2021 là một năm vô cùng đặc biệt với nam sinh Phan Nguyễn Đồng Khởi (sinh năm 2008), học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức. Ở tuổi 13, nếu nhiều học sinh khác còn đang chưa biết cấp III nên thi trường gì thì Đồng Khởi đã giành được học bổng của 6 trường Trung học ở Mỹ gồm:
- Học bổng 112.440 USD tại Brook Hill
- Học bổng 76.800 USD tại Northaland
- Học bổng 81.300 USD tại Lee
- Học bổng 97.520 USD tại Storm King
- Học bổng 80.000 USD tại Kiski
- Học bổng 75.200 USD tại St. Croix Lutheran Academy
Nếu không có gì thay đổi, Đồng Khởi sẽ đi du học tại trường St. Croix Lutheran Academy, bang Minnesota sau khi học xong lớp 8. Nghe cậu bạn kể lại hành trình xin học bổng của mình mới thấy nhiều điều đáng nể.
Tự tìm hiểu từ A-Z, quyết tâm đi du học vì muốn sống tự lập
Ở lớp, Khởi có thành tích học tập khá tốt. Điểm số năm lớp 6; 7 của em lần lượt là 9.0 và 9.1. Điểm trung bình năm lớp 8 lần gần nhất của em là 9.4. Không chỉ học giỏi, Khởi còn tích cực tham gia rất nhiều hoạt đồng trường lớp, hoạt động ngoại khóa.
Nam sinh này là Uỷ viên Ban chỉ huy trường, từng giành giải Cháu ngoan Bác Hồ cấp TP (2021-2022), Cháu ngoan Bác Hồ cấp quận Thủ Đức (2018-2019), giải Khuyến khích cuộc thi hùng biện Tiếng Anh cấp TP; giải Nhì hùng biện Tiếng Anh cấp Quận (2018-2019). Ngoài ra, Đồng Khởi còn tham gia dịch thuật. Hiện tại nam sinh 13 tuổi đang làm việc tại 2 dự án với vai trò là dịch thuật viên và có một blog riêng.
Cuối tháng 6/2021, Khởi bắt đầu có ý muốn đi du học. Cậu bạn muốn thử thách bản thân ở môi trường học tập mới, đặt thêm bước tiến trong cuộc sống. Khởi cũng nhận thấy môi trường học tập ở nước ngoài phù hợp với bản thân hơn. Sau khi chia sẻ và được sự đồng ý của bố mẹ, nam sinh 13 tuổi bắt tay vào tìm hiểu thông tin ở trên mạng, tham gia nhiều hội nhóm để thu thập kinh nghiệm từ các anh chị đi trước.
Quá trình chuẩn bị của Khởi diễn ra trong 4 tháng. Ban đầu, Khởi tập trung vào những thông tin cơ bản cần nắm, các học bổng phù hợp với điều kiện ra đình. Sau đó, cậu bạn phân tích điểm mạnh, điểm yếu, tìm ra đất nước phù hợp với mình nhất. Trong quá trình này, Khởi may mắn quen thêm nhiều bạn mới và được cung cấp thêm những thông tin thú vị về du học.
"Xin học bổng cấp ba ở Mỹ đa số đều có 2-3 vòng. Vòng một là vòng hồ sơ. Vòng hai sẽ làm bài luận, hoặc bài bài test, tuỳ thuộc vào trường. Vòng này thì cả 6 trường em đăng ký đều không có. Còn vòng ba là vòng phỏng vấn với đại diện trường (em phỏng vấn online). Sau khi được nhận, trúng tuyển học bổng và mình xác nhận sẽ đi học thì tiếp đến sẽ làm các thủ tục khác như xin visa", Đồng Khởi cho biết.
Nam sinh 13 tuổi và cách gây ấn tượng đặc biệt với trường học ở Mỹ
Nhớ lại vòng phỏng vấn với cả 6 trường cấp III ở Mỹ, Khởi cho biết: "Trường nào cũng sẽ yêu cầu học sinh giới thiệu về bản thân (Introduce about yourself). Với câu này, em đã chuẩn bị khá kỹ. Ban đầu, em giới thiệu tên mình bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh. Điều đặc biệt là em đã chọn một cái tên khá lạ - DisCratch. Cũng vì vậy mà nói được thêm nhiều chuyện hơn, vì bên phỏng vấn đã tỏ ra thích thù và tò mò hỏi lý do.
Em đã giải thích, nguyên nhân chọn cái tên ấy vì muốn mình khác biệt và không muốn trùng tên với ai. Sau đó em giới thiệu kinh nghiệm hiện tại của bản thân. Vì em là Ủy viên BCH liên đội của trường nên luôn tham gia nhiều hoạt động, không ngại kết bạn và nếu sang đất nước khác học tập thì việc kết bạn không phải là trở ngại".
Khởi cũng cho biết, phía nhà phỏng vấn sẽ có những câu hỏi mẹo để kiểm tra học sinh có nói dối hay không. Vậy nên sự trung thực cần đưa lên hàng đầu, không nên nói dối. Với các câu hỏi khác, nam sinh 13 tuổi dành phần lớn thời gian nói về các điểm mạnh, sở thích của bản thân, ảnh hưởng như nào đến việc theo học tại trường.
Khởi cho biết, học sinh cần tìm hiểu trước về cách các trường đào tạo học sinh, những yếu tố liên quan để thể hiện bản thân có thể đáp ứng nhu cầu tiêu chí tuyển chọn của trường. Trải qua 6 buổi phỏng vấn, Khải rút ra kinh nghiệm rằng: Học sinh không nên trả lời rườm rà, dài dòng. Mỗi buổi phỏng vấn chỉ có 15 phút nên không thể chi tiết nào cũng ham. Thay vào đó, cần tập trung vào các yếu tố như:
- Giới thiệu bản thân là người như nào
- Tâm lý trước khi tham gia, lúc chuẩn bị phỏng vấn
- Tâm lý trong khoảng thời gian trải nghiệm
- Sau khi kết thúc quá trình trải nghiệm, bạn đã học được điều gì
Sau mỗi buổi phỏng vấn, phía trường sẽ dành thêm thời gian để học sinh bày tỏ thắc mắc. Theo Khởi, học sinh không nên hỏi những câu về khí hậu, những câu liên quan đến phân biệt chủng tộc, chính trị hay các câu có thể tìm kiếm trên mạng.
"Em có 2 câu hỏi mẫu mà các bạn có thể hỏi, ví dụ: "Khó khăn của du học sinh khi đến với trường này là gì?", "Những điều chưa được kể ở phần thông tin ở trường là gì". Ngoài ra khi phỏng vấn, các bạn cũng không nên nói xấu về chất lượng học hay bất kỳ thứ gì về nước mình hay nước họ, không nói về chủ đề chính trị, không nói một vài thứ thú vị bạn có thể sử dụng để thể hiện sắc màu riêng của mình".
Trước khi phỏng vấn online, Khởi đã làm sẵn một ảnh background có tên và slogan của bản thân. Cậu bạn cảm thấy nó khá độc lạ vì hầu như trong tất cả thí sinh, có mỗi Khởi làm điều đó. Ngoài ra nam sinh này cũng chuẩn bị sẵn một email cảm ơn để gửi sau khi phỏng vấn. Điều này giúp phía trường học thêm thiện cảm hơn về cậu bạn.
Sau khi phỏng vấn, Khởi còn xin chụp cùng phía trường học một bức ảnh và tất cả thầy cô đều sẵn lòng làm điều này. "Em muốn cho phía trường thấy mình là người thân thiện, góp phần tăng thêm thiện cảm".
Mỗi tuần đặt ra một mục tiêu cho bản thân để cải thiện trình Tiếng Anh
Cuối cùng với yếu tố Tiếng Anh, Khởi khuyên các bạn học sinh có thể không giỏi nhưng ít nhất hãy luyện tập để giúp bản thân có vốn từ phong phú. Đồng thời cần luyện phát âm để mô tả, trả lời câu hỏi phỏng vấn tốt hơn.
"Hiện tại em chưa có chứng chỉ Tiếng Anh nào cả. Em có thi thử qua trang web efset.org và đạt trình độ C1. Trước khi phỏng vấn, em phải làm bài test gồm 100 câu (30 câu từ, 30 câu ngữ pháp, 20 câu nghe và 20 câu đọc) và được 84 điểm", Khởi chia sẻ.
Bí quyết chinh phục Tiếng Anh của Khởi không quá cao siêu. Cậu bạn chỉ đơn giản đặt ra động lực cho bản thân bằng cách thiết lập thử thách mỗi tuần. Tuần này cải thiện kỹ năng nghe, tuần kia nói phải tiến bộ,...
"Với việc luyện nghe - đọc thì chúng ta cũng cần có phương pháp. Đối với các bài nghe, em thường hay đọc phần kịch bản, tìm từ không biết rồi mới làm, sau đó sửa bài rồi nghe lần nữa. Em nghe đến khi nào mình nghe được 100% thì thôi.
Còn đọc thì em cũng làm bài rồi chữa bài bằng các phương pháp có sẵn trên mạng. Em tự tìm kiếm rồi xem nó có hợp không. Từ vựng thì em thường kiếm qua các trang báo, bài viết và để học thuộc nó, em sẽ sử dụng các phương pháp như active recall (không ghi nghĩa từ đó mà để bản thân tự nhớ), spaced repetition (học từ theo một tần suất nhất định) hay các phương pháp khác như Leitner (thẻ ghi chú),...", Khởi đúc kết kinh nghiệm.
https://afamily.vn/moi-13-tuoi-nam-sinh-tphcm-da-tu-tim-hieu-roi-gianh-hoc-bong-cua-6-truong-o-my-tiet-lo-cach-dac-biet-de-gay-an-tuong-khi-phong-van-2021122023005363.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.