Một thập kỉ con người phải ứng phó với dịch bệnh và nhiều hiểm họa sức khỏe toàn cầu, Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới

10 năm đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không vì thế mà con người lùi bước. Những nỗ lực không ngừng đem lại niềm hi vọng và hơn bao giờ hết, con người trên khắp năm châu biết cùng nhau đoàn kết, vì một hành tinh khỏe mạnh, không bệnh tật.

10 năm không ngắn nhưng cũng không quá dài với một đời người. Nhưng với toàn thế giới, chỉ trong một năm thôi đã có biết bao biến động chứ đừng nói gì là 10 năm. Kết thúc năm 2020, khép lại 1 thập kỉ con người phải đối mặt với biết bao vấn đề đe dọa sức khỏe, từ dịch bệnh, ô nhiễm không khí, biến đổi môi trường đến tình trạng kháng kháng sinh...

Nhưng với bản lĩnh vững vàng, trí tuệ "đỉnh cao", con người không những không bị khuất phục mà còn sẵn sàng đương đầu, đối phó và chiến thắng. Có đau thương cũng phải có thành công, và không ít những thành tựu y học cũng xuất hiện trong 10 năm này, đem lại triển vọng mới trong việc điều trị những căn bệnh vốn được coi là "vô phương cứu chữa" và mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn.

2010-2020: 10 NĂM ĐỐI PHÓ VỚI DỊCH BỆNH, CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG BỊ ĐE DỌA 

Đó là Dịch COVID-19, là bệnh Ebola với tỉ lệ tử vong lên tới 90% hay là bệnh Zika gây tật đầu nhỏ ở trẻ em...

2020: Dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu người dân trên toàn thế giới

Trong danh sách từ khóa tìm kiếm phổ biến toàn cầu năm 2020 được Google công bố mới đây, từ khóa "coronavirus" xếp ở vị trí đầu bảng. Đại dịch COVID-19 đã bùng phát và ảnh hưởng đến khắp các châu lục trên thế giới.

Tháng 1-2020, chính quyền Trung Quốc công bố ca nhiễm bệnh đầu tiên xuất phát từ một chợ bán động vật tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đây được coi là một căn bệnh truyền nhiễm do một chủng virus corona mới gây ra. 

2010-2020: 10 năm đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải
 

Cho đến nay, dịch COVID-19 đã lan ra gần 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi nhận 77,16 triệu ca mắc và 1,7 triệu trường hợp tử vong. 

Hiện tại, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc được phát hiện tại Anh. Điều này làm dấy lên mối lo ngại một lần nữa dịch bùng phát và khó kiểm soát. 

 
 
 
 

Dịch COVID-19 gây thiệt hại vô cùng lớn đối với toàn nhân loại. Ảnh Reuters

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới lần lượt là: Mỹ (18,2 triệu người), Ấn Độ (10 triệu người), Brazil (7,2 triệu người), Nga (2,8 triệu người) và Pháp (2,4 triệu người).

Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang "oằn mình" chống dịch, lệnh "đóng cửa" vẫn được áp dụng, số người mắc mới và tử vong không ngừng tăng lên, thì Việt Nam được coi như là đang khống chế được dịch. Có thể nói, năm 2020 là năm đánh dấu điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Truyền thông quốc tế không ngừng có những bài viết chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam.

Tính đến ngày 21/12/2020, Việt Nam hiện có 1.414 bệnh nhân, trong đó chỉ có 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số bệnh nhân khỏi bệnh là 1269 người. Trong 3 tháng liền, chúng ta không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Có thể nói, năm 2020 là năm đánh dấu điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới trong công cuộc chống dịch COVID-19.

Để có được thành quả như vậy là cả một sự đồng lòng, đoàn kết, cố gắng của hệ thống lãnh đạo, đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, đặc biệt là sự đồng lòng chống dịch của tất cả người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Chính bằng chiến lược phòng chống dịch kịp thời và kiên quyết như tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, truy vết nguồn bệnh, kiểm dịch, phổ biến rộng rãi các phương pháp vệ sinh cá nhân (rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang...), giãn cách xã hội... được triển khai rất sớm, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các đợt dịch.

Việt Nam còn song hành cùng các quốc gia khác trong việc sáng chế ra vắc-xin COVID-19.

Không chỉ có những thành công trong khống chế ca nhiễm mới, Việt Nam còn song hành cùng các quốc gia khác trong việc sáng chế ra vắc-xin ngừa COVID-19. Trong khi một số quốc gia nước ngoài đã bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer và Moderna thì ngày 17/12/2020, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vắc-xin COVID-19 Nano Covax đầu tiên của Việt Nam cho 3 người tình nguyện, gồm 2 nam và 1 nữ. Việc tiêm thử nghiệm được chia thành 3 giai đoạn. Đến tháng 3/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 và tháng 8/2021 thử nghiệm giai đoạn 3 trên 3.000 - 4.000 người hoặc mở rộng đến 10.000 người.

2014-2016: Bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi

Vào tháng 12 năm 2013, tại làng Meliandou, ở Guinea, một đứa trẻ mới biết đi tên là Emile Ouamouno đã chết. Emile được coi là bệnh nhân số 0 trong đợt bùng phát Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử.

Bệnh Ebola do virus ebola Zaire, còn được gọi đơn giản là virus Ebola (EBOV) -  dẫn đến sốt cao và trong một số trường hợp, gây chảy máu nặng (xuất huyết). Loại virus chết người, rất dễ lây lan này đã lan nhanh qua Guinea, cũng như các nước láng giềng Liberia, Sierra Leone và được biết đến với cái tên "bùng phát Ebola ở Tây Phi". Nền kinh tế của 3 nước gần như sụp đổ, các dịch vụ y tế bị hạn chế đến mức giới hạn. Khoảng 6.000 ca tử vong đã được ghi nhận trong năm đó, và toàn bộ cộng đồng tê liệt vì sợ hãi.

Ngày 8 tháng 8, bệnh dịch được WHO chính thức ban bố là "trường hợp khẩn cấp y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm". Ảnh AFP

Tính đến ngày 8/5/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tổng cộng 28.646 trường hợp lây nhiễm và 11.323 trường hợp tử vong. Ngày 8/8, bệnh dịch được WHO chính thức ban bố là "trường hợp khẩn cấp y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm".

Bằng hàng loạt biện pháp cách ly, phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng dịch trong cộng đồng và hoạt động cứu trợ y tế từ các tổ chức khác nhau, đến năm 2016, dịch bệnh được đẩy lùi.

2016: WHO ban bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế về virus Zika - bệnh gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Virus Zika (ZIKV) là một virus RNA (arbovirus), lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. 2 biến chứng nghiêm trọng nhất khi mắc Zika là dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do truyền từ mẹ sang con và hội chứng Guillain Barre, tổn thương thần kinh có thể gây liệt.

Cuối năm 2014, Brazil phát hiện chùm ca bệnh sốt phát ban ở khu vực Đông Bắc Brazil và được khẳng định có liên quan đến virus Zika. Trong năm 2015-2016, sự xuất hiện của virus Zika gia tăng đột biến. Do số ca nhiễm không ngừng tăng lên, Brazil quyết định giám sát từng ca bệnh do virus này gây ra, qua đó ước tính có khoảng 497.593 đến 1.482.701 trường hợp trong vụ dịch.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế về virus Zika. Virus Zika đã lây hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, khiến nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Tổ chức này cảnh báo dịch Zika có thể diễn biến tồi tệ hơn trước khi không được kiểm soát và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chống muỗi và tránh bị muỗi đốt.

Trước tình hình này, chính phủ một số nước và các cơ quan sức khỏe trên thế giới đưa ra lời khuyên phụ nữ nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi hơn được biết rõ về những nguy cơ.

Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tháng 4/2016 tại Khánh Hoà, đến nay tháng 5/2020, Việt Nam đã ghi nhận 265 ca mắc Zika. Riêng 2 năm trở lại đây, chỉ ghi nhận các trường hợp rải rác, chủ yếu tại các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Một em bé tại Đăk Lăk chào đời với dị tật đầu nhỏ nghi ngờ liên quan virus Zika.

Bệnh do virus Zika gây nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Cách duy nhất để phòng ngừa là tiêu diệt muỗi, lăng quăng truyền bệnh sốt xuất huyết.

2010-2020: Ô nhiễm không khí:  Cứ 10 người thì có đến 9 người phải hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày

Không khí là gốc rễ để duy trì cuộc sống. Bất cứ ai cũng phải hít thở, từ người lớn đến trẻ em, từ người giàu đến người nghèo. Thế nhưng, theo một báo cáo, WHO ước tính rằng vào năm 2012, có khoảng 7 triệu người đã chết (chiếm 1/8 tổng số ca tử vong toàn cầu) do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở cả trong nhà và ngoài trời. Câu chuyện tưởng như khó tin nhưng hóa ra lại là sự thật. 

Dữ liệu của WHO còn cho thấy, 97% thành phố ở các nước thu nhập thấp và trung bình với dân số từ 100.000 người không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí sạch. Điều này trở thành gánh nặng của hệ thống y tế toàn cầu. 

1 thập kỉ con người phải đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ô nhiễm không khí. Thậm chí, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, từ năm 2018 đến năm 2020, nồng độ bụi PM2.5 (bụi mịn) có xu hướng tăng hơn so với giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017. Theo một báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế, Hà Nội và Tp. HCM đều nằm trong danh sách những nước có chỉ số ô nhiễm cao. TP.HCM đứng thứ 15, còn Hà Nội là một trong 2 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Chỉ số chất lượng không khí tại 2 thành phố này có nhiều thời điểm ở mức xấu với chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) từ 150 đến 200 (màu tím), có khi vượt 200 tương đương mức rất xấu.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí là rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nhất do môi trường gây ra, trong đó, cứ 10 người thì có đến 9 người phải hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày. 

1 thập kỉ con người phải đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

Các chất gây ô nhiễm được biết đến là bụi mịn (PM 2.5), bụi siêu mịn các loại... chính là thủ phạm gây tổn hại sức khỏe con người. Chúng có thể xâm nhập vào hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, gây tổn thương phổi, tim và não, là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm do mắc các bệnh lý như ung thư, đột quỵ, tim và phổi. Không những thế, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng xương sẽ bị suy yếu trầm trọng do các chất ô nhiễm nhỏ thấm vào máu khi hít thở. 

Tháng 10 năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức Hội nghị toàn cầu về Ô nhiễm không khí và Sức khỏe lần đầu tiên tại Geneva. Các quốc gia và các tổ chức đã đưa ra hơn 70 cam kết nhằm cải thiện chất lượng không khí. Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức vào tháng 9/2019 với mục tiêu đẩy mạnh hành động và hoài bão về biến đổi khí hậu toàn cầu.

2010-2020: Cả 1 thập kỷ hành động không ngừng để đẩy lùi KHÁNG KHÁNG SINH

2010-2020: 10 năm đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, vấn đề kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đã được chú ý nhiều hơn. Thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện... còn chiếm tỷ lệ cao. Trong trường hợp này, việc điều trị bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền.

Theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu (ECDC), hằng năm ở Châu Âu có trên 25.000 bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc.

Liên đoàn Quốc tế các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFPMA) cho biết: Khoảng 700.000 người tử vong mỗi năm trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh. con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh để đảm bảo sử dụng phù hợp các loại thuốc kháng sinh hiện nay, cũng như tìm ra các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.

Phát biểu về tình trạng kháng kháng sinh, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã coi tình trạng kháng thuốc kháng sinh là "một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta". Ông cho rằng tình trạng này có nguy cơ làm thụt lùi tiến bộ y học, khiến thế giới trở lại thời kỳ y học cách đây một thế kỷ và khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị.

1 thập kỉ con người phải đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.

2019: Anti vắc-xin - Trào lưu nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng

Từ lâu nay phong trào anti - vắc-xin đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Dù rằng tiêm chủng là một việc rất đỗi phổ biến và nên làm để giúp trẻ phòng tránh được bệnh tật, thế nhưng vẫn có nhiều bậc cha mẹ nhất quyết không cho con đi tiêm ngừa vì những suy nghĩ tiêu cực: Tiêm vắc-xin càng hại cho sức khỏe của con; Vắc-xin có chứa hóa chất nguy hiểm; Tiêm vắc-xin không có hiệu quả gì, còn có thể gây chứng tự kỷ; không tiêm chủng cũng không sao...

Trong khi những luận điệu trên chưa được chứng minh bằng những con số rõ ràng thì thực tế, vắc-xin đã cứu 3 triệu mạng sống mỗi năm và bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao như sởi, viêm phổi, tả và bạch hầu. Nhờ vắc-xin, số người tử vong vì sởi từ năm 2000 đến 2017 đã giảm và bệnh bại liệt đang sắp được xóa sổ. Trong khi đó, đáng buồn thay, ước tính năm 2017 có khoảng 1.5 triệu trẻ em tử vong vì các bệnh có thể phòng ngừa được nhưng trẻ lại không tiêm vắc-xin.

1 thập kỉ con người phải đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

Ảnh: Getty

Tại Việt Nam, theo thống kê của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương, hầu hết các trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi điều trị tại khoa đều chưa tiêm phòng. Hai bệnh khác gần đây cũng bùng phát trở lại và cướp đi sinh mạng hàng chục trẻ em, do không được chích ngừa vắc-xin là ho gà và viêm gan B. 

Theo dữ liệu mới công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018, trên thế giới có khoảng 229.000 ca bệnh sởi, tăng 30% so với con số 170.000 ca năm 2017. Trong số đó, có tới 13.600 trường hợp mắc bệnh đã tử vong.

Nguyên nhân chính khiến các bác sĩ muốn càng nhiều người tiêm vắc-xin là để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Khi nhiều người trong một khu vực tiêm vắc-xin, ít người bị ốm hơn. Từ đó, ít vi trùng lây lan từ người sang người hơn. Cuối năm 2018, Amanda Cohn - Giáo sư lão làng của CDC đã nói rằng "Nước Mỹ đã mất đi Miễn Dịch Cộng Đồng trên 18 bang. Chúng ta đang quay trở lại thời Nguyên Thủy".

1 thập kỉ con người phải đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

Để đối phó với phong trào anti vắc-xin ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em, một số quốc gia đã quyết định thực hiện các hình thức áp đặt như là: Xử phạt đối với những bậc phụ huynh không chịu cho con mình đi tiêm phòng, xử phạt những ngôi trường cho phép những đứa trẻ không tiêm phòng đi học...

2010-2020: 10 NĂM TÌM TÒI, PHÁT TRIỂN, GHI NHẬN NHỮNG TIẾN BỘ VƯỢT BẬC MANG LẠI HI VỌNG CHO CĂN BỆNH "VÔ PHƯƠNG CỨU CHỮA" 

Với những nỗ lực không ngừng, trong cả thập kỷ qua, nền y học toàn thế giới đã ghi nhận nhiều tiến bộ vượt bậc về y học, mở ra triển vọng mới trong việc điều trị những căn bệnh vốn được coi là "vô phương cứu chữa" và mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn.

2015: Tìm ra siêu kháng sinh, vắc-xin sốt xuất huyết

Tháng 1 năm 2015, các nhà khoa học Đức, Mỹ và Anh "cho ra mắt" loại thuốc kháng sinh Teixobactin có khả năng chữa trị hiệu quả nhiều bệnh. Teixobactin đặc biệt linh hoạt trong việc chống lại các vi khuẩn dạ dày nguy hiểm và các vi trùng gây hại cho tim. Quan trọng hơn, loại thuốc này không gây tác dụng phụ.

Các nhà khoa học tin rằng vi khuẩn sẽ không thể kháng lại Teixobactin trong ít nhất 30 năm tới. 

Cũng trong năm 2015, Dengvaxia của Mexico được chính thức công nhận là loại vắc-xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới. 

Bên cạnh đó, vắc-xin sốt rét cũng đã ra mắt cùng năm nhưng vẫn đang tiếp tục được kiểm tra theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới sau khi không cho hiệu quả cao trong đợt thử nghiệm tại châu Phi.

2016: Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi - rubella 2016

Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc-xin khi tự sản xuất được vắc-xin phối hợp ngừa sởi-rubella (MR) chất lượng cao trên ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Đây là vaccine phối hợp sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp Sởi – Rubella" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.

Vắc-xin phối hợp ngừa sởi-rubella (MR) được đánh giá là an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.

2016: Lần đầu tiên chỉnh sửa gen ở phôi thai người

2016 là năm đột phá trong ngành di truyền học, với việc lần đầu tiên chỉnh sửa thành công ADN ở phôi thai người. Nhà khoa học Thụy Điển Fredrik Lanner - người tiến hành thử nghiệm này với hi vọng nghiên cứu của mình sẽ mở ra triển vọng trong việc ngăn ngừa một số căn bệnh do di truyền.

Tuy vậy, nghiên cứu này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều với lo ngại quá trình chỉnh sửa gen người sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như tạo ra căn bệnh mới, lỗi gen di truyền hay bị lạm dụng với mục đích xấu.

1 thập kỉ con người phải đối phó với dịch bệnh, chất lượng cuộc sống bị đe dọa nhưng không phải

2018: Cấy ghép mặt thành công

Hamon, 43 tuổi, người Pháp là người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép mặt lần thứ 2 thành công vào tháng 4/2018. Người đàn ông này bị biến dạng khuôn mặt do mắc chứng u xơ thần kinh loại 1 - một dạng rối loạn di truyền gây ra các khối u lành tính. Trước đó, năm 2010, Hamon đã được cấy ghép mặt lần đầu tiên nhưng tới năm 2016 lại xuất hiện hiện tượng đào thải ghép nên không thành công.

Năm 2018, anh Hamon đã được các bác sĩ phẫu thuật người Pháp tiến hành cấy ghép mặt lần thứ hai dưới sự giám sát của Laurent Lantieri - bác sĩ thực hiện ca cấy ghép đầu tiên của Hamon. Ca phẫu thuật đã thành công và mang lại cho anh một khuôn mặt mới.

Anh Hamon, 43 tuổi, người Pháp là người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép mặt lần thứ 2 thành công vào tháng 4/2018.

2018: Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa và cúm A/H5N1

Ngày 25/9/2019, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH - một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu, Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ, đã tổ chức công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển vắc-xin cúm tại Việt Nam.

Theo đó, vắc-xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc-xin cúm đại dịch A/H5N1 đã được công bố là nghiên cứu thành công, với chất lượng cao, an toàn. 

TẠM KẾT

10 năm, 20 năm, 50 năm hay 100 năm đi chăng nữa, những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe con người vẫn luôn rình rập. Với sứ mệnh "làm chủ hành tinh" này, chúng ta không vì thế mà né tránh hay là ngồi một chỗ mong chờ... khỏe mạnh.

Thay vào đó, hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường sống, phòng ngừa, đẩy lùi tối đa các tác nhân gây bệnh bằng những việc đơn giản nhất. Sức khỏe của bạn là của bạn, nhưng cũng là của cộng đồng, bạn khỏe cộng đồng khỏe. Vì một hành tinh khỏe mạnh, hãy là người có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân.

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang