#MeToo: Khi nạn nhân cưỡng bức không im lặng và MXH cũng chẳng còn đổ lỗi

(lamchame.vn) - Sự việc một nhà báo của tờ Tuổi Trẻ bị tạm đình chỉ để điều tra vì nghi vấn lạm dụng tình dục nữ cộng tác viên đã dấy lên phong trào #METOO trong làng báo và đặt câu hỏi liệu câu chuyện quấy rối có chỉ dừng lại ở giới showbiz hay không?

Năm 2006, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Tarana Burke lần đầu tiên lập nhóm Me Too (Tôi cũng vậy) với mong ước những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục có thể tâm sự về nỗi đau họ phải chịu đựng.

11 năm sau, từ khóa này trở thành phong trào gây bão mạng và dần lan rộng đến các nước vốn không mấy cởi mở khi nói đến tình dục, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.

Nhưng chỉ một tuần trước, dư luận vẫn nghĩ, chuyện lạm dụng tình dục xảy ra nhiều nhất ở showbiz. Cho tới khi, thông tin về việc một nữ cộng tác viên báo Tuổi trẻ nhập viện vì bị một người làm việc tại tòa soạn báo này sàm sỡ lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Rất nhiều cư dân mạng Việt đang cùng chia sẻ hastag #METOO thay lời ủng hộ các nạn nhân bị quấy rối tình dục trong môi trường lao động. 

Tuổi Trẻ đã đưa ra thông báo vào tối 19/4: “Để xác minh những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội và một số báo điện tử liên quan đến nhà báo Đặng Anh Tuấn (Anh Thoa), trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ, Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ đã tiến hành kiểm tra theo quy trình nội bộ, trực tiếp trao đổi với những người có liên quan và nhân chứng về việc này.

Kết quả xác minh bước đầu cho thấy thông tin một cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ tự tử là không chính xác.

Cộng tác viên này nhập viện từ tối 18/4 vì lý do sức khỏe và đã xuất viện trong sáng 19/4”.

Câu chuyện của nhà báo Anh Thoa có thực hay không vẫn còn cần một quá trình xác minh và chờ đợi sự công bố từ phía nội bộ báo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, khởi nguồn câu chuyện trên facebook đã rộ lên phong trào #METOO trong làng báo, cho thấy câu chuyện lạm dụng tình dục còn tồn tại ở môi trường công sở chứ không chỉ dừng lại trong giới showbiz.

Đ.H - một nữ nhà báo văn hoá ở Hà Nội chia sẻ trên trang cá nhân sau hastag #METOO: “Hai hôm nay cứ nghĩ mãi về chuyện này.

Mười mấy năm làm báo, nếu mà kể ra, danh sách cũng ko ngắn. Nhưng mà, khi mình không lưu giữ được bằng chứng, thì kể ra có ích gì? Thậm chí còn có thể làm hại bản thân.

Bọn đê tiện này dù có mặt khắp nơi, nhưng chúng cũng hèn lắm, vì có nhiều thứ để mất. Cho nên, nếu chúng ta đừng NGÂY & THƠ quá, thì chúng chẳng dễ làm gì được mình đâu.

P/s: À, một trong những bí quyết của mình là: Không bao giờ quá chén”.

Chia sẻ ngay bên dưới những tâm tư nói trên, một người dùng Facebook tiết lộ: “Bạn bè em gặp đầy, nhiều con lợn thế lắm. Mà sao nhiều người cứ thánh đường hóa một cơ quan làm việc nào đó thế nhỉ, để rồi chấp nhận tất cả ấy”.

Cũng tán đồng ý kiến của nữ nhà báo, bạn có nickname T.T. trên MXH chia sẻ: “Ai cũng có thể bị dính. Hồi đi thực tập thì k, nhưng vài năm đầu mới đi làm gặp không biết bao nhiêu dê cụ. Nhưng vấn đề là ở mình. Cứng thì không bao giờ có chuyện gì xảy ra”.

Bạn L.P. lại tỏ ra lo lắng: “Nếu mình không chỉ đích danh tên người đó ra, mình không dũng cảm nói sự thật, thì sẽ còn có nhiều người bị như mình. Nhưng nếu mình nói ra, không có bằng chứng cụ thể, thì làm thế nào người ngoài biết được đó là sự thật chứ không phải là hành vi vu khống nhằm 1 mục đích nào đó? (tất nhiên điều này có thể xảy ra mà). Nhưng quấy rối tình dục thì làm gì có bằng chứng”.

Không chỉ chia sẻ hastag đang làm mưa làm gió MXH, H.H.V còn kêu gọi mọi người cùng chung tay chống lại tệ nạn xấu xa trong làng báo: “May mà người vẫn còn không thì quá muộn để bắt đầu #Metoo ở VN. Đồng hành để nạn nhân không đơn độc và những kẻ xấu, cái xấu phải bị loại bỏ”.

Trên MXH cũng đang chia sẻ thông tin, Ban chủ nhiệm khoa Báo chí và Truyền thông của một trường ĐH sẽ tạm ngưng việc gửi sinh viên tới thực tập ở báo Tuổi trẻ trong năm nay. Các bạn đã đăng ký thực tập ở đây sẽ được gia hạn thời gian để đăng ký nguyện vọng khác. Đây được coi là động thái cụ thể và cứng rắn của khoa trong vấn đề đảm bảo an toàn và quyền lợi của sinh viên trong kỳ thực tập.

Chiến dịch #METOO kêu gọi nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng, phanh phui hàng loạt yêu râu xanh tại trường học, công sở, tác động mạnh mẽ lên xã hội tại nhiều nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ cô gái CTV trẻ trong câu chuyện đang gây xôn xao dư luận, cũng có rất nhiều ý kiến đổ lỗi, trách móc em. “Không có lửa thì làm sao có khói”, “không thả thính thì sao nó dám làm”... là những gì người ta nói.

Ý kiến của L.C. đang được chia sẻ tại nhiều bình luận và khiến không ít người ngỡ ngàng: “Chuyện hiếp dâm hay gạ chịch trong làng báo đâu phải chuyện hi hữu đâu mà quý vị có vẻ bất ngờ thế ạ? Lần này thông tin lan ra chắc cũng có lí do (từ một trong hai phía hoặc cả hai).

Mà đã biết đầu đuôi ngọn ngành đâu mà quý vị cứ nghiêng hẳn về phe bạn nữ thế?”.

Lướt qua những ý kiến tương tự, Facebook N.S đã phải thốt lên rằng: “Họ đã là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục. Nếu kể ra sẽ lại trở thành nạn nhân của miệng lưỡi thiên hạ”.

N.N.H chia sẻ kinh nghiệm đau đớn của mình khi thẳng thắn nói về chuyện bị quấy rối: “Sau khi tao kể câu chuyện của tao cho trưởng phòng và nhận được câu trả lời: Do mày không khéo và xử lý mối quan hệ kém thôi. Cái đó là bình thường”.

Quả thật đặt trong nhiều trường hợp, tiếng nói phản ứng của phụ nữ trước những vụ lạm dụng tình dục không được nhiều người xung quanh ủng hộ. Đôi khi, nạn nhân còn bị chính đồng nghiệp và người thân xung quanh đánh giá là cố tình xảy ra chuyện đó để có được bước tiến thuận lợi hơn trong con đường sự nghiệp.

Với mỗi chị em, điều trước hết để bảo vệ mình trước việc bị lạm dụng tình dục nơi làm việc là phải dám lên tiếng và có thái độ dứt khoát, rõ ràng đối với bất kỳ hành động chớm nở nào. Nếu chấp nhận để sự dễ dãi ban đầu phát triển, chị em sẽ phải hối hận khi câu chuyện đi quá xa và mình không thể kiểm soát được.

#METOO cần được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa trong làng báo nói riêng cũng như trong môi trường công sở nói chung. Sự phát triển của mạng xã hội cho phép chị em có phương tiện để bảo vệ mình. Cái xấu sẽ nhanh chóng bị phát giác, phát tán. Chỉ có như thế, các cơ chế pháp luật bảo vệ được chị em mới có thể vào cuộc, trả lại cho chị em tiếng nói công bằng và một môi trường làm việc bình đẳng hơn – nơi mọi thứ phải được thể hiện bằng năng lực chuyên môn chứ không phải bởi dục vọng của một số người có quyền hành.

Theo VTC News

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang