Chúng ta thường được khuyên rằng nên ăn nhiều trái cây vì tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn trái cây cũng cần phải đúng cách, nếu không đừng trách nó trở thành con dao 2 lưỡi, mang lại bệnh tật cho cơ thể.
Trong y học cổ truyền, nhiều loại trái cây là vị thuốc quý dưỡng nội tạng, nhưng cũng có 1 số loại khi ăn quá nhiều sẽ làm tổn thương chúng. Vì vậy, bạn nên biết trái cây nào là “kẻ thù” hay “trợ thủ” của tim, gan, ruột, dạ dày, thận để tự bảo vệ sức khỏe nhé!
1. Trái tim
Hầu hết các loại trái cây tươi đều tốt cho sức khỏe của trái tim. Tuy nhiên, nếu muốn phòng tránh bệnh tim mạch thì tốt nhất không nên ăn quá nhiều sầu riêng. Người đang điều trị các bệnh về tim mạch thì tốt nhất là tránh xa.
Bởi vì sầu riêng dễ gây tắc nghẽn mao mạch, trường hợp nặng có thể gây vỡ mạch máu, đột quỵ và các hiện tượng khác. Ngoài ra, sầu riêng cũng rất ngọt, chứa lượng đường cao nên ăn quá nhiều dễ gây béo phì, tiểu đường, mỡ máu… đều là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim.
Còn khi nhắc đến trái cây “yêu thích” của trái tim thì không thể bỏ qua trái táo. Táo có chứa polyphenol và flavonoid, có thể làm giảm sự mỏng manh của mạch máu, cải thiện tính thấm thành mạch, giảm lipid và cholesterol trong máu.
2. Gan
Trái cây bị nấm mốc, dập nát và trái cây sấy khô là những thực phẩm không tốt cho gan. Bởi vì trong nấm mốc chứa nhiều vi khuẩn và aflatoxin. Đây là chất rất độc có thể làm tổn thương tế bào gan, gây chết tế bào gan trên diện rộng, giảm chức năng gan, ung thư gan.
Còn trái cây khô thường có hàm lượng đường rất cao, gây hại cho gan. Đặc biệt là đường fructose - 1 loại đường không phân hủy trong cơ thể theo cách như các loại đường khác, kết quả phân hủy này có thể dẫn đến tăng tình trạng viêm gan và gan nhiễm mỡ.
Nếu muốn bồi bổ gan, đặc biệt là phòng tránh viêm gan, gan nhiễm mỡ thì bạn nên thường xuyên ăn táo gai. Trong Y học cổ truyền, táo gai được xem là vị thuốc quý cho gan. Nó có vị chua, ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng tiêu thũng, dạ dày, thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ huyết ứ, làm se gan khí.
Hơn nữa, táo gai sau khi đi vào dạ dày có thể tăng cường chức năng của các enzyme, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thịt, có lợi cho quá trình chuyển hóa cholesterol. Đối với những người bị gan nhiễm mỡ, nó có thể đóng một vai trò nhất định trong việc tiêu hóa và loại bỏ chất béo, và nó là một thực phẩm bảo vệ gan rất tốt.
3. Ruột
Đối với sức khỏe của ruột, thanh long là trái cây tốt nhất còn ổi là trái cây “đáng sợ” nhất.
Thanh long rất giàu chất xơ, cứ 100g thì chứa khoảng 2,8 gam chất xơ. Nó cũng giàu prebiotics, 1 loại chất xơ giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột. Nhờ đó cải thiện sự cân bằng của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa và tiêu chảy.
Còn ổi, nhất là ổi xanh chứa hàm lượng lớn chất tannin. Loại chất này sau khi đi vào cơ thể sẽ kết hợp với các protein, tạo ra màng se niêm mạc và làm chậm nhu động ruột, có thể khiến bạn bị táo bón. Lâu ngày dễ làm tổn thương, gây bệnh cho ruột nên không nên ăn quá nhiều và nên bỏ vỏ cũng như phần hạt cứng khi ăn.
4. Thận
Nho là trái cây rất tốt cho thận. Bởi vì nho chứa resveratrol - một hợp chất chống viêm và có tác dụng bảo vệ thận khỏi các tổn thương. Các chuyên gia, bác sĩ khuyến nghị, bạn nên ăn lượng nhỏ nho mỗi ngày để cải thiện chức năng thận và duy trì sự cân bằng chất điện giải.
Trong khi đó, chuối được đánh giá là trái cây tốt cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng nhưng ăn quá nhiều lại không tốt cho thận. Đặc biệt là những người mắc bệnh thận nên tránh xa. Bởi vì chuối rất giàu kali, làm tăng gánh nặng cho thận.
5. Dạ dày
Nhắc đến trái cây tốt cho dạ dày thì không thể bỏ qua đu đủ. Lý do là vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất béo, xenlulo, protein và các loại vitamin khác như A, B, C, E, chất chống oxy hóa… các chất này không chỉ tốt cho cơ thể mà còn hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày.
Đu đủ cũng rất giàu chất xơ, có chứa "papain", có thể giúp cơ thể phân hủy protein trong thịt và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Ăn lượng nhỏ đu đủ thường xuyên không chỉ tốt cho tiêu hóa mà còn ngăn ngừa viêm loét dạ dày, khó tiêu và các bệnh khác.
Tuy nhiên, muốn dạ dày khỏe mạnh thì nên ăn ít hồng. Nhất là hồng chưa chín hẳn và tuyệt đối không ăn hồng khi đang đói. Vì quả hồng có chứa nhiều axit tannic, nếu ăn khi đói, axit dịch vị sẽ dễ dàng liên kết với axit tannic, pectin, xenlulo… Không chỉ gây khó chịu, đau dạ dày mà còn hình thành sỏi, làm tổn thương niêm mạc,. tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Nguồn và ảnh: QQ, Eat This Not That, Sohu
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.