Một quyết định giáo dục gây tranh cãi: Khập khiễng, thiếu công bằng hay thiết thực, đáng hoan nghênh?

(lamchame.vn) - Cách quy đổi này khiến nhiều người băn khoăn.

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa có Quyết định đặc cách công nhận Học sinh Giỏi tỉnh môn tiếng Anh lớp 11 đối với 176 em. Theo đó, những học sinh có điểm IELTS từ 6.5 trở lên, điểm TOEFL đạt 95 và TOEIC đạt 900 được miễn tham dự Kỳ thi chọn Học sinh Giỏi tỉnh Hà Tĩnh lớp 11 năm học 2023 - 2024. Ngoài ra, các em được hưởng quyền lợi của Học sinh Giỏi tỉnh theo quy định hiện hành.

Trong số 176 em, có 58 em được công nhận giải nhất gồm: 3 em đạt 8.5 điểm IELTS, 9 em đạt 8.0 điểm IELTS, 45 em đạt 7.5 điểm IELTS và 1 em đạt 900 điểm TOEIC. 53 em được công nhận giải Nhì; 65 em được công nhận giải Ba tương đương với 6.5 điểm IELTS. Phần lớn các học sinh được công nhận đợt này là học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (83 học sinh), Trường THPT Phan Đình Phùng (35 học sinh) và rải rác ở các trường THPT tại huyện, thị.

Quyết định này hiện đang thu hút nhiều dư luận trái chiều.

Một quyết định giáo dục gây tranh cãi: Khập khiễng, thiếu công bằng hay thiết thực, đáng hoan nghênh? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Quy đổi khập khiễng, thiếu công bằng?

Trên thực tế, việc quyết định đặc cách công nhận Học sinh Giỏi Tỉnh môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều năm qua. Nói về vấn đề này, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh từng cho hay việc đặc cách nhằm khuyến khích các em học sinh học tiếng Anh theo chương trình quốc tế.

Tuy nhiên, trước thông tin này, một số phụ huynh cho biết, họ cảm thấy không công bằng bởi chi phí ôn tập IELTS hay các chứng chỉ quốc tế khác khá bài bản, lệ phí thi khá đắt, sẽ thiệt thòi cho những em học giỏi mà nhà không có nhiều điều kiện. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến quyền lợi thi hay xét tuyển vào đại học của nhiều em học sinh khác.

"Nếu đặc cách kiểu này thì phải tổ chức kì thi lấy chứng chỉ quốc tế miễn phí cho tất cả học sinh, để ai ham học, ai có học lực, trình độ giỏi dù không có nhiều điều kiện vẫn được hưởng đầy đủ những chương trình từ Bộ giáo dục", một phụ huynh nêu ý kiến.

Về tính chuyên môn, một chuyên gia cho biết, mặc dù bài thi IELTS cũng có 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), nhưng yêu cầu đối với việc kiểm tra từ vựng và ngữ pháp chỉ dừng ở mức dành cho đại chúng. 

Trong khi đó, bài thi Học sinh Giỏi cần dựa trên việc người học có xuất phát điểm đã biết tiếng Anh, nên việc kiểm tra cần xoáy sâu, nhiều và rộng hơn các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc chuyên sâu và mức độ thành thục khi sử dụng chúng. Vì vậy tính chất, mục đích và cách ra đề, đánh giá của 2 kỳ thi này là khác nhau.

Với sự khác nhau nhiều như vậy, những bạn đạt điểm IELTS hay một số chứng chỉ quốc tế khác cao chưa chắc đã có thể làm tốt đề thi chọn Học sinh Giỏi và ngược lại. Sau khi đặc cách, các em đạt IELTS cao - nếu có cơ hội thi chọn Học sinh Giỏi cấp quốc gia thì cũng không thể đảm bảo sẽ đạt thành tích tốt.

Hơn nữa, danh hiệu Học sinh Giỏi cấp Tỉnh được một số trường ĐH trong cả nước tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Nếu được từ 6.5 IELTS trở lên được công nhận giải Tỉnh thì lúc đó các em sẽ đổ xô đi luyện thi IELTS để có cơ hội được tuyển thẳng. "Cào bằng" như vậy thì người có lợi sẽ là các trung tâm tiếng Anh.

Nếu muốn khuyến khích thì Sở có thể lựa chọn hình thức khác, hoặc xem đó là hình thức ưu tiên, chứ không nên đặc cách, không cần thi mà chỉ cần IELTS 6.5 vẫn xét giải nhất, nhì… cho kỳ thi Học sinh Giỏi cấp Tỉnh.

"Một chủ trương thiết thực với cuộc sống, rất đáng hoan nghênh"

Ở luồng ý kiến khác, nhiều người đánh giá đây là chủ trương thiết thực với cuộc sống, rất đáng hoan nghênh. Chứng chỉ IELTS xét cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, còn thi Học sinh Giỏi Tỉnh chưa có phần thi nói. Như vậy, nếu xét về tính toàn diện thì IELTS vẫn có phần nổi trội hơn. Có thể ở những thành phố lớn, IELTS là một chứng chỉ phổ biến, nhưng với học sinh ở các tỉnh lẻ đây là một chứng chỉ tiếng Anh phải nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể đạt được.

Việc ôn thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS là cả một quá trình dài. Để đạt được band điểm 6.5 trở lên, học sinh phải học "trầy da tróc vảy" chứ không phải ngày 1 ngày 2 mà đạt mục tiêu như mong muốn.

"Nhiều người nói lời tiêu cực là không hiểu hết sự nỗ lực và chăm chỉ của các con. Không tự dưng mà đạt được kết quả này, công sức và thời gian dành cho việc học luyện nhiều lắm, không đơn giản đâu", một phụ huynh bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề gây tranh cãi này, thầy giáo tiếng Anh Đỗ Cao Sang, người sáng lập English Lights Your Home (ELYH) cho rằng: Học sinh Giỏi được đặc cách chỉ là riêng cho môn tiếng Anh nên rất phù hợp. Bên cạnh đó, IELTS là hệ thống khảo thí quốc tế rất đáng tin cậy và có tính toàn diện cao. Quy trình thi IELTS được thực hiện nghiêm túc, khắt khe, phản ánh khá trung thực và chuẩn xác trình độ nghe nói đọc viết của thí sinh.

Việc đặc cách tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc. Hơn nữa, không ai đi ôn IELTS để lấy giấy Học sinh Giỏi cả. Thầy Sang đánh giá, để đạt band điểm cao trong IELTS khó hơn ôn thi Học sinh Giỏi.

Được biết trước đó, khi có ý kiến cho rằng, chủ trương đặc cách của Hà Tĩnh sẽ tạo sự cạnh tranh thiếu công bằng với thí sinh các tỉnh, thành khác khi xét tuyển vào đại học, một vị đại diện Sở cho rằng chủ trương này đã được thực hiện trước khi các trường có quy định cộng hoặc quy đổi điểm đại học cho thí sinh có IELTS. Vì vậy, không thể khẳng định chủ trương đưa ra để cạnh tranh không công bằng với các thí sinh của tỉnh khác. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không thể can thiệp được vào quy chế tuyển sinh của các trường đại học", vị này nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang