Trào lưu “anti vắc xin” và những đứa trẻ sẽ mãi mãi không còn cơ hội tỉnh dậy

“Anti vắc-xin”, “nói không với vắc xin”, “tiêm vắc xin là tội ác”, “tẩy chay vắc xin”… và vô số các khẩu hiểu, thông tin sai lệch về vắc xin đang lan truyền trên mạng đã khiến cho cha mẹ rất hoang mang.

Trào lưu “anti vắc-xin” bắt nguồn từ đâu?

Câu chuyện “anti vắc xin” không chỉ xảy ra ở Việt Nam, cách đâu không lâu, tại Mỹ đã chịu hậu quả lớn từ dịch sởi do trẻ không được tiêm vắc-xin đầy đủ. Dịch sởi đã bùng nổ ở 8 bang của nước mỹ vào cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 lan sang cả Canada và Mexico.

Ngày 30/6/2015, chính quyền bang Califonia đã quyết định đặt bút ký luật SB 277, quy định về việc bắt buộc tiêm vắc-xin cho trẻ em.Trước đó, bang Califonia là một trong những bang từng tự hào rằng việc tiêm vắc-xin là không bắt buộc vì đó là “quyền tự do” và “lựa chọn của phụ huynh”. Sau 2 năm thực hiện luật SB 277, số ca mắc bệnh sởi đã giảm mạnh.

Trước đó, vào thế kỷ 19 khi dịch đậu mùa bùng phát ở Mỹ, việc bắt buộc tiêm vắc-xin đối với người dân cũng được ban hành. Ngay sau đó, cũng xuất hiện những quan điểm tẩy chay vắc-xin vì quan điểm dân quyền. Rất nhiều vụ kiện tụng đã diễn ra để bác bỏ việc tiêm vắc-xin, nhưng kết quả cuối cùng của tòa án tối cao quyết định việc bắt buộc phải tiêm vắc xin về sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ý nghĩa về nhân quyền thì vắc-xin bị phản đối còn do quan điểm và niềm tin tôn giáo, văn hóa, thần linh. Niềm tin tôn giáo cho rằng sức khỏe người bệnh phụ thuộc vào định mệnh và không nên can thiệp vào số mệnh tự nhiên. Một số tuân theo niềm tin tôn giáo không cho phép xâm phạm cơ thể theo cách tiêm chủng… Cha mẹ những đứa trẻ cảm thấy sợ hãi khi bác sĩ tiêm thứ lạ và cơ thể con mình.

Để phản đổi việc tiêm vắc-xin, họ đã đưa ra những báo cáo sai lệch thiếu căn cư về tác dụng phụ của nó. Cụ thể, vào năm 1974, tại Anh đã có báo cáo 22 trẻ chậm phát triển và động kinh khi tiêm văc-xin ho gà toàn tế bào. Báo cáo chưa đủ cơ sở khoa học này đã làm tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh tại Anh, hậu quả là 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà và 31 bé tử vong.

Nhiều trẻ đã phải trả giá bằng cả tính mạng vì cha mẹ anti vắc-xin

Năm 1998, một nghiên cứu khoa học chỉ ra mối liên quan giữa văc-xin MMR (sởi - quai bị - rubella) và bệnh tự kỷ do một tác giả đăng tải trên tạp chí uy tín thế giới Lancet. Ngay lập tức, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin này giảm và bùng phát tại Anh. Sau đó, có rất nhiều nghiên cứu khác nhau được thực hiện độc lập đi tới kết luận là không có mối liên quan nào giữa bệnh tự kỷ và MMR. Cuối cùng, bài báo trên đã bị rút khỏi tạp chí sau 12 năm đăng tải thông tin.

Người lớn a dua, trẻ con chịu trận

Tại Việt Nam, do những thông tin sai lệch về vắc-xin lan truyền trên mạng khiến cho bố mẹ không đưa con đi tiêm phòng. Hậu quả, ở TP. HCM, số ca bệnh viêm não Nhật Bản tăng cao. Là người trực tiếp tiếp nhận và điều trị các bệnh nhi viêm não Nhật Bản, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM đã  khẳng định việc kêu gọi chống vắc-xin là “tội ác”. “Nếu một gia đình anti vắc-xin thì chỉ tội nghiệp cho bé. Nếu anti kiểu nhóm, cùng nhau hùa vào là có tội với một thế hệ, có tội với sức khỏe của dân tộc. Cộng đồng sẽ phải trả giá bằng hàng loạt sinh mạng”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Trẻ được tiêm vắc xin có khoảng 85% - 95% sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh

Lý giải về tầm quan trọng của vắc-xin, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, vắc xin là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Nó là vũ khí sắc bén, hữu hiệu để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

“Bản chất của việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nhất định. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội”, PGS.TS. Trần Như Dương chia sẻ.

Trẻ được tiêm vắc xin có khoảng 85% - 95% sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Nhờ được tiêm vắc xin đầy đủ đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang