Mẹ tiến sĩ sử dụng chiến thuật "4 chữ" cùng chiếc đồng hồ giả, con đang ì ạch lề mề bỗng trở nên tự lập đáng ngạc nhiên

Sau một thời gian phải giục buổi sáng con thay quần áo, ăn sáng nhưng càng nhắc con nhiều con lại càng ì hơn, thậm chí cãi lại, chị Thu đã áp dụng phương pháp khác, cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng.

Chị Aki Nguyễn (Nguyễn Thị Thu) được biết đến như một người mẹ truyền cảm hứng nổi tiếng. Con trai của chị - bé Bon - năm nay 6 tuổi.

Cũng như những đứa trẻ khác, Bon cũng có những lúc lề mề, không thích bị nhắc nhở, chỉ đạo. Sau một thời gian phải giục buổi sáng con thay quần áo, ăn sáng nhưng càng nhắc con nhiều thì con lại càng ì hơn, thậm chí nếu mẹ cáu thì con sẽ cãi lại: "Chuyện của con mẹ để con tự lo sao mẹ cứ can thiệp thế nhỉ", chị Thu đã áp dụng phương pháp khác, cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng.

Mẹ tiến sĩ sử dụng chiến thuật

Chị Aki Nguyễn (Nguyễn Thị Thu).

Chiến thuật của chị gói gọn trong 4 chữ: GIỤC CON ÍT ĐI. Đồng thời chị xây dựng và thực hiện kế hoạch với to do list cùng chiếc "đồng hồ giả có thể xoay kim". "Kết quả mình nhận lại được là Bon tự lập và tự giác hơn trong tất cả mọi việc", chị Thu chia sẻ. Chiến thuật của chị được rất nhiều phụ huynh chia sẻ và làm theo.

Trong việc đồng hành cùng con, theo chị Thu, không chỉ con mà cả bố mẹ đều phải kiên trì, bởi đây là một hành trình rất dài, không phải ngày một ngày hai.

Sau đây là những bước chị Thu đã thực hiện để con tự lập và tự giác:

1. NÓI CHUYỆN NGHIÊM TÚC VỚI CON

Vì Bon không thích mẹ nhắc nhở, nghĩa là con đã rất tự lập. Vì thế mẹ sẽ không nhắc nhở những việc liên quan đến bản thân con nữa. Những công việc con cần làm vào mỗi buổi sáng và tối mình cùng viết ra và con duy trì thực hiện theo.

Mẹ hứa sẽ không can thiệp, không nhắc nhở hay giục giã nữa. Việc của con thì con sẽ tự quyết định và nhìn đồng hồ để sắp xếp.

2. ĐẶT CHUÔNG BÁO THỨC (thay vì mẹ gọi)

Mình thấy việc để chuông báo thức hiệu quả hơn nhiều việc mẹ gọi. Một thời gian mình có duy trì chuông báo thức buổi sáng, sau đó lại bỏ quên, nhưng khi triển khai lại thì thấy hiệu quả vô cùng. Đương nhiên có hôm con dậy muộn và đi học muộn một xíu thì con phải tự chịu trách nhiệm với cô giáo.

3. Lên lịch TO DO LIST 

Mình viết ra giấy danh sách những việc con cần làm và dựng nó trên bàn ăn.

Mẹ tiến sĩ sử dụng chiến thuật

Chị Thu viết ra giấy danh sách những việc con cần làm và dựng nó trên bàn ăn.

Sau 1-2 tuần mình cùng con follow theo danh sách công việc thì con đã nhớ những việc mình cần làm mỗi buổi sáng và tối là gì. Nếu con không làm theo mình sẽ đặt câu hỏi "bây giờ việc của con là phải làm gì con có biết không? Đi học về con cần phải làm những gì nhỉ?" chứ không nhắc ngay việc con phải làm là gì.

Đồng hồ giả có thể dùng giấy vẽ đồng hồ cũng được. Quy định đến thời gian nào con phải hoàn thành công việc đó, hoặc thời gian nào con sẽ bắt đầu phải làm thì chỉ cần xoay kim (vẽ) đồng hồ đó và dán lên cạnh đồng hồ thật cho con dễ nhìn. 

Học sinh mầm non và lớp 1-2 chưa có ý thức về thời gian nên phải dùng cách này mới hiệu quả. Ở nhà mình thì mình sẽ dùng đồng hồ đó quy định giờ ăn, giờ học bài. Khi học bài cũng sẽ để con học 20p lại nghỉ 10p, vì bạn ấy còn nhỏ nên khả năng tập trung chưa cao. 

Cách làm này giúp con động não suy nghĩ thay vì chỉ làm theo sự sắp xếp của bố mẹ. Trong những việc con phải làm con sẽ tự mình sắp xếp, có thể đổi thứ tự cũng được. Nhưng mình luôn có quy định là về đến nhà con học bài xong thì mới được giải trí, chứ không thể cho con làm ngay việc dễ dàng được.

4. TÁCH DẦN SỰ CAN THIỆP VÀ GIÁM SÁT CỦA BỐ MẸ THEO TỪNG BƯỚC

Hiện tại Bon có thể một mình đạp xe đến trường (cũng không xa nhà lắm), mà không cần mẹ phải đi cùng nữa. Để làm được điều đó mình đã đồng hành trong 1 năm lớp Một. Ban đầu là đi bộ theo sau con để xem con xử lí tình huống trên đường như thế nào. Tiếp đến là đứng từ xa nhìn con đi. Và sau đó là khích lệ để con tự đi. Buông cũng cần có quy trình để giúp con tự tin với việc đó.

Thi thoảng nếu con muốn được mẹ đi cùng để nói chuyện thì mình vẫn đi bộ cùng con đến trường. Với việc lên to do list cũng vậy, ban đầu con chỉ cần làm được 1 trong số các việc, tiếp đến là 2 rồi 3 việc, mình chỉ kiên trì và follow theo con thôi. Càng ít nhắc và kiên nhẫn chờ đợi con sẽ càng tự giác hơn.

5. CÀNG BAO BỌC CON, LO CHO CON THÌ CON LẠI CÀNG KHÔNG TRÂN TRỌNG

Mình cảm thấy Bon chỉ có một mình nên con được chiếm trọn vẹn sự quan tâm và thời gian của mẹ. Vì thế đôi khi con không biết trân trọng những điều bố mẹ dành cho con. Giống như kiểu một ai đó làm hết mọi thứ cho mình sẽ khiến mình nghĩ rằng điều họ làm là điều hiển nhiên, chẳng cần phải trân trọng làm gì.

Khi lên lớp Một mình đã trao đổi rất nghiêm túc với con rằng thời gian của ai cũng trân quý, đã đến lúc mẹ sẽ không thể dành mãi thời gian cho con được mà con không hề nghĩ cho mẹ.

Mẹ sẽ không nhắc nhở con nhiều nữa, vì điều đó cũng lấy đi thời gian của mẹ.

Mẹ sẽ không đưa đón con mỗi sáng vì con đã có thể tự làm được rồi. Nếu hôm nào con muốn mẹ đưa con đi thì mẹ sẽ đi cùng. Nhưng nếu hôm nào mẹ không thể đi cùng thì con sẽ tự đi mà không hậm hực hay nghĩ rằng mẹ không yêu con.

Mẹ tiến sĩ sử dụng chiến thuật
 

Yêu không có nghĩa là đáp ứng mọi điều người khác mong muốn mà bỏ quên đi cả bản thân mình. Mẹ tôn trọng chính mẹ thì con mới tôn trọng mẹ, và học được cách tôn trọng chính mình.

Có vẻ thanh niên lớp Một đã hiểu được điều đó, nên khi mẹ không nhắc nhở nhiều nữa thì cũng tự lập hơn, coi trọng những điều mẹ đã làm cho mình hơn.

Chị Thu chia sẻ: "Đôi khi bản thân mình cũng rất phân vân giữa ranh giới của việc yêu thương vô điều kiện và việc yêu thương có kỉ luật. Dù sao chúng ta cũng là một cơ thể tách biệt hoàn toàn với con mình. Vẫn có những thời điểm cần phải cho con biết rằng bố mẹ không phải là sở hữu của con, và ngược lại con cũng không phải là sở hữu của bố mẹ. 

Bố mẹ sẽ là người đồng hành cùng con, giúp con học được những bài học quý giá trong cuộc sống, giúp con thấy tự tin vào quyết định của mình, vững bước trên con đường mà con chọn".

Chị Nguyễn Thị Thu tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, là đồng sáng lập và kiêm giám đốc đào tạo của hệ thống Trường Mầm non Tsubaki. Chị là tác giả của hai cuốn sách rất hot "Kỉ luật mềm của trái tim" và "Đọc ehon cho bé", sắp tới là cuốn "Kỉ luật mềm trong gia đình" sẽ phát hành cuối tháng 6.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang