Hồ Thị Bích Trâm làm nhân viên phục vụ tại một quán cà phê ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) để kiếm tiền trang trải cho những ngày đầu vào đại học sắp tới - Ảnh: DUY THANH
Những ngày này, khi bạn bè cùng trang lứa mua sắm đồ đạc, dụng cụ cần thiết chờ ngày vào giảng đường đại học làm tân sinh viên, Hồ Thị Bích Trâm (18 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) miệt mài hằng ngày làm nhân viên phục vụ cho một quán cà phê để kiếm thu nhập nuôi ước mơ tiếp tục đèn sách.
Mồ côi từ thuở nằm nôi
"Thi tốt nghiệp THPT xong, em xin vào làm nhân viên thời vụ của quán cà phê này liền với hy vọng sau 2 tháng tích cóp được vài triệu đồng, có thêm tiền vào đại học. Mỗi ngày làm từ 14h chiều đến 22h tối, lương khoán 3 triệu đồng/tháng" - Trâm cho hay.
Làm thêm ở quán cà phê đã là việc làm quen thuộc của Trâm từ năm học lớp 10 đến nay. Những dịp lễ, Tết, khi bao người vui vầy đi chơi, thư giãn cùng gia đình thì đó cũng là những khoảng thời gian cô làm thêm "hăng say" nhất vì được trả thù lao cao hơn ngày thường.
"Em làm thêm có một ít thu nhập là bà ngoại bớt đi một phần lo lắng. Bớt lo thì ngoại sẽ sống lâu hơn" - Trâm tâm sự.
Sau giờ làm ở quán cà phê, Trâm làm những công việc nội trợ trong nhà - Ảnh: DUY THANH
Ngôi nhà cấp bốn chật hẹp trong hẻm nhỏ thuộc phường 2 (TP Tuy Hòa) là nơi Trâm và bà ngoại Nguyễn Thị Ngọc Liên, nay 84 tuổi, sinh sống. Đồ vật trong nhà đều cũ kỹ, không có gì đáng giá, chỉ những tấm giấy khen về thành tích học tập của Trâm là mới mẻ, lấp lánh. Cụ Liên đi lại khó khăn vì tuổi cao sức yếu và nhiều bệnh tật, nhưng lại là chỗ dựa cho Trâm từ hồi còn đỏ hỏn cho tới giờ.
"Trâm sinh cuối năm 2004 thì đầu năm 2006, tức chỉ hơn 1 tuổi, là mồ côi cả cha lẫn mẹ, tội nghiệp lắm. Tui phải vừa làm bà, vừa làm mẹ cho cháu đến bây giờ" - cụ Liên kể.
Các cậu, dì của Trâm hầu hết đều lập gia đình, ở riêng. Anh em Trâm lớn lên bằng tình thương yêu, sự che chở của ông bà ngoại và người cậu nghèo chạy xích lô ở cùng nhà.
Bây giờ, thu nhập chính của hai bà cháu là nhờ vào mấy trăm ngàn tiền trợ cấp hộ nghèo và người già của bà ngoại. Mỗi sáng bà hoặc cháu đi nhận cơm từ thiện, có khi không ăn sáng mà dành cho bữa trưa để giảm bớt chi tiêu…
Không đầu hàng số phận
Trâm nhỏ con, ốm xanh, cận thị nặng, nhưng suy nghĩ và quyết tâm thì rất lớn. "Nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của bà và mình như vậy nên em quyết tâm phải học và học. Mình phải đứng trên đôi chân để tự lo vì không ai có thể giúp mình cả cuộc đời" - cô kiên định.
Trâm nói trừ năm lớp 11 do thiếu tập trung nên cô là học sinh tiên tiến, còn lại đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô vô cùng vui mừng khi vừa nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành ưa thích là công nghệ sinh học của Trường đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng. Trước đó, khi xét học bạ, cô cũng đỗ vào khoa công nghệ sinh học của Trường đại học Đà Lạt.
An ủi ngoại, nhưng khi trò chuyện riêng với chúng tôi, cô nữ sinh 18 tuổi không giấu được nỗi lo lắng. Nhiều năm qua, trong nhiều ngày, mỗi ngày Trâm chỉ ăn một bữa. "Em không muốn ăn nhiều" - Trâm phân bua.
Trước ngưỡng cửa đại học, Trâm thổ lộ rằng nếu dành thời gian đi làm thêm thì mỗi tháng kiếm được 2-3 triệu đồng, khéo "liệu cơm gắp mắm" cỡ nào cũng khó có thể trang trải cho cuộc sống của một nữ sinh viên ở trọ tại các đô thị lớn. Nhưng cái khó lớn nhất trước mắt là bao nhiêu khoản chi phí rất lớn để bước vào kỳ đầu của năm đầu đại học.
"Học phí, bảo hiểm, giáo trình, tiền thuê trọ… sẽ tốn chắc gần 20 triệu đồng. Bà ngoại và em có dành dụm được một khoản nhưng không thấm vào đâu. Chi phí cho giai đoạn đầu này là một thách thức rất lớn" - Trâm thú thật.
Với "vắc xin" vượt khó có sẵn cùng quyết tâm cao, Trâm sẽ hoàn thành ước mơ học đại học để tự đứng trên đôi chân của mình. Nhưng để đôi chân của bạn không chông chênh trong những bước đầu tiên vào giảng đường đại học, Trâm rất cần sự trợ lực, tiếp sức ngay lúc này.
Vượt nghịch cảnh và mặc cảm, khao khát vươn lên
Cô Lê Hoàng Thảo Ly, giáo viên chủ nhiệm cả 3 năm THPT của Hồ Thị Bích Trâm ở Trường THPT Nguyễn Huệ, nhận xét: "Trâm mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng là một học sinh chăm ngoan, là một tấm gương có nghị lực vượt khó.
Em vừa học vừa làm, giúp bà ngoại già yếu.
Trâm luôn nỗ lực vươn lên trong học tập với khát khao tiếp cận tri thức. Đặc biệt, Trâm đã vượt qua nghịch cảnh và mặc cảm để hòa nhập với bạn bè, tích cực tham gia các phong trào của trường lớp. Tôi mong Trâm được tiếp sức để em được học đại học, thay đổi cuộc đời mình, có tương lai tươi sáng".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.