Miễn học phí cho học sinh cả nước: Cần thêm 8.200 tỷ đồng

(lamchame.vn) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), số ngân sách nhà nước dự kiến tăng thêm khi thực hiện chính sách miễn học phí tới đây là khoảng 8.200 tỷ đồng.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Dự thảo do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng .

Theo tờ trình của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, trong đó tiếp tục định hướng: Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi.

Miễn học phí cho học sinh cả nước: Cần thêm 8.200 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: QH

Trên cơ sở đó, dự thảo quy định, trẻ em mầm non, học sinh THCS, học sinh THPT trong cơ sở giáo dục công lập được miễn học phí; học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục. Cụ thể là cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở giáo dục công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục tư thục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông .

Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do HĐND tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.

Thời điểm áp dụng năm học 2025 - 2026.

Bộ GD&ĐT viện dẫn, theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, cả nước hiện có 23,2 triệu học sinh, trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập.

Số học sinh chia theo cấp học, với 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.

Căn cứ theo mức học phí tối thiểu hiện nay, cơ quan soạn thảo ước tính, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30.000 tỷ đồng.

Tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học; học sinh THCS từ năm học 2025 - 2026 là 22.500 tỉ đồng.

Như vậy, Bộ GD&ĐT cho biết, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỷ đồng.

Dự kiến, nguồn lực thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, từ nguồn lực hợp pháp khác. Thời điểm áp dụng dự kiến từ năm học 2025 - 2026.

Để đảm bảo chính sách được thực thi thống nhất, công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là giáo dục phổ cập, Bộ GDĐT đề xuất tại dự thảo Nghị quyết quy định về hỗ trợ học phí đối với học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tư thục.

Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.

Theo Luân Dũng

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang