Mẹ là một trong những người thầy quan trọng nhất đối với con cái, bao gồm câu chuyện tài chính. Mẹ dạy từ cách nhận biết những tờ tiền mặt, trả giá, tiết kiệm hay quản lý chi tiêu. Song, cũng có những điều quan điểm tài chính của mẹ không phù hợp trong suy nghĩ của những người con.
“Mẹ mình không đi du lịch vì nghĩ như vậy là tốn tiền”
Tâm An (23 tuổi) chia sẻ rằng mẹ cô bạn hầu như không đi du lịch, bởi vì cho rằng nó khá tốn tiền. Do vậy, khi nhìn thấy Tâm An đi du lịch 1 năm tầm 4-5 lần, mẹ cô không thể hiểu được tại sao cô bạn lại chi nhiều tiền cho khoản mục này.
“Mình cảm thấy đi du lịch như là 1 cách để lấy lại năng lượng sau những ngày học tập và làm việc mệt mỏi. Công việc của mẹ mình khá bận rộn cũng như không có thói quen đi du lịch, do vậy mẹ mình nghĩ chi tiêu 7-8 triệu đồng/ chuyến là không cần thiết. Song, đối với mình, đó không chỉ là cách giải tỏa áp lực hiệu quả, nó còn giúp học được nhiều điều hơn trong cuộc sống”.
Theo quan điểm của cô bạn 23 tuổi, đây là cách chi tiêu thông minh chứ không phải là lãng phí như mẹ cô đang nghĩ.
Bên cạnh đó, mẹ của Tâm An khi ốm đau bệnh tật không chịu đi khám vì sợ tốn tiền, chỉ thích tự chữa, tự mua thuốc uống. Cô chia sẻ rằng trong suy nghĩ của mẹ, đi khám kiểu gì cũng ra bệnh và như vậy sẽ tốn rất nhiều tiền để chữa.
“Nghe rất nghịch lý vì nếu có bệnh, dù không khám ra thì nó vẫn ở đó. Mỗi lần như vậy, mình thường phải khuyên mẹ rất nhiều, mẹ mới đồng ý đi khám. Đối với mình, đây là khoản tiết kiệm không đáng nhất của mẹ”.
“Mẹ chỉ thích mua đồ đắt tiền cho những người xung quanh”
Với Chi Nguyễn (26 tuổi), mẹ của cô bạn rất thích đi siêu thị và thường xuyên mua những món đồ không thật sự cần thiết vì nó được giảm giá. “Mẹ mình hay bảo là giờ giảm giá nên mua biết đâu đến lúc nào đó cần dùng đến mới sắm thì sẽ không được giá. Mẹ mình mua về vậy thôi chứ có nhiều thứ chỉ dùng được 1, 2 lần chẳng hạn như máy làm sữa đậu nành hay bếp nướng”.
Bên cạnh đó, mẹ Chi Nguyễn thường xuyên chỉ thích đầu tư cho những dụng cụ nhà cửa còn đồ cá nhân lại rất ít khi mua đồ đắt tiền. Cô cho rằng điều này là không nên, nên đầu tư như nhau cho cả 2 khoản này. “Mẹ quá tiết kiệm, chỉ mua đồ xịn cho những người xung quanh và bỏ qua bản thân. Mình không cho như vậy là một kiểu chi tiêu thông minh, mẹ mình cũng xứng đáng để dùng những sản phẩm tốt”.
Mặt khác, dù thích mua đồ gia dụng hay nội thất trong nhà rất xịn nhưng khi sản phẩm hỏng, mẹ cô bạn thường xuyên sửa đi sửa lại chứ không chịu mua mới. Đối với mẹ cô, như vậy là tiết kiệm, còn với Chi, khi sản phẩm đã hết khấu hao thì nên đổi mới. Bởi vì đôi lúc số tiền sửa đi sửa lại cũng bằng mua đồ dùng mới.
Ảnh minh hoạ - Pexels
“Làm kinh doanh nên mẹ mình không có tiền tiết kiệm”
Trái ngược với mẹ của Tâm An và Chi Nguyễn, quá tiết kiệm, mẹ của Hạ Linh (25 tuổi) không có tiền tích luỹ hay quỹ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Do đặc thù công việc làm về kinh doanh nên luôn phải luân chuyển dòng tiền, để có nguồn vốn.
“Thật ra số tiền nếu muốn rút về cũng không quá khó khăn. Song, vấn đề là mẹ cho rằng mình đang sống quá tiết kiệm, và không nhất thiết phải có từng đó tiền trong tài khoản tích luỹ. Bởi vì mẹ mình khong có thói quen tiết kiệm tiền cho những trường hợp bất trắc xảy ra”.
Hạ Linh cho rằng bản thân không phải đang quá tiết kiệm. Đơn giản là nhu cầu của cô bạn chỉ cần tiêu từng ấy tiền, và số tiền dư ra sẽ để tiết kiệm do không quá rành về đầu tư. Quan điểm giữa 2 mẹ con có sự khác biệt nên rất khó để hiểu cho nhau.
Ảnh minh hoạ - Pexels
“Song, mình cũng học được nhiều điều từ mẹ”
Dù đôi lúc mẹ quá tiết kiệm, Chi Nguyễn cho rằng đó cũng là một trong những điều bản thân học được từ mẹ. “Có những khoản chi tiêu của mẹ, mình thấy không hợp lý và sẽ không làm theo, đó cũng là một điều mình học được từ mẹ. Bên cạnh đó, mình cũng nhận thức được rằng tiết kiệm tiền và phân bổ chi tiêu hợp lý quan trọng đến đâu”.
Theo cô bạn 26 tuổi, lý do mẹ có những quan điểm chi tiêu có vẻ khó hiểu đối với giới trẻ như vậy là vì cuộc sống trước đó của mẹ cô khá chật vật về chuyện tài chính. Do vậy, để có một cuộc sống đầy đủ như vậy, mẹ đã nỗ lực rất nhiều và tiết kiệm tiền là cách tốt nhất để đạt được nó. Một phần vì cũng quá yêu thương các con và những người xung quanh mới có xu hướng đầu tư quá nhiều cho họ mà quên đi bản thân mình.
Với Tâm An, cô bạn cũng dần học được cách “tiền đẻ ra tiền” thông qua những khoản đầu tư với rủi ro thấp hơn. Song song đó, vẫn giữ cho mình một khoản tiết kiệm hợp lý.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.