Vụ bé gái 8 tuổi nghi bị mẹ kế bạo hành, cha bỏ mặc đến chết ở Việt Nam đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Điều đáng nói là sự việc đã được những người hàng xóm xung quanh phát hiện ra từ rất lâu khi nghe thấy một loạt tiếng động lớn nhưng lại không có sự can thiệp hiệu quả.
Thờ ơ, vô tâm hay thiếu kinh nghiệm xử lý khi phát hiện trẻ em bị bạo hành từ những người xung quanh là vấn đề tồn tại từ rất lâu mà chưa có cách giải quyết hiệu quả. Trên thực tế, ở nước ngoài, có nhiều vụ giải cứu trẻ em bị bạo hành, lạm dụng thành công nhờ sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của những người hàng xóm xung quanh.
Những vụ giải cứu thành công
Vào cuối tháng 1 vừa qua, cảnh sát Brazil đã giải cứu thành công một bé trai 11 tuổi bị cha đẻ và bạn gái của ông này xích trong một chiếc thùng kim loại chật hẹp và ngược đãi trong một thời gian dài. Vụ việc chỉ được phát hiện khi những người hàng xóm tiết lộ với nhà chức trách rằng họ phát hiện bé trai không được đi học cũng không bao giờ được trông thấy ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác trong khu phố.
Cảnh sát cho hay, họ tìm thấy nạn nhân trong tình trạng khỏa thân, suy nhược và cơ thể có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng. Chân của cậu bé bị sưng tấy vì liên tục phải đứng không thể ngồi xuống được. Câu nói đầu tiên khi em được giải cứu là "Cháu muốn ăn một thứ gì đó. Cháu đói quá!".
Bé trai bị nhốt trong thùng kim loại khiến đôi chân sưng tấy
Trước khi được cảnh sát phát hiện, em bé đã bị bỏ đói suốt 3 ngày. Bé trai thậm chí phải ăn phân của chính mình vì không có gì để ăn. Người cha còn tắm cho bé trai bằng nước lạnh và thuốc tẩy.
Vào năm 2020, nước Nga đã chấn động trước vụ việc một cặp đôi bỏ bê và lạm dụng 5 người con của mình. Sự việc chỉ được phát giác khi một người hàng xóm "liều mình" đi vào trong căn hộ của gia đình và phát hiện ra sự thật kinh hãi.
Người hàng xóm này cho hay, cô đã nghe được tin đồn về việc một cặp đôi gần nhà thường xuyên bỏ bê những đứa trẻ. Vì quá lo lắng nên người hàng xóm quyết định tiếp cận ngôi nhà để tìm hiểu sự việc. Sau khi cửa ra vào được mở, người này chết lặng với cảnh tượng bên trong và phải mau chóng báo cảnh sát.
Những vết thương trên người Sasha
Cô nhìn thấy bé Sasha, một trong 5 người con của gia đình đang ngồi trên giường mà không mặc quần áo, chiếc áo bên cạnh dính đầy máu. Cha mẹ em đã không ở nhà trong nhiều ngày, do vậy cô bé chỉ có thể chịu đựng vết thương khủng khiếp, không thể mở nổi mắt. Bé gái nhanh chóng được đưa vào bệnh viện với tình trạng thiếu máu và suy dinh dưỡng nặng.
Mẹ của cô bé Yulia Pogiba, 27 tuổi và bố Alexander Pogiba đã đổ lỗi cho 4 đứa con còn lại gây ra thương tích trên người bé Sasha. Những người hàng xóm tuyên bố rằng không một đứa trẻ nào trong gia đình được đối xử tử tế, bé Sasha là người bị hành hạ nhiều nhất. Sau đó cha mẹ của Sasha bị tước quyền làm cha mẹ và con cái của họ được giao cho các nhân viên xã hội chăm sóc.
Hàng xóm có thể làm được những gì?
Vào tháng 5/2021, một nghiên cứu mới của Đại học Michigan cho thấy, cha mẹ sẽ hạn chế được việc lạm dụng và bỏ bê con cái khi họ có mạng lưới hỗ trợ từ những người xung quanh, đặc biệt là hàng xóm. Áp lực, căng thẳng và khó khăn tài chính thường là những nguyên nhân khiến trẻ em bị người thân hành hạ và ngược đãi.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét sự gắn kết xã hội và kiểm soát xã hội sẽ tác động như thế nào đến các hành vi lạm dụng thể chất và tâm lý đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Kiểm soát xã hội liên quan đến sự sẵn sàng can thiệp của những người hàng xóm nếu họ chứng kiến một tình huống có vấn đề, trong khi sự gắn kết xã hội liên quan đến lòng tin và tình làng nghĩa xóm.
Hàng xóm có thể giúp đỡ và giải cứu các trẻ em bị bạo hành
Kết quả điều tra cho thấy, việc kiểm soát và gắn kết xã hội có thể giúp giảm thiểu tình trạng bỏ bê, ngược đãi trẻ em. Điều này chứng tỏ rằng những người hàng xóm có khả năng can thiệp sẽ giúp làm giảm các hành vi lạm dụng đối với trẻ em. Theo các nhà nghiên cứu, nếu hàng xóm tăng cường sự quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ cha mẹ giảm bớt phần nào sự căng thẳng và gánh nặng cuộc sống thì sẽ góp phần ngăn chặn được việc ngược đãi và lạm dụng trẻ em.
Kevin Jenkins, công tác ở Sở cảnh sát Aurora, phía Tây Chicago, đã dành phần lớn thời gian làm việc để điều tra các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi và lạm dụng, nhất là lạm dụng tình dục. Đây là công việc không hề dễ dàng, cần có một trái tim đầy lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, thấu hiểu thì mới có thể giúp đỡ các nạn nhân.
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm, Kevin Jenkins cho hay một người hàng xóm hiểu biết có thể cứu được cuộc đời của một đứa trẻ. Anh đã kêu gọi người dân hãy gọi vào đường dây nóng để báo cáo các trường hợp bị nghi ngờ là có dấu hiệu lạm dụng, bỏ bê hay ngược đãi trẻ em.
"Bạn không phải là một người hàng xóm tọc mạch hoặc làm phiền cảnh sát. Hãy gọi điện cho chúng tôi nếu phát hiện điều gì bất thường", cảnh sát Kevin Jenkins nhấn mạnh.
Những việc hàng xóm có thể làm để ngăn chặn việc lạm dụng trẻ em
- Nắm rõ các dấu hiệu lạm dụng trẻ em: Ngoài vết bỏng, bầm tím, vết hằn không rõ nguyên nhân hãy chú ý đến hành vi của đứa trẻ ví dụ như không thoải mái khi ở gần cha mẹ, khó khăn trong việc đi lại hay ngồi, luôn sợ hãi khép mình...
- Báo cáo việc lạm dụng thông qua đường dây nóng: Nếu nghi ngờ một đứa trẻ đang bị lạm dụng với nhiều dấu hiệu bất thường hãy gọi cho đường dây nóng hoặc báo cho cảnh sát địa phương.
- Hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn: Luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với hàng xóm xung quanh, giảm bớt phần nào áp lực cho họ, để tâm đến trẻ nhỏ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
- Quan tâm và trò chuyện nhiều hơn: Trẻ em bị lạm dụng thường sống thu mình, sợ hãi không dám bày tỏ cùng ai vì các em thiếu sự quan tâm, hỗ trợ. Do vậy, hàng xóm là những người gần với các em nhất, sẽ dễ dàng phát hiện ra sự việc hoặc chi tiết bất thường nếu họ sẵn sàng lắng nghe để thấu hiểu, đồng cảm với trẻ nhỏ.
- Thường xuyên tạo ra các hoạt động tập thể kết nối, để tăng cường tình làng nghĩa xóm và khả năng giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời qua đó tạo ra sự tiếp xúc với những đứa trẻ có vấn đề để kịp thời can thiệp, giúp đỡ.
Nguồn: Tổng hợp
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.