Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng từng gây bão mạng xã hội với lời tâm sự gửi con trai... trượt lớp 10. Bài viết của cô là nguồn động viên, an ủi, khích lệ để cho con phấn đấu trong tương lai và chạm được đến trái tim của biết bao người.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được rất nhiều quan tâm từ các bậc phụ huynh, cô Hạnh ngậm ngùi nghĩ về quá khứ. Khi con trai cô Hạnh chuẩn bị vào lớp 1, khi đó cô đang là Tổng phụ trách Đội, cô đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Mặc dù sau đó cô đã nhanh chóng sửa sai, giúp con vượt qua nhưng hậu quả vẫn còn lại cho đến bây giờ.
Cô Hạnh đã chia sẻ lại câu chuyện với chúng tôi với mong muốn những cha mẹ khác sẽ không bị hối hận như cô...
Từ mong muốn con hòa nhập môi trường mới đến chuỗi ngày sai lầm
Cô Hạnh bày tỏ: "Mình không có tâm lý kì vọng với con cả, từ khi con gái đầu vào lớp 1 đến con trai sau. Có lẽ, mong muốn lớn nhất của mình khi con vào lớp 1 là con hòa nhập được với môi trường mới bởi con khá nhút nhát, không dạn dĩ như chị, con biết đọc, biết viết, biết làm toán theo yêu cầu của chương trình. Thế là tốt rồi".
Tuy nhiên, vì muốn con hòa nhập được với môi trường mới mà cô Hạnh lại khiến con mắc chứng sợ học. Cô kể: "Đây là cả quá trình, kéo dài từ khi con bắt đầu học tiền lớp 1, cho đến đầu năm lớp 2 thì bộc lộ ra.
Hồi đó, sau khi con học hết mầm non, gia đình gửi con vào một cô giáo có tiếng là nghiêm khắc và rèn giũa học sinh vào khuôn khổ. Con vốn nhút nhát, non nớt vì sinh gần cuối năm, lại hiếu động nên khó thích ứng với việc ngồi lâu một chỗ viết bài. Lúc đó, giáo viên thường ra bài cho học sinh viết cả một trang là chuyện bình thường. Nhưng với một trẻ chuẩn bị vào lớp 1 là quá sức.
Con không đáp ứng được nên hay bị cô đánh mắng. Con có biểu hiện của stress, con gầy đi, mặt mày u ám, mỗi lần chở con đến trước nhà cô là con khóc. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó lớn nhất là sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, cho rằng con lười, con không hợp tác, con người khác học được thì con phải học được nên mình đã để con học đến hết hè".
Rồi khi con trai cô Hạnh vào lớp 1. Một năm trôi qua, con vẫn bị áp lực với chuyện học và việc viết bài. Cô Hạnh bày tỏ, con đã phải học cả ngày ở trường, về nhà con vẫn tiếp tục phải viết thêm 1 trang vở khiến mỗi tối là cả một cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái.
"Mình vẫn nhớ, bế giảng lớp 1, về đến nhà, quăng cái cặp lên ghế, con tuyên bố: "Con chơi hết hè, vô năm con mới học". Nhưng gia đình đã bỏ qua, cho rằng con chỉ nói thế vì ham chơi trẻ nhỏ, chứ không đo được sự căng thẳng của con với việc học ẩn chứa sau câu nói đó. Mình vẫn muốn cho con chơi, nhưng ba lại sợ, e con chơi quá, mất nhịp học nên sau khoảng 2-3 tuần gì đó thì con bắt đầu phải học cùng mẹ.
Ban đầu, con còn hợp tác, sau khoảng hơn 1 tháng, con có biểu hiện mệt mỏi, chống đối. Mình quyết định cho nghỉ, về quê chơi 1 tuần, định còn 2 tuần nữa vào năm học mới thì cho con chơi luôn cho thư giãn. Nhưng ba lại sợ con mất nhịp học. Và con bắt đầu phải học với ba. Lại những ngày căng thẳng của gia đình sau đó.
Vào đầu năm lớp 2, khi làm bài kiểm tra chất lượng đầu năm, con bỏ trắng bài. Mình lấy bài của bạn về hỏi con, con trả lời được hết. Vậy tại sao con không làm? Những ngày học tiếp theo, con thường xuyên chui dưới gầm bàn, không hề viết một chữ nào trong vở".
Khi cô giáo báo sự việc, cô Hạnh suy nghĩ rất nhiều và nhận ra con đã mắc chứng sợ học, sợ viết. Lúc này, cả hai vợ chồng cô mới nghiêm túc nhìn lại quá trình trước đó, đồng lòng cứu con.
Đấu tranh với bản thân để giúp con thoát khỏi ám ảnh
Những vấn đề của con trai khiến cô Hạnh phải tìm hiểu rất nhiều về các vấn đề của trẻ: stress vì học, chán học, tăng động, tự kỉ,... để có thêm hiểu biết để đồng hành cùng con. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bản thân cô Hạnh phải tự đấu tranh giữa những gì mình tìm hiểu được, những quan sát biểu hiện của con, cảm nhận con với những thói quen trong giáo dục hiện tại.
Theo cô Kim Hạnh, một nghiên cứu gần đây cho thấy, để phá bỏ một sự căng thẳng kéo dài 17 giây thì phải mất 2.000 giờ (tương đương 83,3 ngày). Để xóa đi 1 câu tiêu cực thì phải dùng 14 câu tích cực. Vậy để con thoát khỏi những căng thẳng của 2 năm học đầu đời cùng nhiều lời chê bai mà con đã nghe phải tính bằng nhiều năm.
Cả một quá trình đấu tranh giữa những quan điểm lạc hậu về giáo dục đầy áp lực lúc đó với những tri thức mới về con trẻ cùng quan điểm giáo dục nhân văn theo đặc điểm từng trẻ. Nhưng cũng từ đó cô Hạnh có những hiểu biết sâu hơn về giáo dục con. Và cô đã lựa chọn: không gây áp lực, sẽ để con phát triển việc học tự nhiên theo nhịp độ của con. Con cần được tôn trọng để dần thoát khỏi ám ảnh học tập đã có.
Cô Hạnh đã đến gặp cô giáo chủ nhiệm, xin cô không bắt con viết bài, chỉ cần con có kiến thức là đủ, cho đến khi nào con tự chịu viết thì viết. Rất may là cô giáo đồng ý. Qua hết học kì 1, con cô Hạnh mới bắt đầu chịu viết, nhưng chỉ viết rất ít. Đến cuối năm, con đã có thể làm hết bài kiểm tra và được lên lớp.
Những năm THCS con trai cô Hạnh chỉ thích những môn học mang tính thực hành cao. Môn con học giỏi nhất là môn Công nghệ vì môn này học đi đôi với hành.
"Dù không bị gò ép gì nữa từ năm lớp 2, nhưng con mất hứng thú với việc học, đặc biệt là việc ghi chép bài. Lên THCS, con vẫn vậy nhưng mức độ viết bài tăng lên dần, tinh thần học cũng tăng lên hơn nhưng so với chúng bạn vẫn không bằng. Nhưng mình vẫn kiên nhẫn chờ. Bởi mình biết, những tổn thương tâm lý không thể chữa lành trong ngày một ngày hai được", cô Hạnh ngậm ngùi.
Trong kỳ thi vào lớp 10 công lập vừa qua, con trai cô Hạnh đã thi trượt. Mặc dù là cú ngã khiến con đau khổ rất nhiều nhưng cô Hạnh vẫn luôn lạc quan động viên con vượt qua.
Cô Hạnh chia sẻ: "Hiện nay, gia đình để con tự suy nghĩ và lựa chọn con đường cho mình: học nghề, học tại Trung tâm GDTX hoặc ôn để thi lại năm sau. Mình cho con làm bài test tính cách và thiên hướng nghề nghiệp để giúp con khám phá bản thân, chọn lựa nghề phù hợp với con nhất. Ba mẹ chỉ là người quan sát, phát hiện vấn đề, đặt câu hỏi để con tự suy ngẫm và ra quyết định".
Sau 10 năm đồng hành cùng con học tập, cô Hạnh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc dạy con: "Quan điểm dạy con của mình đã được xác định từ đầu, cho đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi. Điểm số hay thành tích không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là con có tinh thần học khỏi, khám phá cái mới, biết cách học, yêu sách và biết cách đọc sách, có những kĩ năng để có thể sống tự lập và biết cách sống bình an, hạnh phúc trong đời.
Chỉ khác nhau ở chỗ, trước đây, vì mình chưa có hiểu biết sâu về trẻ, mình còn bị những nỗi sợ xâm lấn hay là những định kiến, kiểu như: hôm nay con không làm bài thì con sẽ bị cô mắng, con không học là do con lười, nếu bây giờ con không học thì sau này con có thể làm gì... mà bỏ qua những vấn đề mà con đang vướng mắc, ẩn sâu bên dưới những biểu hiện bên ngoài đó.
Còn bây giờ, sau một thời gian dài làm người đi bên con, quan sát, hỗ trợ và chấp nhận những thiếu sót của con, kiên nhẫn chờ lúc con sẵn sàng hợp tác, cũng như với quá trình nghiên cứu về trẻ và tâm lý học đường, mình có đủ niềm tin và sức mạnh để cùng con tiếp tục chặng đường phía trước một cách sáng suốt hơn", .
Trẻ vào lớp 1 không nhất thiết phải biết đọc, biết viết
Từ kinh nghiệm bản thân có 2 con và là giáo viên lâu năm, cô Hạnh chia sẻ thân tình với những phụ huynh sắp có con vào lớp 1: "Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và riêng biệt với những đặc điểm thể chất, tâm lý, trí tuệ khác nhau. Không có cái gọi là chuẩn chung cho tất cả trẻ. Bạn không thể bắt con cá học bay như con chim chỉ vì bạn cho rằng bay là tốt cho cá và cá cũng cần biết bay để được "giỏi toàn diện". Cách học tốt nhất là cách học phù hợp với đặc điểm của mỗi trẻ. Nhờ đó, trẻ có hứng thú với việc học, tự tin vào bản thân và mong muốn được tiến bộ.
Việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 rất cần nhưng không nhất thiết là phải biết đọc, biết viết. Mình đã dạy những trẻ lớp 1 và phát hiện ra trẻ học trước thường mất tập trung, chủ quan vì cứ nghĩ "đã biết rồi" nên đến khi học ghép âm vần thì bắt đầu kém đi. Việc cần làm với trẻ là tập cho trẻ ăn bằng đũa vì cách cầm đũa và cầm bút khá giống nhau, hướng dẫn cho trẻ tham gia vào việc nhà (rửa li tách, lặt rau, quét nhà,...) hay các hoạt động khác (vẽ lên cát, xé dán, nặn đất sét,...) để rèn sự tập trung, sự khéo léo, dẻo dai của đôi bàn tay.
Cha mẹ cũng nên đọc sách cùng con, nói chuyện nhiều với con để tăng khả năng ngôn ngữ, tương tác. Đặc biệt là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị thông minh vì nó có ảnh hưởng xấu tới não bộ và hành vi của trẻ.
Khi con đi học, cha mẹ cần quan sát và chuyện trò với trẻ về việc học. Đừng bỏ qua bất kì một biểu hiện nào của con như: mệt mỏi khi học, khóc khi đến trường, hay đau một bộ phận nào đó khi đi học (thường là đau bụng hoặc đau đầu), không muốn viết bài,... Những biểu hiện đó ẩn chứa nhiều nguyên nhân sâu xa từ những tổn thương con phải gánh chịu trong quá trình học. Lúc này, cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách giải quyết. Phụ huynh có thể tìm sự hỗ trợ ở cô giáo, nhà trường hoặc bệnh viện tâm thần hay những nhà tâm lý để đạt hiệu quả tốt hơn.
Đặc biệt, cha mẹ cần có những hiểu biết về tâm lý trẻ theo từng giai đoạn phát triển và các phương pháp giáo dục để chuẩn bị cho con và cả chính bản thân mình một cách tốt nhất. Quan trọng là cả hai phải thống nhất được quan điểm, phương pháp giáo dục để trẻ không bị rối nhiễu do mâu thuẫn về giáo dục của cha mẹ".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.