Một trường chuyên đình đám "nằm không" bỗng dưng "dính đạn": Phụ huynh liệt kê 4 kiểu học sinh không nên vào học

(lamchame.vn) - Quan điểm của ông bố này nhận về nhiều tranh cãi.

Khoảng 4.300 học sinh mới đây đã tham gia thực hiện bài khảo sát vào lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) ở 6 địa điểm đặt tại quận 1 và quận 3. Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa năm học 2024-2025 là 350 học sinh. Như vậy tỷ lệ chọi vào trường khoảng 1/12.

Đây là năm đầu tiên Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa tổ chức tuyển sinh lớp 6 sau khi được UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, từ việc thực hiện đề án tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, theo quy định của luật Giáo dục 2019 và Thông tư 05/2023 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Trước khi chưa thực hiện tách trường, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (tiền thân là trường Trung học La San Taberd) từng nhiều năm là trường trung học công lập duy nhất ở TP.HCM được tổ chức kỳ khảo sát đầu vào lớp 6. Giành một suất vào trường là niềm mơ ước của nhiều học sinh và phụ huynh, bởi nơi đây được đánh giá là đào tạo ra những học sinh xuất sắc, giành nhiều giải thưởng, nhiều suất vào trường chuyên lớp chọn, hay hồ sơ đẹp nếu xin du học, có hội phụ huynh tuyệt vời.

Tuy nhiên, một ông bố ở TP.HCM mới đây thu hút sự chú ý khi cho rằng: Dù Trường chuyên Trần Đại Nghĩa là môi trường tuyệt vời xứng đáng để các em phấn đầu nhưng vẫn có những học sinh chưa phù hợp.

Một trường chuyên đình đám "nằm không" bỗng dưng "dính đạn": Phụ huynh liệt kê 4 kiểu học sinh không nên vào học - Ảnh 1.

Trường chuyên Trần Đại Nghĩa là môi trường mơ ước của nhiều học sinh. Ảnh: Minh Hòa

Anh liệt kê ra 4 kiểu học sinh không nên vào Trần Đại Nghĩa:

Thứ nhất: Nhiều em học giỏi thi điểm cao nhưng quen ở môi trường quốc tế, trường tư, nơi cơ sở vật chất tốt, tư duy mở, không phù hợp.

Thứ hai: Các em giỏi nhưng chưa xuất sắc do chăm chỉ, luyện thi nhiều, tuy đậu nhưng cận điểm đầu vào học theo hơi đuối, cân nhắc cho học nếu xót con.

Thứ ba: Các em giỏi, nhưng chịu áp lực kém, vào học gặp nhiều bạn giỏi, "ngộp", học mà không vui không nên học.

Thứ tư: Các em quen với sự hoàn hảo, điểm tổng kết không cần chia (vì toàn 10) thì vào trường, gia đình cần làm công tác tư tưởng trước.

Ông bố này cũng nói thêm, nếu con đậu vào trường thì dù thuộc nhóm không phù hợp vẫn nên cho con thử sức một thời gian vì đó là trải nghiệm tuyệt vời.

Tranh cãi

Quan điểm của ông bố nhận về nhiều ý kiến đồng tình.

Một phụ huynh cho biết, nếu con đỗ được vào chuyên, con cũng cần hòa tan được vào mọi hoạt động cũng như kiến thức của lớp cũng như tốc độ giảng bài của thầy cô. Những bạn có tố chất tốt rồi thì không khó để học theo được cách giảng dạy này. Chú trọng kiến thức sâu rộng và nâng cao, hầu hết những kiến thức cơ bản hoặc trên cơ bản một chút sẽ phải tự học.

Còn một học sinh có tố chất trung bình, do cày cuốc ôn thi luyện kỹ lưỡng mà đỗ trường, khi phải học cùng với các bạn thông minh học 1 hiểu 10, giáo viên dạy nhanh, yêu cầu cao thì chắc chắn chuỗi ngày cố gắng của con sẽ hơn những bạn khác. Con vẫn tiếp tục phải học thêm, dành nhiều thời gian để giải quyết hết bài tập.

Những bạn top trên học thêm để đứng đầu, đấu các giải, săn học bổng du học, các kì thi quốc gia quốc tế… Ngược lại, những bạn top dưới học thêm, thậm chí học gấp đôi để… đuổi theo các bạn top trên. Rồi một ngày con sẽ đuối, mệt, nản. Trong môi trường chuyên, có những người luôn dẫn đầu, và có những người dù có cố đến đâu cũng không bao giờ vươn lên nổi mức giữa.

Nhiều người cho rằng, với tiêu chí lấy người học làm trung tâm, thì dù việc lựa chọn và định hướng do cha mẹ, nhưng nếu vẫn có một số ít các con đã đậu nhưng không cảm thấy phù hợp thì cha mẹ cũng nên cân nhắc để con được trở về môi trường con cảm thấy vui vẻ học tập nhất.

Tuy nhiên, luồng ý kiến còn lại cho rằng, quan điểm của ông bố nói trên chứng tỏ chưa hiểu tâm lý trẻ. Trẻ nhỏ rất dễ thích nghi không như người lớn nghĩ. Học sinh đậu đượcvào trường đã quá giỏi cả về tư duy, chăm chỉ, chịu khó... như vậy là đáp ứng được yếu tố cần và đủ. Học sinh đã thi đậu bằng khả năng của mình thì em nào cũng đủ trình để học, các con sẽ thích nghi theo bản năng. Học là một quá trình nên việc đậu vào chỉ là bước đầu tiên trong chuỗi hành trình rèn luyện tính cách và năng lực.

"Chưa hiểu sao lại mang học sinh quốc tế, tư duy mở vào đây ạ, đậu Trần Đại Nghĩa là tư duy "đóng" hay sao? Với 1 môi trường giỏi, cạnh tranh đầu vào cao, mình tin kể cả thầy cô và học sinh đều là những người có tư duy mở, ham học hỏi, dám ý kiến, sáng tạo mới mẻ. Để luyện thi chăm chỉ mà đậu là đã giỏi rồi, chứ giỏi sẵn mới học vậy có đánh giá thấp sự nỗ lực của các bạn khác quá không?", một người phản biện.

Nhiều phụ huynh nhận định, quan trọng là con có thi đậu hay không và con có muốn học hay không chứ không có việc nên hay không nên theo chủ quan của người lớn. Hãy hỏi thêm ý kiến của con cái.

Một bà mẹ có con đang học tại trường chia sẻ, theo quan sát lớp con học suốt 4 năm thì bạn xuất sắc có, bạn giỏi có, bạn học khá trung bình đều có (mặc dù điểm học bạ trên 8,9), con nhà giàu có, nhà trung lưu, nhà bình thường cũng có nhưng nhìn chung các bạn rất nỗ lực vươn lên và vui vẻ hoạt bát. Mỗi bạn đều có thế mạnh riêng và có tinh thần học tập tốt, ngoan, lễ phép. Cha mẹ hiểu rõ sức học của con và giúp đỡ bồi dưỡng con tiến bộ mỗi ngày chứ đừng kỳ vọng cao quá sức của con hiện tại thì không có xảy ra việc con bị áp lực hay căng thẳng.

Môi trường Trần Đại Nghĩa năng động, thoải mái con có nhiều cơ hội học hỏi lẫn nhau, phụ huynh cứ yên tâm cho con học. Nhiều em cấp 1 thụ động nhưng sau 4 năm cấp 2, nhờ học tại đây mà con thay đổi tích cực.

Con cần có những ước mơ, con cần có bản lĩnh, con cần cố gắng vượt qua giới hạn đang có của bản thân. Nếu con đã cố gắng hết sức nhưng không theo kịp, cần thay đổi môi trường thì cha mẹ cũng nên vui vẻ với những lựa chọn và những ngôi trường hạnh phúc tuyệt vời khác.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang