Trong căn phòng lợp tôn lụp xụp, chị Lê Thị Thủy (sinh năm 1979, quê Sóc Trăng) loay hoay dỗ bé Chuột, vừa tròn 12 tháng gắt ngủ. Mẹ mất sữa không cho bú được, sữa bột thì không có tiền mua, con bé Chuột nhỏ xíu xiu.
Nó cứ giãy nên giãy xuống, vạch áo mẹ đòi rúc vào ngực, gắt gỏng đòi mẹ ru. Bé Kiều Tiên (7 tuổi), chị gái của Chuột vỗ vỗ lưng em, tìm cách dỗ dành em gái nhỏ.
Ba mẹ con mới chuyển đến Sài Gòn được hơn 2 tuần thôi. Bé Chuột có vẻ vẫn còn lạ nhà. Chỗ ba mẹ con chị Thủy tá túc tạm thời là một góc trong xưởng cơ khí của một cặp vợ chồng xa lạ. Người ta thấy tội nghiệp nên đón chị về cho ở tạm, gọi là có chốn nương thân.
Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng
Chị Thủy vừa ôm vội hai con tháo chạy khỏi người chồng bạo hành, đánh vợ như cơm bữa, mà theo ngôn ngữ của chị là "ăn nhậu rồi uýnh hoài luôn, em không làm gì cũng đánh".
Chị Thủy và chồng quen nhau hồi cả hai làm việc lặt đậu thuê ở Đức Hòa, Long An. Hết mùa đậu, chồng chị đi chở vật liệu xây dựng thuê, đi làm hồ mướn cho người ta. Có bầu bé Kiều Tiên, chị vẫn vác bụng đi theo chồng nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa thuê kiếm tiền. Lúc đó, chị thấy chồng mình cũng được được.
Ai dè, sau khi chị sinh bé Tiên xong, không đi làm kiếm tiền được, chồng chị bắt đầu chửi bới, đánh đập chị. Chỉ vào bé Kiều Tiên, chị Thủy kể: "Hồi con bé này còn nhỏ xíu, lúc đó vẫn ở Đức Hòa, ổng lấy cây thép đánh em bầm lưng, em ngất xỉu không biết gì, nhập viện luôn. Bác sĩ hỏi bị sao thì chồng nói dối là em tự xỉu. Em chỉ nhớ con bé sợ, khóc thét luôn. Rồi sau đó là riết luôn, mà không có lý do gì hết trơn".
Ba mẹ con chị Thủy đang ở tạm tại một xưởng cơ khí.
Đi thuê mướn nhà, nuôi con đủ thứ tiền mà thu nhập bấp bênh, họ bàn nhau về quê sống. Về quê, hai vợ chồng chị ở chung nhà với má chồng. Chồng chị Thủy rủ bạn bè về nhậu hoài, không chí thú làm ăn. Má chồng xốn mắt, nhắc nhở thì anh cãi luôn cả bà, rằng gia đình tui, tui tự lo, không mướn má ra lời.
Má chồng thấy vậy thì cho ra riêng, cất nhà lá bên cạnh cho ăn ở riêng khỏi ra đụng vào chạm. Ai ngờ chồng còn bê tha hơn, rủ bạn về nhậu tối ngày. "Ở quê nếu đi làm phụ hồ mà làm giỏi, đúng giờ, mỗi ngày cũng được 250k, nhưng ảnh cứ làm 2 - 3 ngày có công lại về ăn nhậu.
Em phải đi theo làm phụ, kèm để ép ảnh làm lâu lâu chút cho có tiền, nhưng nói không được. Ngó xung quanh nhà người ta nhà tường không, nhà mình nghèo nhà lá mà chồng còn ăn nhậu, người ta nhìn thấy vậy nên cũng không muốn giúp đỡ".
Nghĩ về quãng đời đầy nỗi đau với người chồng say xỉn, bạo lực, chị thấy tủi hổ vô cùng.
Rượu vào là đòn ra. Chị bị chồng đánh đập bao nhiêu lần, chị không thể nhớ nổi nữa. Đến mức một bữa đánh dữ quá, chị lên thị trấn méc, người ta nhìn thấy chị đã thở dài. Chồng chị "nhẵn mặt" ở đây, vì nhiều lần người ta gọi lên nhắc nhở chuyện đánh vợ.
Có khi là chén cơm đang ăn dở. Có khi là gậy. Có khi lại là dao kéo, vớ được trong tay cái gì thì dùng cái đó đánh vợ. Nhiều lần chị ôm con tháo chạy, núp ở nhà này nhà kia, chồng chị tìm ra, nắm đầu chị lôi về, còn dọa người bảo vệ chị.
"Nói hoài không có được. Nhiều khi em khóc, em hỏi: 'Ông đạp cây gai ông còn thấy đau, ông uýnh tôi vậy ông nghĩ tôi không biết đau à? Uýnh vậy nhỡ tôi chết thì sao? Cha mẹ tôi có mình ơn tôi giờ chết cũng đâu ai thấy mặt đâu.', thì ảnh cũng xin lỗi.
Xin lỗi rồi tính nào tật đó không thay đổi được. Có lần em ôm con trốn mấy ngày, ổng gọi điện năn nỉ em về cho con có cha, cho cha có con, em mủi lòng lại về. Được mấy ngày ổng nấu cơm, giặt đồ cho, đi làm tử tế cho em có niềm tin, rồi ổng lại đánh..." - chị Thủy kể trong đôi làn nước mắt.
"Con không nhớ ba, ba con nhậu hoài à"
Ngày chị Thủy sinh bé Chuột (bé thứ hai), chồng chị ở nhà nhậu say nhèm, không liếc mắt đến vợ con. Bé Kiều Tiên phải xin nghỉ học mấy bữa để đi nuôi mẹ ở viện. Con bé 6 tuổi đầu một tay chăm mẹ, chăm em ở viện, vì chẳng trông được vào ai khác.
Chị Thủy sinh được 3 ngày thì xin bác sĩ cho về nhà. 3 ngày sau sinh, chị tự lo cho mình và con đồ tự giặt, cơm nước tự làm, còn phải làm cả mồi cho chồng và đám bạn nhậu lai rai tối ngày.
Bé Kiều Tiên mới 7 tuổi nhưng đã trải qua rất nhiều biến cố.
Và những trận đòn vẫn ập tới với chị, khi chồng đã ngà ngà say. Tất cả những lần đòn roi ấy, bé Kiều Tiên chứng kiến hết. Nó xót mẹ, nhưng không làm cách nào cứu mẹ được. Chị cũng ngụp lặn trong khổ đau, chạy rồi lại về, cho đến một bữa nọ.
Hôm ấy, chồng chị lại say. Chị nhanh chân nhảy qua nhà bà con. Chồng chị, tay lăm lăm con dao bự chảng, đứng trước cửa nhà, quát bé Kiều Tiên: "Mày qua kia hỏi mẹ mày có về không, để tao xách dao qua là to chuyện". Sợ con bị làm hại, chị vội về.
Gương mặt sợ hãi của con đã khiến chị quyết tâm đưa chúng rời quê, tránh xa người chồng bạo hành của chị. Chị Thủy cũng nghĩ lung lắm, nhỡ không kiếm được việc, nhỡ không có tiền trả tiền thuê trọ, rồi con học hành ra sao... Suy nghĩ đủ thứ nhưng chị vẫn liều mạng đi, không đành để con ở nhà.
Kiều Tiên ngây thơ nói: "Con lên Sài Gòn thấy vui hơn ở quê. Dưới quê con không có bạn. Bạn không chơi với con vì bạn chê con nghèo. Con không nhớ ba, tại ba con nhậu quá! Ba không đánh con nhưng chửi con, sai con làm đủ thứ hết. Ba đánh mẹ, lần nào con cũng thấy...".
Lòng tốt của những người dưng
Chị Thủy tâm sự, rời quê, chị phải vội vàng thay đổi số điện thoại để chồng không gọi, không năn nỉ mình về như mấy lần trước. Mẹ chồng thương chị lắm. Thấy con dâu bị hành hạ, bà cũng nghèo không đùm bọc được con cháu, bà chỉ khuyên chị đem hai đứa con trốn chạy. Cô chồng cũng nói chị bỏ chồng đi cho đỡ khổ, đừng sống trong đọa đày như vậy.
Đợt trước dịch căng, chị chưa dám nhúc nhích. Tới khi chích đủ 2 mũi vaccine, chị mới dám đánh liều ôm hai đứa con đi, chỉ kịp vơ vội ít quần áo của con. Tối đó, chị xin vòng vòng trong xóm được 500 ngàn, đi xe hết 350 ngàn từ quê lên Sài Gòn.
4 giờ sáng đến nơi, chị cũng không biết đi đâu. Một ông xe ôm chở ba mẹ con đi lòng vòng một hồi, lấy 100 ngàn tiền công, vậy là trong túi còn 50 ngàn. Chị không dám ăn gì, định để dành đến tối mua nước uống, mua cháo cho hai con ăn.
"Tài sản" chị Thủy mang theo khi rời nhà.
Ba mẹ con đang thất thểu đi trên đường, một phụ nữ trẻ dừng lại hỏi thăm ân cần: Chị quê ở đâu, đang đi đâu đây, ba mẹ con ăn gì chưa... thế là chị Thủy bật khóc. Vô tình người phụ nữ đó cũng cùng quê Sóc Trăng, dắt chị về nhà cho ngủ tạm và nấu cơm cho ăn.
Thanh Ngân (tên người cưu mang mẹ con chị Thủy) cho biết, lý do cô đưa ra quyết định ấy rất nhanh, là vì chị Thủy không hề xin cô tiền. Ngân hỏi thăm thì chị Thủy trả lời, tâm sự rằng trong túi còn 50 ngàn, chị để dành mua đồ ăn cho con, còn mình nhịn cũng được. Ngân nghe thế thì xúc động và dang tay cưu mang ba mẹ con, dù cô cũng chẳng giàu có gì.
Xưởng hàn của nhà Thanh Ngân đang là nơi tá túc tạm của ba mẹ con chị Thủy.
Chị Thủy mới được một YouTuber tặng 2 triệu để làm vốn "khởi nghiệp" vé số và ve chai. Bé Chuột còn nhỏ thì mang đi cùng mẹ, chị chỉ trăn trở bé Tiên chưa biết cho đi học kiểu gì. Con bé đang học dở lớp 2.
"Hồi ở quê, con người ta học online nhưng nhà em nghèo đâu có máy hay gì để học. Cô giáo kêu mua cho bé bộ sách giáo khoa, mỗi ngày bé cứ tự giở ra học một mình vậy thôi. Mà con bé giỏi lắm, chữ gì nó cũng biết hết trơn. Bộ sách đó em còn thiếu nợ chưa trả, mà sách cũng bỏ ở nhà mất rồi...".
Nhưng có một điều chị Thủy kiên định, đó là chị sẽ không về với người chồng vũ phu nữa. Ngày mới xa, chị còn nhớ còn thương chồng, mà giờ tĩnh trí nghĩ lại, chị thấy mình khổ thế đủ rồi. Chị bảo, khó lắm mới đưa được con đi, chị sẽ bảo vệ chúng bằng mọi giá.
(Nguồn tham khảo: Anh Duy TV)
https://soha.vn/me-om-2-con-gai-thao-chay-trong-dem-tron-ga-chong-bao-luc-co-chet-cung-phai-bao-ve-chung-20220105010133179.htm
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.