"Cha mẹ thay đổi" đã phát sóng được 4 tập và thật sự để lại ấn tượng sâu sắc với các bậc phụ huynh. Mặc dù những nhân vật tham gia trải nghiệm có thể đã, đang thay đổi nhưng quan trọng nhất họ tự nhận thức được những sai làm của mình.
Ở tập 4 mới phát sóng vào lúc 20h30 trên sóng VTV3 ngày 6/1 là trường hợp của chị Khương Thị Hạnh (Nam Định) cùng cậu con trai 5 tuổi Trần Duy Hưng, tên thường gọi là Bi. Chị Hạnh đã ly hôn, hiện cậu con trai đang sống cùng mẹ và bà ngoại.
Qua những đoạn phim ghi lại cảnh sinh hoạt thường ngày dễ thấy Bi là cậu bé ngoan, thông minh và hiếu động như nhiều đứa trẻ đang độ tuổi ăn tuổi nghịch. Còn chị Hạnh là người mẹ nghiêm khắc, khó tính, luôn đặt nhiều kỳ vọng con phải làm được việc này, con phải tự giác việc kia.
Và cũng chính bởi quá hy vọng nên bị thất vọng, chị Hạnh nhiều lúc không hài lòng về con trai, cảm thấy bực bội, mệt mỏi... Tuy nhiên, chị chỉ nhận ra được không phải Bi hư, mà là cách giáo dục của chị đang có vấn đề khi được hội đồng cố vấn của chương trình "Cha mẹ thay đổi" phân tích.
Một bữa cơm của gia đình chị Hạnh như bao ngày trong những tiếng gằn giọng nhắc nhở cậu bé Bi ăn không được dán mắt vào TV, phải ăn nhanh, ăn nhiều... Rồi sau bữa ăn, cậu bé được mẹ dạy phải tự giác lau bàn, xếp ghế. Ngoài ra, chị luôn đốc thúc Bi phải chăm chỉ học hành, ghép chữ.
Thế nhưng, Bi trong mắt chị Hạnh lại không phải một em bé ngoan và biết nghe lời. Dù mẹ đã dặn dò "Ăn cơm không được dán mắt vào TV", cậu bé gật gù vâng dạ rõ to, nhưng cuối cùng vẫn không đừng được mà đánh mắt nhìn, thành ra ăn chậm nhất nhà.
Rồi ăn xong, Bi ngọt ngào "Mẹ cất ghế giúp con nhé" nhưng chẳng xi nhê gì bởi chị Hạnh rất cứng rắn. Chị chỉ tay vào mặt con nhắc nhở "Không, ăn xong việc dọn bàn dọn ghế là của con". Cậu bé còn lanh lợi so sánh ở lớp các bạn gái mới cần lau dọn, mình chỉ cần xếp bàn, lắp dát giường: "Các bạn nữ mới phải lau dọn chứ, con là con trai con nhấc bàn, xếp ghế thôi chứ".
Chị Hạnh đã nhắc nhở con về sự khác biệt của giới tính, con trai thì nên làm gì và con gái thì làm gì, tuy nhiên chị lại không giải thích cặn kẽ khi con thắc mắc. Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, đây là định kiến chứ không phải cách giáo dục tốt.
Quay trở lại việc dọn dẹp ở nhà, Bi vừa không nghe lời mẹ dọn bàn dọn ghế ngay mà liên tục hỏi han, vặn vẹo, thậm chí là tiếp tục chạy loăng quăng khắp nhà hát hò. Khi bị mẹ nhắc lại, cậu bé mới tỏ ra sợ hãi, giải thích "Con chỉ muốn hát 1 tí thôi mà" rồi lon ton đi làm. Nhưng hành động lau bàn thiếu khéo léo của Bi cũng bị mẹ nhắc nhở "Mẹ đã dạy con lau như thế nào?".
Khi bà ngoại nhắc Bi đi ghép chữ, Bi rất tự tin nói "Con biết rồi, con không cần học nữa". Chị Hạnh thì nhanh trí hơn, dẫn cậu bé 5 tuổi ra chỉ vào cuốn lịch để đọc thử thì Bi im re. Chị lấy cớ bắt con ra học kèm những lời giáo huấn vì tội dám nói láo, kiêu ngạo.
Chỉ những chuyện nhỏ trong gia đình đã bộc lộ rõ những mâu thuẫn giữa hai mẹ con. Chị Hạnh cảm thấy vô cùng buồn bực khi con trai không nghe lời. "Tôi không phải người chiều con. Tôi đang hướng đến những điều tốt đẹp cho con.
Bi rất sợ tôi. Mỗi khi làm 1 việc gì đó, con thường nhìn mẹ xem thái độ thế nào xem liệu có được làm hay không. Đây cũng là điều mà tôi không thích, tôi muốn con tự quyết định chứ không phải nhìn ý kiến của người khác.
-
Kiện tướng cờ vua nước Anh được kỳ vọng làm nên nghiệp lớn lại lựa chọn "sống khác": Khi thiên tài ám ảnh danh xưng thiên tài
Cái tôi mong muốn là cháu nhanh nhẹn, tự tin như bây giờ và biết nghe lời mẹ hơn. Tôi muốn dành tất cả tâm huyết để nuôi dưỡng cháu, để cháu có thể phát triển tốt sau này".
Tuy nhiên, giáo sư Pek Cho lại không tán đồng với quan điểm này của chị Hạnh. Thậm chí, với cả những kỳ vọng của chị vào bé Bi, ông khẳng định: "Con trai mới 5 tuổi nhưng bạn luôn yêu cầu con phải làm những việc mà một người lớn hơn mới có thể làm. Vậy nên nếu cứ giáo dục theo cách đó, đứa trẻ sẽ không có tuổi thơ đâu.
Trong mỗi người chúng ta luôn có phần trưởng thành và phần trẻ con, người trưởng thành sẽ gắn với trách nhiệm. Ví dụ việc phải có trách nhiệm lau dọn, xếp bàn ghế đó là việc của người lớn. Nhưng một đứa trẻ thì chúng thích những gì gắn với niềm vui và hạnh phúc. Hãy để trẻ làm mọi thứ trong sự hào hứng!".
Quả thật, không ít bậc phụ huynh cũng giống như chị Hạnh, luôn cho rằng 1 đứa trẻ ngoan phải làm được việc này, việc kia, phải răm rắp nghe lời vì bố mẹ chỉ muốn điều tốt cho con thôi. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa nhận thức được hết về trách nhiệm, chúng không thể lúc nào cũng tự giác trong mọi thứ. Cha mẹ thông thái là người cần khiến trẻ cảm thấy hào hứng trong mọi việc, hãy để trẻ là một đứa trẻ hạnh phúc!
link gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/me-don-than-buon-buc-vi-con-trai-5-tuoi-khong-chiu-nghe-loi-nhung-chuyen-gia-giao-duc-khang-dinh-do-la-sai-lam-cua-phu-huynh-222020810143510.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.