Mỗi khi sắp la hét với con, hãy nghĩ tới 4 điều sau đây

Có thể bạn nghĩ la hét sẽ giúp con chịu lắng nghe hơn. Tuy nhiên thì sự thật lại hoàn toàn khác biệt

Bên cạnh niềm hạnh phúc to lớn thì quá nhiều điều phiền toái sẽ xảy đến khi cuộc đời chúng ta xuất hiện những đứa trẻ. Và thực sự, ngay cả người vốn dĩ hiền hòa, giỏi kiềm chế nhất cũng sẽ không tránh khỏi khi giận dữ và hét lên với con cái mình. Điều này cũng đáng cảm thông, tuy nhiên, nếu diễn ra quá thường xuyên và lâu dài sẽ đem lại những hậu quả vô cùng to lớn.

Xét ở một khía cạnh khác, la hét có lợi ở chỗ chúng cảnh báo cho trẻ về những tình huống nguy hiểm tiềm ẩn. Nhưng các nhà tâm lí học nhấn mạnh, la hét chỉ là một phương pháp cảnh báo, không phải là một hình phạt hoặc cách bạn xử lý những sai phạm nho nhỏ hàng ngày của con bởi:

La hét khiến não trẻ bị tổn thương

Đây là kết quả thu được từ một cuộc nghiên cứu của Trường đại học Harvard. Cụ thể, khi não của trẻ chịu kích thích từ những thông tin không tốt bên ngoài, để giảm áp lực, não phải tiến hành điều chỉnh trạng thái và thay đổi thành “chế độ cầu cứu”. Nếu tình trạng này kéo dài, cuối cùng não của trẻ sẽ phát triển luôn thành kiểu não theo “chế độ cầu cứu”. Sau đó, trẻ sẽ trở nên cẩn thận sợ sệt trong cuộc sống để tránh bị cha mẹ la mắng, tránh phạm lỗi.

La hét khiến trẻ hiếu chiến hơn về thể chất và cả lời nói

Việc la hét, quát mắng cũng sẽ đẩy bộ não của đứa trẻ vào trạng thái "sẵn sàng chiến đấu", về lâu dài sẽ "làm cho trẻ em hiếu chiến hơn về thể chất và cả lời nói".

La hét khiến trẻ giảm khả năng giao tiếp và tiếp thu

Có thể bạn nghĩ la hét sẽ giúp con chịu lắng nghe hơn. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học thì tiếng hét không truyền tải được nội dung thông điệp đến trẻ em, dù là trẻ lớn hay nhỏ, bởi vì bạn đang khiến chúng bận rộn bảo vệ bản thân mình khỏi cơn thịnh nộ của cha mẹ và sẽ hoàn toàn quên mất những gì bạn đã nói. Có nghĩa là, dù bạn có đang phân tích có lý như thế nào, nhưng nếu bạn đang hét lên, thì những lý luận đó cũng sẽ không "thấm" vào con 1 cách hiệu quả (trừ khi đó là trường hợp nguy hiểm).

Sau cùng, nỗi đau khi bị la hét và bị đánh không khác gì nhau

Nói một cách đơn giản, nỗi đau về thể chất và cảm xúc tiêu cực kích thích lên đại não là giống nhau. Dù cho bạn không đánh trẻ thì trẻ cũng cảm thấy “thân thể rất đau, tim như tan vỡ”.

Ai làm cha mẹ cũng hiểu, thật không dễ để giữ bình tĩnh với những đứa trẻ đang tuổi quậy phá nhưng hãy tin, việc giữ bình tĩnh của bạn sẽ được đền đáp. Bạn sẽ có được những đứa trẻ tự tin, biết sai và biết sửa sai đúng cách chứ không phải là những đứa trẻ tự ti đầy lo sợ và hiếu chiến. Nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh về tâm lý và trí tuệ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc bù đắp lại một trái tim đã bị tổn thương. Hãy luôn tâm niệm điều đó.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang