Mẹ trẻ tóc tai rũ rượi nhìn con gào khóc trong tuyệt vọng, bạn có từng rơi vào hoàn cảnh như vậy?

Có lẽ chỉ những ai đã từng rơi vào hoàn cảnh ấy mới có thể thấu hiểu được.

Sau khi sinh con, cùng với niềm hạnh phúc đón em bé chào đời, người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Nhất là với những người lần đầu tiên làm mẹ chưa có kinh nghiệm, sự bỡ ngỡ trong việc chăm sóc con là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, họ phải chấp nhận cả cơ thể, sức khỏe cũng như nhan sắc không còn được như trước nữa.

Mệt mỏi cộng thêm khó khăn dồn dập tới khiến không ít mẹ bỉm rơi vào trạng thái stress nặng hay trầm cảm sau sinh. Họ không biết phải làm gì, cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, bế tắc kéo dài, thậm chí còn nghĩ đến những tình huống tiêu cực.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại khoảnh khắc ám ảnh rất nhiều mẹ bỉm. Trong khi đứa con mặt mũi đỏ ửng vì gào khóc thì người mẹ trẻ lại chỉ ngồi im dửng dưng như không có gì xảy ra. Tóc tai rũ rượi, khuôn mặt bơ phờ, quần áo nhếch nhác, người mẹ nhìn con khóc với ánh mắt hoàn toàn vô cảm.

Mẹ trẻ bị trầm cảm sau sinh.

Thậm chí khi đứa bé đưa hai tay cầu cứu, người mẹ cũng không chút lay động, thẳng thừng gạt phăng ra. Không biết bao lâu sau đó thì em bé nín khóc, liệu người mẹ có mủi lòng rồi ôm lấy con, hay có ai đó giúp đỡ cô không? Khoảnh khắc trên khiến rất nhiều người cảm thấy đau lòng, đặc biệt là các mẹ bỉm đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Mọi người đoán rằng có lẽ người mẹ trong video trên đã rơi vào trầm cảm, chứng bệnh mà khá nhiều người phụ nữ sau sinh gặp phải.

Bệnh trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính... Các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh thường không được gia đình chú ý, chỉ đến khi xảy ra nhiều hậu quả đau lòng thì người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của căn bệnh này.

Phụ nữ có các biểu hiện sau có thể là do trầm cảm sau sinh:

- Tâm trạng cảm thấy buồn, thậm chí không biết lý do vì sao buồn, vô vọng, trống rỗng, hay thấy quá tải về mọi thứ xung quanh.

- Khóc thường xuyên, khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí không biết lý do vì sao lại khóc.

- Luôn cảm thấy lo sợ, sợ hãi. Buồn phiền, cáu kỉnh, bồn chồn. Rơi vào trạng thái mất ngủ, không thể yên tâm ngủ say, hoặc ngủ quá nhiều.

- Khó khăn khi tập trung, mất tập trung, khó đưa ra các quyết định. Giận dữ, mất kiểm soát.

- Không quan tâm đến bản thân, thấy không còn các sở thích như ngày xưa. Đau đớn về cả thể chất và tinh thần, nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ, mệt mỏi.

- Ăn quá ít, không muốn ăn, có trường hợp lại ăn rất nhiều. Ngại tiếp xúc với người khác, xa lánh người thân, bạn bè, thậm chí không muốn gần gũi với con.

- Không tin tưởng khả năng có thể che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho con. Xuất hiện các ý nghĩ làm hại bản thân và con.

Mẹ trẻ tóc tai rũ rượi nhìn con gào khóc trong tuyệt vọng, bao nhiêu mẹ bỉm đã từng như vậy?  - Ảnh 2.

Người mẹ bất lực nhìn con gào khóc

Để phòng ngừa bệnh trầm cảm sau sinh, bạn nên thực hiện các việc làm sau đây:

Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp

Tập thể dục có thể có tác dụng chống trầm cảm cho phụ nữ. Chỉ cần tập trong một khoảng thời gian ngắn với các bài tập nhẹ nhàng, giúp cơ thể giải phóng năng lượng và giảm stress.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Thói quen ăn uống các thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh có thể giúp các mẹ sau sinh cảm thấy tốt hơn và cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết. Hãy thử lên kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần vào cuối tuần và thậm chí chuẩn bị đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe. Giai đoạn sau sinh là thời điểm tốt để tăng cường lượng axit béo omega-3, như DHA. Phụ nữ có mức độ DHA thấp có tỷ lệ trầm cảm sau sinh cao hơn.

Cố gắng dành thời gian cho bản thân

Nếu bạn thấy choáng ngợp bởi trách nhiệm chăm sóc con và làm việc nhà, hãy thử nhờ sự trợ giúp của người thân, bạn bè, đặc biệt là chồng. Thi thoảng mẹ bỉm nên ra khỏi nhà trong một khoảng thời gian ngắn để thay đổi không khí. Hoặc có thể sử dụng thời gian này để đi dạo, ngủ trưa, xem phim hoặc tập yoga và thiền định, miễn là cho bản thân cơ hội được làm điều mình thích.

Dành thời gian nghỉ ngơi

Trong những ngày đầu, em bé có khả năng không ngủ qua đêm nên các mẹ bỉm sẽ phải dần thay đổi thói quen ngủ để dành thời gian chăm sóc bé. Nếu bạn cho con bú bằng sữa mẹ, hãy cân nhắc việc chuẩn bị bình sữa để nhờ người hỗ trợ chăm sóc trẻ khi cần. Bên cạnh đó, các mẹ cũng có thể tìm người có cùng hoàn cảnh để tâm sự, trút hết những lo lắng trong lòng, hạn chế suy nghĩ sẽ giúp các mẹ tránh được trầm cảm sau sinh.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang