Đóng vai "mẹ lười" để dạy con làm việc nhà
Ngày xưa khi chưa lấy chồng, chị Vũ Thúy Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) luôn mong muốn mình sẽ kiếm được "đức lang quân" sẽ yêu thương, và cùng mình sẻ chia mọi thứ, trong đó có làm việc nhà. Chị Hằng nghĩ rằng, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn khi luôn có sự yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia. Chính vì thế, khi làm mẹ của 3 em bé, trong đó có 2 bé trai thì chị Hằng càng nung nấu ý định muốn rèn luyện các con. Mẹ trẻ mong con trai mình lớn lên sẽ trở thành những người đàn ông sống có trách nhiệm, biết san sẻ việc nhà với người vợ của các con sau này.
Chị Hằng chia sẻ: "Có nhiều bà mẹ nghĩ rằng huấn luyện cho 1 bé trai làm việc nhà sẽ khó hơn là huấn luyện cho bé gái. Mình nghĩ con trai hay con gái thì đều như nhau, không có dễ hay khó. Mình giúp các con nhận thức được rằng: không có sự phân biệt việc gì là của con trai, hay việc gì là của con gái. Những kĩ năng sống ai cũng phải có để có thể tự phục vụ bản thân mình. Công việc trong gia đình thì mọi người đều phải có ý thức và trách nhiệm như nhau.
Bản chất thì các con trai mình cũng vẫn chỉ là những đứa trẻ vô tư và đôi khi cũng rất ham chơi. Nhưng mình luôn kiên trì và không bỏ cuộc trong hành trình rèn luyện con. Mình hướng dẫn con từ những việc nhỏ nhất. Khi con làm mình sẽ ở bên quan sát và nhắc nhở khi cần. Có những vấn đề mình phải chỉ bảo cho con nhiều lần, hoặc nhắc lại công việc khi con mải chơi quên mất. Mỗi đứa trẻ sẽ có 1 tính cách và nhận thức khác nhau. Có thể đứa trẻ của bạn sẽ không thích làm việc nhà, không có hứng thú với việc bếp núc. Nhiệm vụ của người mẹ là truyền lửa đam mê cho con bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn tuyệt đối.
Mình giáo dục các con: công việc nhà cũng giống như ăn uống, nó là 1 hoạt động thường xuyên hàng ngày. Không phải là làm theo cảm hứng mà phải duy trì thành nề nếp. Khi con đã có thói quen làm việc thì sẽ hình thành ý thức tự giác".
Để con trai sống tự lập, có trách nhiệm, và làm gương cho các em, mẹ trẻ dạy con làm việc nhà từ rất sớm. Cậu bé 9 tuổi đã biết chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình và 2 em, phụ mẹ lau sàn nhà, gấp chăn màn sau khi ngủ dậy và có thể làm bữa tối.
Và để con có ý thức làm việc nhà, bà mẹ Việt kiều biến mình trở thành "người lười". Theo chị, ngày xưa hay có quan điểm, phụ nữ là phải dịu dàng, chăm chỉ và cần cù, sẵn sàng hi sinh vì chồng con, lo toan tất cả việc nhà, chăm sóc gia đình chu đáo. Việc nhà là chỉ của phụ nữ thôi. Chính những quan điểm ấy biến đàn ông khi trưởng thành trở thành người lười biếng, gia trưởng và sống phụ thuộc. Chị Hằng cũng đã từng sống như thế. Chị ôm đồm tất cả mọi việc trong gia đình một cách cầu toàn và kỹ tính. Nhưng kết quả thì gia đình chẳng vui vẻ, chồng con không biết việc nhà và chị thì quá mệt mỏi. Thế là mẹ trẻ quyết định làm theo hướng ngược lại. Chị giảm bớt những yêu cầu của bản thân, đơn giản hóa mọi chuyện và đưa các con nhập vào "cuộc chơi".
"Dạy con từ thủa còn thơ. Mình tin rằng việc giáo dục những đứa trẻ ngay khi còn nhỏ về những kĩ năng sống là thực sự cần thiết. Có thể con không có trí thông minh vượt trội, học hành không xuất sắc nhưng kĩ năng sống cơ bản thì cần phải có. Đôi khi đó còn là "khả năng sinh tồn" của mỗi con người.
Mình tập cho con từ những việc nhà đơn giản nhất, dần dần thì nâng cấp công việc cao hơn theo lứa tuổi và khả năng của con. Mình bớt "nhúng tay" vào những việc vặt vãnh, dành thời gian cho việc hướng dẫn và quan sát con. Khả năng "lao động" của con sẽ tăng lên theo mỗi ngày rèn luyện. Mình phân chia công việc cụ thể. Mỗi thành viên đều có nhiệm vụ và trách nhiệm với phần việc của mình. Có đôi khi mình đi làm về mệt quá, tự cho phép bản thân lười biếng chút. Mình yên tâm nghỉ ngơi vì đã có các con thay mình dọn dẹp, sắp xếp mọi việc" - chị Hằng cho hay.
Đôi khi bé lớn lại là "thầy" dạy các em nấu ăn, rửa bát và sắp xếp mọi thứ trong nhà gọn gàng, sạch sẽ...
Những "tuyệt chiêu" của mẹ lười giúp con chăm làm việc nhà
1. Mẹ con mình cùng chơi trò chơi nhé
Khi con khoảng 3 tuổi là chị Hằng bắt đầu cho trẻ làm quen với công việc nhà. Theo chị, ở lứa tuổi ấy, con vẫn đang tò mò và hào hứng tìm hiểu cái mới. Chính vì vậy chị cho con tiếp cận những công việc đơn giản như bóc hành tỏi, thu dọn đồ chơi, tập gấp quần áo... Tất nhiên, vì con còn nhỏ nên không thể chỉn chu như người lớn được. Có thể chiếc áo con gấp vẫn còn méo mó, không vuông vắn... nhưng chị không đặt nặng vấn đề là làm việc. Chị coi đó như 1 trò chơi để con hứng thú hơn. Tâm lý của 1 đứa trẻ thì bao giờ chơi trò chơi cũng hấp dẫn hơn nhiều so với việc bị sai làm cái này, cái kia.
2. Con giúp mẹ được không?
Trẻ con là lứa tuổi hồn nhiên, thích sự ngọt ngào. Đôi khi phải "nịnh" một chút thì chúng mới nghe lời. Chính vì vậy khi con không muốn làm 1 việc gì đó, thay vì nói: "Con phải làm!" thì chị nhẹ nhàng nhờ con giúp. Bọn nhỏ nhà chị Hằng rất nhiệt tình khi nghe mẹ nhờ vả. Vì đôi khi nụ cười hài lòng của mẹ cũng khiến chúng hãnh diện và tự hào lắm.
Em út giúp mẹ gấp quần áo. Dù chưa thật chỉn chu nhưng chị Hằng cũng cảm thấy hài lòng rồi!
3. Chúng ta nên làm việc nhà hàng ngày
Theo bà mẹ 8X, việc rèn con làm việc nhà không phải là chuyện 1 sớm 1 chiều mà là cả 1 quá trình dài. Vì có thực hiện hàng ngày mới rèn cho con thành thói quen.
"Mình luôn ở bên nhắc nhở, quan sát các con làm mọi việc. Khi cần giúp đỡ thì mẹ sẽ chỉ bảo kịp thời. Còn khi con đã quen việc thì mình để con tự làm và sẽ nghiệm thu kết quả.
Ví dụ như ở nhà việc dọn dẹp chén bát và bồn rửa sau khi ăn sẽ do bạn lớn năm nay 9 tuổi làm. Mẹ là người hướng dẫn con các bước vệ sinh, từ đó con hình thành thói quen khi dọn dẹp rất sạch sẽ và ngăn nắp.
"Mẹ ngồi quan sát xem anh làm việc thế nào? Nếu cần thiết thì nhắc nhở. Thế nhưng anh cả thuộc bài lắm, mọi thứ gọn gàng khiến mẹ không thể bắt lỗi được. Bát đĩa nào rửa máy được thì anh tráng sạch thức ăn, xếp vào máy rửa. Đồ nào rửa tay thì anh rửa thật kĩ. Sau đó anh dọn rác đi đổ" - mẹ trẻ nói.
Cháu đã từng hỏi mẹ: "Tại sao con phải học nấu ăn?". Mẹ cháu trả lời: "Học nấu ăn để khi không có mẹ ở bên thì con có thể tự nấu ăn cho mình hoặc mọi người. Khi lớn con có thể giúp vợ nấu ăn, làm việc nhà!"
Bình thường mẹ cháu hay sơ chế đồ ăn từ sáng. Chiều mẹ chỉ có khoảng 45 phút đến 1 tiếng để đón em gái cháu ở trường về nhà, rồi chuẩn bị bữa tối. Sau đó mẹ lại đi làm tiếp đến khoảng 7h tối mới về. Cháu sẽ phụ mẹ cùng làm cơm rồi cho các em ăn trước, hôm nào bố mẹ được về sớm thì cả nhà cháu sẽ ăn cùng nhau.
Một ngày của cháu bắt đầu từ 6h sáng. Cháu đặt báo thức rồi gọi các em dậy. Cháu lấy nước ấm cho 3 anh em uống xong rồi sẽ làm đồ ăn sáng. 3 anh em hay ăn sáng theo kiểu Tây, món khoái khẩu là bánh mì nướng phô mai và thịt nguội. Hoặc các loại bánh mì phết mứt dâu, bánh mì trứng. Những món đơn giản thì cháu sẽ tự làm cho cả 3 anh em, còn phức tạp hơn chút thì mẹ cháu giúp. Ăn xong cháu dọn dẹp bát đĩa trong máy (đã rửa sạch từ tối hôm trước) xếp lên tủ. Rồi lại dọn cốc đĩa bẩn vào máy. Cháu còn phải nhắc nhở, giúp em trai chuẩn bị nước uống và trái cây để mang đi học. Đến giờ thì cháu dẫn em đến trường!
Chiều cháu lại dắt em trai từ trường về nhà, cùng mẹ nấu ăn. Mẹ đi làm tiếp thì cháu tắm cho em trai, lấy cơm cho các em ăn. Thỉnh thoảng em gái cháu lười không muốn ăn cháu lại phải nhắc em xúc cơm ăn cho xong.
Thời gian biểu của anh em cháu muộn nhất là 9h phải lên giường. Trước khi ngủ cháu không quên đổ nước vào mấy cái máy phun sương trong phòng ngủ cho cả 3 anh em. Mẹ cháu không dặn dò đâu mà cháu tự giác làm ấy. Vì mẹ cháu hay bảo: "Nhìn thấy việc thì nên tự giác làm!"" - chị Hằng nêu ví dụ.
Đôi khi 2 em nhỏ học anh nên cũng hăng hái làm việc nhà như gấp quần áo, xếp đồ trong tủ lạnh, lau bàn ăn...
4. Ai cũng có nhiệm vụ của riêng mình
Khi con đã lớn và nhận thức được hành động, mẹ Việt kiều thay đổi cách thức rèn luyện con. Chị phân tích cho các con về trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Sau đó sẽ chỉ ra mỗi người 1 công việc, 1 nhiệm vụ riêng.
"Khi các con lớn và biết làm việc tốt hơn thì công việc không còn là "trò chơi", con không còn "giúp mẹ" mà đó là trách nhiệm của bản thân con. Mình phân chia công việc phù hợp theo sức của các con. Nếu cần hỗ trợ thì con có thể nhờ anh em cùng giúp. Mình cũng hay tổ chức thi đua xem ai làm việc nhanh? Ai hoàn thành công việc tốt?
Ngoài ra mình cũng có 1 số lưu ý trong quá trình rèn luyện con:
- Không hứa hẹn, trao thưởng khi con làm việc nhà. Một đứa trẻ làm việc với tâm lí: làm để được thưởng tiền, làm để được chơi máy tính,... thì việc làm ấy đã đi ngược lại với mục đích rèn luyện con.
- Nghiêm túc phê bình và nhắc nhở khi con không hoàn thành công việc của mình. Thái độ đánh giá của bố mẹ cũng ảnh hưởng đến ý thức tự giác và nâng cao trách nhiệm của con hơn.
- Kiên nhẫn với con! Mình nghĩ đây là điều rất quan trọng, bởi việc dạy dỗ 1 đứa trẻ cần rất nhiều thời gian và tâm huyết của cha mẹ. Chúng ta luôn phải sát cánh bên con, theo dõi và lắng nghe xem con cần gì? Làm như thế nào để tốt hơn? Con cần giúp đỡ không?
Ngoài ra chúng ta cũng không nên vội vàng đòi hỏi con phải biết làm mọi việc ngay, làm được theo ý mình. Bởi vì chúng vẫn còn là những đứa trẻ. Có thể hôm nay chúng lau cái bàn chưa sạch, gấp quần áo chưa gọn! Nhưng không sao cả, mẹ hãy cứ kiên nhẫn cùng con tập luyện nhiều hơn nhé. Mẹ hãy vui và khích lệ con nhiều hơn để con có động lực cố gắng".
Anh cả giờ có thể đứng bếp thay mẹ với sự tự tin, chị Hằng yên tâm "lười" được rồi!
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/me-tre-day-con-lam-viec-nha-dong-vai-phu-huynh-luoi-nhac-truyen-hung-thu-lao-dong-cho-con-bang-cac-cuoc-choi-2220225811531885.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.