".

Tức là đến thời điểm này, chúng ta không thực sự cần thêm các nghiên cứu để chứng minh rằng biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết nóng trở nên cực đoan hơn, dù chúng vẫn rất có giá trị.

Một nghiên cứu của tổ chức World Weather Attribution (WWA), một vụ sóng nhiệt đã thiêu trụi cả ngôi làng ở Canada hồi năm ngoái đã có tỉ lệ xảy ra là gần như bằng 0 nếu không vì biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉ lệ xảy ra của nó đã tăng lên 150 lần.

Lý giải khoa học cho sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu: Tình trạng nóng lên toàn cầu đã ở mức "nước sôi lửa bỏng" - Ảnh 4.

Lính cứu hỏa đang cật lực dập lửa tại một đám cháy ở Zamora, Bắc Tây Ban Nha.

Tiến sĩ Mariam Zachariah tại WWA và Viện Grantham cho rằng số hiện tượng cực đoan diễn ra năm nay đã nhiều đến mức không thể theo dõi hết toàn bộ được. Dù vậy, bà cho biết chúng ta vẫn chưa hết hy vọng: "Thông điệp là chúng ta phải bắt đầu hành động, và tôi có rất nhiều hy vọng cho loài người; nếu hành động kịp thời chúng ta có thể làm đủ nhiều để thích nghi và  giảm thiểu biến đổi khí hậu cho tương lai".

Sóng nhiệt có thể nghiêm trọng đến mức nào?

Trên thực tế, ngoài tự nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan chỉ là một cách gọi tương đối so với hiện tượng thời tiết "bình thường". Tại Anh, các nhà khí tượng học định nghĩa sóng nhiệt là khoảng thời gian kéo dài ít nhất 3 ngày liên tiếp mà tại đó nhiệt độ tối đa chạm một mức định trước với khác biệt theo từng vùng.

Lấy ví dụ, nhiệt độ chạm ngưỡng ở London chỉ là 28 độ C.

Phản hồi lại việc một vài cáo buộc xuyên tạc cho rằng Cơ quan Khí tượng Anh chỉ đang làm trầm trọng vấn đề, nhà khí tượng học Aidan McGivern chia sẻ ảnh bản đồ nhiệt ở Anh hồi tuần trước, với màu đỏ tối sậm biểu hiện cho mức nhiệt cao. Ông cho biết mình chưa bao giờ nghĩ được màu sắc đó có thể hiện lên trên bản đồ Anh.

Lý giải khoa học cho sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu: Tình trạng nóng lên toàn cầu đã ở mức "nước sôi lửa bỏng" - Ảnh 5.

Bản đồ nhiệt của Cơ quan Khí tượng Anh, màu đỏ càng tối sậm thể hiện mức nhiệt càng cao.

Trong đợt nắng nóng kỷ lục khiến nước Anh lần đầu tiên ra cảnh báo đỏ, Tiến sĩ Nikos Christidis của Cơ quan Khí tượng nước này cho biết: "Chúng tôi đã hy vọng tình huống sẽ không tới mức này, nhưng đây là lần đầu tiên ta thấy được mức nhiệt nóng hơn 40 độ C ở Anh".

Ông cũng cho biết biến đổi khí hậu đã khiến tỷ lệ xảy ra một ngày nóng hơn 40 độ C ở Anh tăng lên 10 lần. Nếu không có tác động của con người, thời tiết nóng như vậy là gần như rất khó có thể xảy ra.

Sóng nhiệt thường được thúc đẩy bởi các hệ áp cao. Trong trường hợp này, đó là vùng áp cao Azores, là một vùng áp cao thường nằm ngoài khơi Tây Ban Nha, phía Bắc Đại Tây Dương nhưng đang mở rộng dần lên phía Bắc và tạo nên hiện tượng lúc này ở châu Âu.

Việc mở rộng khối áp cao này cũng là hậu quả của biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu gần đây.

Cùng với gió khô nóng từ Bắc Phi và sa mạc Sahara, tình trạng đang tồi tệ hơn bao giờ hết. Xứ Wales và Ireland đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử từng ghi lại được.

Nguồn: Euronews

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/ly-giai-khoa-hoc-cho-song-nhiet-ky-luc-o-chau-au-tinh-trang-am-len-toan-cau-da-o-muc-nuoc-soi-lua-bong-222022207173949856.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang