Mẹ bỉm sữa rần rần chia sẻ bài thuốc trị ho cho trẻ từ lá xương sông, chuyên gia nói gì?

Mặc dù không được kiểm chứng nhưng các mẹ vẫn đua nhau chia sẻ các bài thuốc dân gian để tự trị ho cho con tại nhà.

Thời điểm cuối năm, tình hình thời tiết càng trở nên khắc nghiệt và “ẩm ương” khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng nhanh chóng. Lại thêm tâm lý bài xích kháng sinh, nên các mẹ đua nhau tìm đến các bài thuốc dân gian để tự trị ho cho con tại nhà.

Trên thực tế, có nhiều bài thuốc dân gian có nguồn gốc từ Đông y thực sự mang lại hiệu quả trị ho. Tuy nhiên, trong dân gian cũng lưu truyền rất nhiều bài thuốc chưa được kiểm chứng, chưa rõ tác dụng và có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng bệnh. Thế nhưng, các mẹ bỉm sữa vẫn liên tục truyền tai nhau các bài thuốc lạ.

Chẳng hạn, mới đây trên một group chuyên dành cho các mẹ bỉm sữa, một bà mẹ đã chia sẻ bài thuốc trị ho cho con bằng lá xương sông và mật ong.

Bài chia sẻ rất dài và tâm huyết, chỉ rõ cách làm và sử dụng bài thuốc. Theo người mẹ này chỉ cần dùng 3 lá xương sông thái nhỏ như sợi chỉ rồi cho vào bát hoặc lọ thủy tinh. Đổ mật ong vào cho xâm xấp mặt lá rồi đem hấp trong nồi cơm.

Cách dùng thuốc như sau: Bé dưới 1 tuổi mỗi ngày cho uống 3 – 4 lần, mỗi lần 3ml. Bé trên 1 tuổi mỗi ngày uống 3 – 4 lần, mỗi lần 4 – 5 ml. Khi cho con uống thì ngâm thuốc vào nước nóng cho ấm ấm rồi mới uống.

Bài thuốc này khi được chia sẻ đã nhận được tới hàng nghìn lượt thích và bình luận của các bà mẹ khác. Rất đông các bà mẹ tỏ ra vui mừng khi biết thêm bài thuốc mới này và khẳng định sẽ cho con uống thử vì rất mệt mỏi với việc con ốm.

Con mình cũng ho cho dùng quất, đường phèn, lá hẹ… mà không khỏi. Phải dùng kháng sinh vì để lâu sẽ bị viêm phế quản. Mình sẽ áp dụng cách của mom. Cảm ơn mom nhiều nhé” – nickname P.Q.H.

“Các mom áp dụng cách của mom này đi, hiệu quả lắm. Em cũng hay làm như thế. Trộm vía tỉ lần 2 ngày là hết luôn ạ.” – nickname J.T.A.

“Em đang dùng xương sông, cu nhà em ho khù khụ đờm đặc, uống 2 ngày khỏi luôn” – nickname N.O

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì không ít các bà mẹ tỏ ra băn khoăn khi bài thuốc này áp dụng cho cả trẻ dưới 1 tuổi mà lại dùng mật ong.

“Mình cũng biết bài thuốc này nhưng cứ băn khoăn vì dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong. Nhưng giờ đang băn khoăn là cho con dùng mật ong còn hơn dùng kháng sinh” – nickname X.T

“Cái này cũng là tùy cơ địa từng bé. Mật ong tốt nhưng cũng rất nguy hiểm với trẻ dưới 1 tuổi. Không may bé bị ngộ độc thì khổ lắm nên em cũng băn khoăn.” – nickname P.T.H

“Mình thấy khoa học nói không sử dụng mật ong cho bé dưới 1 tuổi nên thấy hoang mang quá. Bé nhà mình mới 6 tháng nên không dám dùng đâu.” – nickname A.D

“Trẻ dưới 1 tuổi chưa uống được mật ong mà mom. Với lại hôm trước mình đọc được bài bảo mật ong pha với nước nóng bị mất chất hay sao ấy. Hoang mang quá.” – nickname L.T

Chuyên gia nói gì về việc dùng lá xương sông, mật ong chữa ho cho trẻ?

Trả lời trên Khám Phá, bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y Dược Cổ truyền Quân đội cho biết: “Phương pháp dùng lá xương sông chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian cho trẻ cảm sốt, ho, nôn mửa, còn chưa có một nghiên cứu nào cả. Người Malaysia thường dùng lá xương sông xào nóng chườm đau nhức, thấp khớp thôi. Tuy nhiên, phương pháp này chưa có nghiên cứu nào để áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi".

Ngoài ra bác sĩ cũng cho biết thêm rằng, một số nghiên cứu hiện nay khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, trong dân gian nhiều người vẫn dùng mật ong để đánh tưa lưỡi cho trẻ. Bố mẹ cần hết sức cân nhắc khi áp dụng các phương pháp dân gian cho trẻ dưới 1 tuổi, bởi trẻ ở độ tuổi này chưa phát triển hoàn thiện nên nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Như vậy có thể thấy bài thuốc dùng lá xương sông và mật ong để chữa ho cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chưa hề được kiểm chứng mà chỉ truyền miệng trong dân gian. Vì thế phụ huynh cần hết sức cân nhắc khi sử dụng bài thuốc này. Cách tốt nhất là đưa trẻ tới bệnh viện khám sớm để tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả, kịp thời.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang