Ngày 29/4, trao đổi với PV, chị Phạm Thị Ngọc Quế (mẹ ruột nữ sinh L. sinh năm 1973, quê Ninh Bình) cho hay, ngay sau khi có kết quả giám định lần 2, cơ quan công an quận Nam Từ Liêm tiếp tục dựng lại hiện trường, trong đó có mặt đầy đủ những người có liên quan.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, chị Quế vẫn chưa nhận được thông báo mới nhất về kết quả điều tra.
"Năm học vừa qua con tôi đã phải nghỉ học vì quá số ngày theo quy định, tôi lo việc con gái có được tiếp tục đi học nữa hay không, hoặc có được chuyển trường sang gần mẹ để con có cơ hội học hành".
Theo chị Quế, tương lai của cháu L. hiện đang mù mịt bởi việc chuyển trường cho con gái là việc cần thiết nhưng các cơ quan chức năng đều rất "khó xử".
"Bố của cháu không tạo điều kiện, không đồng ý cho chuyển thì nhà trường không dám viết giấy cho chuyển. Trong khi đó, để giải quyết được vấn đề thì kết quả điều tra từ phía cơ quan chức năng là cần thiết", chị Quế tâm sự.
Luật sư Trương Quốc Hòe.
Để có cái nhìn khách quan về vụ việc trên, phóng viên đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự việc trên.
Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, vấn đề tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm phạm trong thời gian gần đây được báo trí và truyền thông quan tâm rất nhiều.
Trẻ em là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất, mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
"Tại Điều 37 của Hiến pháp 2013 khẳng định:"Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em". Cụ thể hóa Điều 37 của Hiến pháp thì Luật trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 05 tháng 04 năm 2016 cũng nghiêm cấm mọi hành vi "xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em", luật sư Hòe phân tích.
Trẻ em là đối tượng được ưu tiên
Theo đó tại Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng quy định rất rõ: "Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em".
Đồng thời luật sư Trương Quốc Hòe cũng đưa ra kiến nghị, nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích cho đối tượng yếu thế nhất cho xã hội thì hành vi bạo lực đối với trẻ em không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính mà hành vi ấy còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một trong các điều sau đây: Điều 134 hoặc Điều 140 hoặc Điều 185 BLHS năm 2015.
Phim chụp thương tật tại BV Xây dựng
Về kết quả giám định lần hai có tỷ lệ thương tật mà "người mẹ kế" gây ra cho cháu L. là 9%; sau đó cháu L. thường xuyên bị đau đầu và phải nghỉ học (theo lời kể của mẹ cháu L.).
Ông Hòe cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần xác mình thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi của "người mẹ kế" qua việc hỏi những người sống xung quanh nơi mà cháu L. và "mẹ kế" đang chung sống xem có việc thường xuyên xảy ra to tiếng, cãi nhau và việc bạo lực của "người mẹ kế" với L. hay không; liên hệ với bộ phận quản lý tòa nhà, tổ trưởng tổ dân phố xem họ đã từng lập biên bản về việc bạo hành của "mẹ kế" hay chưa.
Trong trường hợp có bằng chứng chứng minh rằng "người mẹ kế" của cháu L. thường xuyên có hành vi bạo hành hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo hành thì hành vi đó có thể bị truy cứu hình sự.
"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;"
"Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;"
"Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo."
Theo Theo Tri thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.