Một người mẹ có con trai 5 tuổi từng chia sẻ về băn khoăn của mình như sau:
"Khi tôi đưa con đến sân bóng rổ chơi thì sân đã kín người. Con trai tôi thấy vậy nên chạy lại gần nhóm trẻ lớn hơn xin chơi cùng. Kết quả là những cậu bé kia đã nhìn vào con trai tôi một cách mỉa mai và nói: 'Nhóc con đi chỗ khác chơi đi'.
Con trai tôi ấm ức, nước mắt lưng tròng, chạy về nói với tôi: 'Mẹ ơi mấy anh đó không chịu chơi với con'".
Người mẹ cho biết, bản thân chị khi đó rất muốn giúp con trai tìm sự công bằng, hy vọng những đứa trẻ lớn hơn có thể giúp đỡ và chơi cùng con trai chị nhưng lại nghĩ người lớn mà xen vào chuyện trẻ con là không tốt, nên để trẻ tự giải quyết. Tuy vậy nhìn khuôn mặt đau khổ của cậu bé, người mẹ rất day dứt, không biết mình làm đúng hay sai.
Thực tế rất nhiều phụ huynh cũng thắc mắc về vấn đề như vậy. Khi người khác không muốn chơi với con, bố mẹ có nên can thiệp không và họ phải ứng xử ra sao?
Có một điều chắc chắn rằng trong quá trình hòa nhập với xã hội, không ít lần trẻ sẽ phải đối mặt với thất vọng vì sự từ chối của các bạn học cùng trang lứa hay những người xung quanh. Nếu trẻ không biết cách xử lý cũng như có tâm lý đúng đắn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và gây tổn hại đến tính cách và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.
Là phụ huynh, trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là phải giúp cho con cải thiện năng lực giao tiếp, hòa hợp với mọi người. Nếu trẻ chủ động tìm sự giúp đỡ thì bố mẹ cũng nên cho con một câu trả lời tích cực và sự hướng dẫn hợp lý.
Bố mẹ không thể trả lời: "Bạn không chơi với con là bạn hư!". Cách trả lời công kích của phụ huynh sẽ chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy chán nản và đổ lỗi cho tất cả những người xung quanh vì họ không muốn chơi với trẻ. Câu trả lời này có thẻ làm cho tính cách của trẻ ngày càng cực đoan, hẹp hòi.
Bố mẹ cũng không thể nói là: "Chẳng sao cả. Không ai chơi thì con chơi một mình càng tốt". Việc phụ huynh cổ vũ con chơi một mình khiến con lầm tưởng rằng trên đời này chẳng cần đến ai và tình bạn mà chúng mong muốn là không cần thiết và không nên tồn tại. Theo thời gian, trẻ có xu hướng tự kỷ, cô đơn, không muốn giao tiếp với mọi người và hình thành tính cách thu mình.
Phản ứng thông minh của phụ huynh khi trẻ vướng vào rắc rối trong việc giao tiếp sẽ giúp cho con có cái nhìn tích cực và lành mạnh hơn. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có các quy tắc riêng trong việc kết bạn.
Trẻ 0-3 tuổi: Lúc này đối với trẻ không có tình bạn thật sự. Nếu trẻ bị bạn từ chối, phụ huynh có thể dỗ dành, an ủi và con sẽ mau chóng quên đi điều đó.
Trẻ 4-5 tuổi: Trẻ thích chơi với những người bạn cùng trang lứa có chung sở thích và tỏ ra khó chịu với những đứa trẻ khác. Nếu con bị bạn từ chối, phụ huynh nên hướng dẫn con tìm chơi với những bạn khác có cùng sở thích với mình. Dần dà khi con tìm được vòng tròn bạn bè riêng, con trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn.
Trẻ 5 tuổi trở lên: Trẻ đã bắt đầu có các quy tắc xã hội riêng và có xu hướng thiết lập quy tắc, chỉ chơi với những bạn có cách cư xử tốt. Lúc này phụ huynh nên giúp con hiểu rằng muốn có nhiều bạn bè thì nên chơi hòa đồng, khuyến khích con thường xuyên giúp đỡ bạn bè, không ích kỷ...
(Nguồn: 163)
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.