Mang thai hộ bất hợp pháp có thể bị phạt tù tới 5 năm. Trường hợp nào là mang thai hộ hợp pháp?

(lamchame.vn) - Đối với các cặp vợ chồng vô sinh thì mang thai hộ là niềm hy vọng lớn cho khát khao được làm bố, làm mẹ. Tuy nhiên, thực tế việc làm nhân văn này còn không ít những biến tướng.

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Mang thai hộ là trường hợp người mẹ vì nhiều lí do khác nhau mà không thể mang thai và phải nhờ tới một người phụ nữ khác mang thai và sinh con cho mình.

Mang thai hộ được chia làm hai loại: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình 2014 mới chỉ công nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp pháp.

Theo đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

mang-thai-ho-hop-phap.jpg

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - Hợp pháp, thì đối tượng được áp dụng là các cặp vợ chồng vô sinh vì hiếm muộn có quyền nhờ mang thai hộ . Theo đó, người có nhu cầu nhờ mang thai hộ gửi hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ gồm 12 loại giấy tờ như: đơn đề nghị, bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng, xác nhận về mối quan hệ thân thích cùng hàng, cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào, xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ, bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo mẫu quy định...

Theo quy định, cả nước hiện có 4 cơ sở được phép gồm: Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM và Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM).

Luật sư Nguyễn Thị Bích Trâm, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay với những hồ sơ hợp lệ, giữa hai bên còn cần ký hợp đồng dân sự được luật sư tư vấn. Cả hai bên cũng sẽ cùng được tư vấn cả về y tế, tâm lý, pháp lý theo quy định. Người mang thai hộ phải có xác nhận mối quan hệ thân thích cùng hàng (là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ) và chỉ được mang thai hộ duy nhất một lần.

Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng, giả mạo hồ sơ, giấy tờ qua mặt cơ quan chức năng, cơ sở y tế để tổ chức đẻ thuê. Khi ấy, các đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo điều 187 Bộ luật hình sự 2015 có hình phạt tù tối đa đến 5 năm, phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm hành nghề đến 5 năm...

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang