Mẹ đơn thân phải khổ, phải buồn?

(lamchame.vn) - Phần lớn người Việt vẫn cho rằng ly hôn là một sự thất bại, mà thất bại đồng nghĩa với việc phải buồn?

Mẹ đơn thân phải khổ, phải buồn? - Ảnh 1.

Từ trái sang: PGS Trần Thị Kim Xuyến, Nguyễn Minh Thy, Thái Kha Ly và Trương Ngọc Minh Đăng - Ảnh: TRẦN TRIỀU

Khi thấy một người phụ nữ ly hôn, bạn bè thường mặc định rằng cô ấy đang chán nản, tuyệt vọng và tự đày đọa bản thân. Nhiều người "tích cực" gọi điện thoại, nhắn tin an ủi. Có người còn dặn "nạn nhân" là "đừng nghĩ quẩn mà làm bậy".

Chính sự mặc định "ly hôn là đau khổ" này khiến người trong cuộc phải đón nhận thêm nhiều sự tiêu cực không đáng có. Nếu tinh thần không vững, họ dễ thả trôi vào việc đối xử kém tử tế với bản thân.

Cảm giác trong những ngày đầu ly hôn, ôm con trong tay là nghĩ bản thân thật kém may mắn, thất bại và thiệt thòi. Phụ nữ ly hôn, trở thành mẹ đơn thân thì ướt gì? Tất nhiên là rất dễ ướt mi, lúc đó rất dễ khóc. Và những tổn thương ban đầu khi mới bước vào đời sống mẹ đơn thân là không đơn giản chút nào.

Minh Thy

Hãy tử tế với chính bản thân mình!

Những ngày đầu chính thức ly hôn, bước vào đời sống mẹ đơn thân, chị Trương Ngọc Minh Đăng đưa đứa con tự kỷ qua Hong Kong dự một hội thảo liên quan đến căn bệnh của bé.

"Tôi mới sinh con, sức khỏe vốn yếu, trời Hong Kong hôm đó lạnh 2oC, tôi đẩy xe nôi có con trong ấy, đẩy mãi không lên được dốc cầu, hụt chân, chiếc xe nôi tuột xuống trong sợ hãi của tôi.

Một người đàn ông đi đường đã nhanh tay giúp kịp, ông ấy còn bức xúc hỏi rằng việc này phải để đàn ông làm chứ, sao phụ nữ yếu ớt lại làm việc này? Tôi nuốt nước mắt vào trong.

Trong khoảnh khắc đầy tủi thân đó, tôi nhìn lại mình: bệ rạc, xấu xí, yếu ớt và đáng thương. Tôi đã nghĩ, là mẹ đơn thân thì điều đầu tiên cần làm là phải tử tế với chính bản thân mình" - chị Minh Đăng kể lại câu chuyện xúc động đó trong tọa đàm "Mẹ đơn thân: ước gì và ướt gì" mới đây tại TP.HCM.

Hành trình của một người mẹ đơn thân: Cảm ơn anh vì đã rời xa em!

Thái Kha Ly - một mẹ đơn thân - rưng rưng kể: "Tôi có mối tình thật đẹp, kéo dài 10 năm. Tức là cũng tìm hiểu kỹ lắm, cảm thấy hợp lắm mới cưới. Cưới nhau được 10 năm, có con rồi ly hôn.

Một mối tình thật đẹp, mở ra viễn cảnh cổ tích, vậy mà kết thúc trong ngỡ ngàng của mọi người. Tôi cảm thấy suy sụp, stress khủng khiếp, mất ăn mất ngủ, mất niềm tin về mọi thứ.

Tôi cứ thế gầy đi, buồn đi, chán đi. Tôi ngại xuất hiện trước đám đông, tránh gặp gỡ bạn bè bởi tôi mặc định: ly hôn thì phải khổ, phải buồn. Mình phải tạo ra bề ngoài sầu thảm, tiều tụy thì mới hợp với hình ảnh phụ nữ mới ly hôn chứ sao dám tự tin, xinh đẹp, phơi phới?

Nhưng chính những ngày đó, tôi nhận ra mình đối xử không tử tế với bản thân. Mình cũng không thể đối xử tốt với người khác nếu cứ đối xử tệ với bản thân thế này".

"Hạnh phúc trong tầm tay, chẳng cần phải ước"

Đó là thông điệp mạnh mẽ của một số khách mời là mẹ đơn thân chia sẻ tại tọa đàm.

Kha Ly chia sẻ sau khi ly hôn cô bị trầm cảm đến hai năm trời, tuy nhiên đến nay cô trở thành một doanh nhân ngành mỹ phẩm. Cô đến với hội thảo với tà áo dài duyên dáng trong "eo con kiến", xinh đẹp và tự tin.

Cô bảo: "Sau thời gian hai năm đau khổ, nhiều lúc chỉ nghĩ đến cái chết, tôi có duyên tiếp cận một bộ môn thiền. Tâm tôi tĩnh lại, tôi dần làm chủ cảm xúc của bản thân. Rồi tôi phát hiện ra hạnh phúc là thứ mình không thể trông mong từ người khác. Bản thân phải tự hóa giải khúc mắc, chữa lành tổn thương và tích cực lên, tự có sức sống lên từng ngày.

Người thân vẫn nhìn mình bằng ánh mắt thương cảm, người ngoài vẫn nhìn mình bằng ánh mắt xót xa, nhưng mọi người có giúp được mình gì không? Không có đâu.

Chỉ bản thân tự cứu mình, tự giúp mình, tự khiến mình hạnh phúc lên thôi. Tôi từng bước làm chủ tinh thần, rồi làm chủ kinh tế. Khi được tự do tài chính, tôi dần chọn hạnh phúc kiểu mà tôi muốn.

Việc chấp nhận khiếm khuyết đời sống hôn nhân thực tại cũng không cần đao to búa lớn, chỉ cần đơn giản hóa nó, nhìn sự việc nhỏ nhất có thể để chấp nhận một cách chân thành, đơn thuần và đơn giản nhất. Chấp nhận từ bên trong thì sẽ hóa giải được khúc mắc bên ngoài. Từ đó tôi chẳng ngại dư luận nữa".

Người mẹ đơn thân cần lập kế hoạch cho bản thân để phát triển cuộc sống cho mình. Đó là kế hoạch tài chính, kế hoạch sức khỏe, kế hoạch giải trí... Làm được như vậy thì không sợ gì nữa.

Kha Ly

PGS.TS xã hội học Trần Thị Kim Xuyến chia sẻ: "Tôi đã hai lần trở thành mẹ đơn thân. Thời nay các bạn trẻ được xã hội gọi cái tên khá mỹ miều là "mẹ đơn thân", chứ ở thời tôi, người ta hay gọi là "bỏ chồng" hoặc "bị chồng bỏ". Nghe cay đắng và nặng nề lắm.

Tôi đã phải chịu bao nhiêu tổn thương, phải dành nhiều năng lượng để vượt qua định kiến, và sau hai lần đổ vỡ tôi đã làm chủ hoàn toàn cuộc sống của mình".

"Chúng tôi không cổ xúy cho việc ly hôn, nhưng những bà mẹ đơn thân như chúng tôi có đủ trải nghiệm, kiến thức, cảm nhận để muốn gửi thông điệp rằng trở thành mẹ đơn thân không phải là bước vào bế tắc mà là bước vào một kiểu hạnh phúc khác.

Đó là hạnh phúc của độc lập, mạnh mẽ, làm chủ mọi thứ. Nếu chẳng may bạn rơi vào hoàn cảnh bà mẹ đơn thân, hãy nhìn cách những bà mẹ đơn thân như chúng tôi đây rồi vững tin, từng bước vượt qua tổn thương và chiếm lấy hạnh phúc cho mình" - PGS Kim Xuyến nói.

Mecon-treem

Khi phải chăm sóc con một mình, người phụ nữ cần nhiều sức mạnh và cả sự dũng cảm - Ảnh: T.T.D.

Chị Vũ Hoàng Thục đến dự tọa đàm cùng cậu con trai 18 tuổi. Chị vui vẻ chia sẻ: "Với cá nhân tôi, rõ ràng là tôi hạnh phúc hơn khi trở thành mẹ đơn thân.

Có lẽ tất cả những bà mẹ đơn thân ở đây đều thấy rằng có thiệt thòi đó, có những giây phút chạnh lòng bên con vì thiếu bóng dáng người chồng người cha đó, đôi khi cũng tự ướt mi một chút đó... nhưng vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với việc vẫn sống trong hôn nhân với một người chồng không phù hợp.

Tất nhiên, để rời được cuộc hôn nhân không phù hợp, người phụ nữ cần nhiều sức mạnh và cả sự dũng cảm. Mà họ đã mạnh mẽ và dũng cảm rồi thì họ chắc chắn giành được phần thưởng xứng đáng".

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang